Thủ tướng đã chỉ đạo quyết tâm xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, là đảo tầm cỡ khu vực và quốc tế, kết nối các trung tâm kinh tế lớn của thế giới.
Theo dòng thời sự

Thủ tướng yêu cầu thực hiện ‘6 đẩy mạnh’ để Phú Quốc phát triển bền vững, là nơi đáng sống

P.V 31/03/2024 16:02

Thủ tướng đã chỉ đạo quyết tâm xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, là đảo tầm cỡ khu vực và quốc tế, kết nối các trung tâm kinh tế lớn của thế giới.

Sáng 31.3, tại TP.Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ dự Hội nghị tổng kết Quyết định 178/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

pq.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị sáng nay - Ảnh: TTXVN

Hành trình khẳng định "thương hiệu Phú Quốc" trên bản đồ du lịch thế giới

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá sau 20 năm, Phú Quốc đã cơ bản đạt được các mục tiêu trong đề án phát triển tổng thể Phú Quốc theo Quyết định số 178. Đó là kết quả khẳng định sự đúng, trúng và hiệu quả trong chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước với Phú Quốc.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, qua gần 20 năm triển khai thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, bộ mặt của “thành phố đảo” đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, đạt gần 19,6%/năm. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đều tăng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng nhanh tỷ trọng thương mại-dịch vụ, công nghiệp xây dựng, giảm về nông nghiệp.

Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng cao qua các năm, nếu như năm 2004 tổng thu ngân sách chỉ đạt 38,59 tỷ đồng, đến năm 2023 đạt 7.812,7 tỷ đồng, tăng trên 113 lần so với năm 2004; trong 5 năm trở lại đây, Phú Quốc không những tự chủ ngân sách mà còn điều tiết lại cho ngân sách tỉnh.

Từ một địa phương “không có dự án đầu tư nào," đến năm 2023, đã thu hút 321 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 412 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng số dự án toàn tỉnh. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội liên tục tăng qua từng năm, đến năm 2023 đạt 21.615 tỉ đồng, tăng gần 64 lần so năm 2004.

Phú Quốc từ huyện đảo ít người biết, năm 2004 chỉ thu hút trên 130 nghìn lượt khách du lịch, đến năm 2023, Phú Quốc đón khoảng 5,57 triệu lượt khách tham quan du lịch, tăng 42,7 lần năm 2004; trong đó khách quốc tế trên 560 ngàn lượt, chiếm 4,48% cả nước.

Đặc biệt, Phú Quốc đã khẳng định được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới, nhiều sản phẩm du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế như: Hệ thống cáp treo tại Hòn Thơm được Tổ chức Guinness trao tặng Chứng nhận là Cáp treo dài nhất thế giới, quần thể vui chơi giải trí Grand World, khu vườn thú bán hoang dã Safari, Casino Phú Quốc...

Năm 2023, Tạp chí du lịch Travel+Leisure vinh danh đảo Phú Quốc là “Một trong những ngôi sao mới của du lịch Việt Nam"...

Đến nay, hệ thống hạ tầng của Phú Quốc cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển. Năm 2014, Phú Quốc chính thức hòa lưới điện quốc gia, cũng là năm Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đón chuyến bay đầu tiên.

Hiện tại, Phú Quốc đã kết nối đường bay trong nước đến tất cả các sân bay và kết nối đường bay đến 10 quốc gia và vùng lãnh thổ.

du-lich-phu-quoc-2-ngay-1-dem-1_1645345403.jpg
Một góc đảo Phú Quốc - Ảnh: Internet

Lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm chỉ đạo đúng mức, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương tiếp tục được bảo tồn và phát huy; thu nhập và đời sống của nhân dân liên tục được cải thiện; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quốc phòng được củng cố vững chắc; công tác đối ngoại được quan tâm và có chuyển biến tích cực; tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức chính quyền các cấp được tăng cường…

Tuy nhiên, bộ máy quản lý Nhà nước và công tác quản lý hành chính của thành phố của thời điểm chưa theo kịp nhu cầu phát triển, nhất là trong quản lý xây dựng, đất đai; hạ tầng được quan tâm, đầu tư song chưa thực sự đồng bộ, bền vững, nhất là hạ tầng cấp thoát nước, xử lý rác thải, y tế, giáo dục…; là thành phố du lịch, song Phú Quốc chưa có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển du lịch, thu hút khách du lịch…

Tỉnh Kiên Giang đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét phân cấp, phân quyền cho tỉnh được xử lý một số vấn đề về điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý đất đai; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng, tổ chức bộ máy TP.Phú Quốc; cho phép các chuyến bay quá cảnh đến Phú Quốc, các ưu đãi về thuế quan; hoạt động casino và một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP.Phú Quốc nhanh và bền vững hơn nữa.

Thực hiện "6 đẩy mạnh" để Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững

Từ kết quả đạt được thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và các thành tựu của chính quyền, quân và dân TP Phú Quốc nói riêng, của tỉnh Kiên Giang nói chung trong nhiều năm qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của TP.Phú Quốc. Theo đó, việc phát triển Phú Quốc không phải là nhiệm vụ riêng của Kiên Giang hay Phú Quốc mà là nhiệm vụ chung của cả nước với tinh thần chia sẻ, thấu hiểu, quan tâm, đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của Phú Quốc, góp phần cho sự phát triển của Kiên Giang và ĐBSCL.

"Định hướng phát triển Phú Quốc nhanh, bền vững; trở thành trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế, thành phố hiện đại, văn minh, thông minh, xanh, sạch đẹp, an toàn, là nơi đáng sống" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý "6 đẩy mạnh" trong nhiệm vụ, giải pháp phát triển TP.Phú Quốc thời gian tới. Đó là:

Đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng thị trường để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; Phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại về giao thông, y tế, giáo dục, xã hội, công nghệ thông tin, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa cho Phú Quốc gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hình thành các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong nước, khu vực và toàn cầu; Đẩy mạnh phát huy, khai thác truyền thống văn hóa lịch sử bản sắc, hào hùng của Phú Quốc, Kiên Giang, vùng ĐBSCL gắn với phát triển dịch vụ và du lịch; Đẩy mạnh hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương với Phú Quốc và Kiên Giang để Phú Quốc phát triển theo mục tiêu đã đề ra.

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng yêu cầu thực hiện ‘6 đẩy mạnh’ để Phú Quốc phát triển bền vững, là nơi đáng sống