“Cứ vất vả long đong thế này để rút, nộp hồ sơ. Nay đăng ký, mai mới được rút, rồi lại sang trường khác nộp, lại chờ đợi, lại rút. Con tôi thì ảnh hưởng tinh thần nặng nề, lúc như hoảng loạn, lúc như trầm cảm. Tôi sợ cháu tự kỷ mất. Thưa Bộ trưởng Giáo dục, chúng tôi đã mệt mỏi lắm rồi!”, bác Trần Thị Dư ở Thanh Trì, Hà Nội bức xúc.

Thưa Bộ trưởng Giáo dục, chúng tôi đã mệt mỏi lắm rồi!

Một Thế Giới | 14/08/2015, 19:00

“Cứ vất vả long đong thế này để rút, nộp hồ sơ. Nay đăng ký, mai mới được rút, rồi lại sang trường khác nộp, lại chờ đợi, lại rút. Con tôi thì ảnh hưởng tinh thần nặng nề, lúc như hoảng loạn, lúc như trầm cảm. Tôi sợ cháu tự kỷ mất. Thưa Bộ trưởng Giáo dục, chúng tôi đã mệt mỏi lắm rồi!”, bác Trần Thị Dư ở Thanh Trì, Hà Nội bức xúc.

Mệt mỏi đi rút hồ sơ 
Sáng 14.8, tại khu vực rút hồ sơ của Trường đại học Bách khoa Hà Nội, thí sinh xếp thành hàng dài nối đuôi nhau để chờ đến lượt. Các phụ huynh hết đứng lại ngồi xổm xuống hành lang. Nét mệt mỏi hiện rõ trên từng khuôn mặt. 
Đứng dựa vào tường, bác Trần Thị Dư (ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết con bác dự tuyển nguyện vọng một ngành công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa. Nhưng sau 10 ngày, với số lượng đông thí sinh đăng ký nộp vào trường, hiện con bác đã bị bật ra khỏi danh sách trúng tuyển ở cả 4 nguyện vọng. Và vì thế, phải đi rút hồ sơ để tìm cơ hội ở trường khác. 
Từ hơn 6 giờ sáng 13.8, hai mẹ con bác đã bắt xe buýt từ Thanh Trì lên phố Đại La, rồi từ Đại La đi bộ đến Đại học Bách khoa Hà Nội, làm thủ tục xin rút hồ sơ. Xếp hàng và chờ đợi, đến 11 giờ trưa mới đến lượt, cán bộ tuyển sinh viết giấy hẹn sáng nay lên rút, hai mẹ con bắt xe buýt về. Sáng nay 7 giờ, hai mẹ con lại tiếp tục hành trình lên Đại học Bách khoa. 
“Giờ rút xong lại về, sau đó lại lên để nộp vào trường khác. Tôi năm nay 61 tuổi rồi, lại say xe, đi theo con thế này thật quá mệt mỏi. Tôi ở ngay Thanh Trì, Hà Nội mà còn thấy ngao ngán thế này, không biết các thí sinh tỉnh khác về, họ còn mệt mỏi đến mức nào. Hồ sơ không lấy được ngay trong ngày, họ sẽ phải tìm thuê nhà để kiếm chỗ ăn, ngủ qua đêm”, bác Dư chia sẻ. 
“Mọi năm thi xong rồi đỗ, trượt rõ ràng. Năm nay thi xong còn khổ hơn cả lúc chưa thi, cứ sống trong thấp thỏm, chờ đợi và hy vọng, rất mệt mỏi. Tôi không hiểu Bộ Giáo dục - Đào tạo bảo sẽ có lợi cho thí sinh ở điểm  nào, nhưng là người dân, người trong cuộc, tôi thực sự muốn phát điên lên,” bác Dư bức xúc. 
Đôi mắt ậng nước như chực khóc, bác bảo: “Nghĩ đến con mà đứt ruột. Suốt từ sáng đến nửa đêm, nó chỉ lên mạng internet xem số thứ tự của mình ở mức nào, ăn cũng vội vàng, có khi quên cả ăn. Tính tình nó thay đổi hẳn, hay cáu gắt, bức xúc, nói trước quên sau. Tôi chỉ sợ con mình sẽ bị tự kỷ”, bác Dư ​ ​lo lắng. 
“Lãnh đạo Bộ Giáo dục hãy đến mà xem" 
Ở một góc hành lang, một phụ huynh dáng người nhỏ thó, ôm mặt nhăn nhó. Chị cho biết quê ở tỉnh Quảng Ninh, đưa con lên rút hồ sơ. Chị bị bệnh đau tim, nhưng sáng nay vì sợ muộn xe nên đã vội đưa con đi mà quên uống thuốc. 
Một góc khác, chị Vũ Thị Hạnh (ở xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, Nam Định) ngồi bệt xuống hành lang để đợi con đi làm thủ tục, mệt mỏi tới mức không muốn bỏ chiếc mũ ra khỏi đầu. 
Con gái chị được 22 điểm, đăng ký vào ngành Công nghệ may của Đại học Bách khoa, nhưng khả năng trượt nên hai mẹ con phải lên rút hồ sơ. 
Chị Hạnh kể hai mẹ con đi từ 5 giờ sáng bắt xe khách lên Hà Nội, đến được trường là 9 giờ, đã thấy rất đông học sinh xếp hàng. 
“Nay họ nhận đăng ký, mai mới rút, hồ sơ không lấy được ngay trong ngày. Tôi đang nghĩ không biết sẽ đi đâu bây giờ, mà về nhà thì xa quá,” chị Hạnh chia sẻ. 
Chếch sang phía đối diện, em Trần Thị Lê (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) ngồi ủ rũ trên ghế chờ đặt phía ngoài cửa phong nhận hồ sơ. Lê cho biết em là sinh viên năm cuối một trường cao đẳng, đang trong giai đoạn ôn tập nước rút nhưng vẫn phải tranh thủ dẫn em đi rút hồ sơ. 
“Em ở quê lên, ở đây rút không lấy được hồ sơ luôn nên mai lại phải lên. Hôm sau lại lên nộp hồ sơ vào trường khác nữa. Mà em còn bao nhiêu việc, em mệt mỏi lắm. Em em cũng rất mệt mỏi, ngày nào nó cũng lo lắng bồn chồn, ăn không ngon, ngủ cũng không yên giấc”, Lê cho biết. 
Ngao ngán nhìn dãy thí sinh xếp hàng nuối đuôi nhau chờ đến lượt rút hồ sơ, anh Nguyễn Tiến Chương (xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bảo: “Bộ Giáo dục cứ nói có lợi cho thí sinh, tôi chỉ thấy mệt mỏi. Lãnh đạo Bộ hãy đến đây mà xem và cảm nhận!”. 
Theo Vietnam+
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thưa Bộ trưởng Giáo dục, chúng tôi đã mệt mỏi lắm rồi!