Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại xã, phường, thị trấn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp uỷ lãnh đạo, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể cần tập trung kêu gọi người dân tham gia triển khai tích cực, hiệu quả công tác phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội; chuẩn bị, cung cấp các gói an sinh xã hội; bảo đảm người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, nhiều nhất có thể.

Thủ tướng yêu cầu tập trung nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại xã, phường, thị trấn

VGP | 31/08/2021, 06:40

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại xã, phường, thị trấn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp uỷ lãnh đạo, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể cần tập trung kêu gọi người dân tham gia triển khai tích cực, hiệu quả công tác phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội; chuẩn bị, cung cấp các gói an sinh xã hội; bảo đảm người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, nhiều nhất có thể.

Thủ tướng thăm hỏi và động viên người dân đang thực hiện cách ly phòng chống dịch tại Đồng Nai. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 226/TB-VPCP ngày 30/8/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thông báo kết luận nêu rõ: Sáng 29.8. 2021, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 20 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; các thành viên Ban Chỉ đạo: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính; Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, đại diện lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam. Tại đầu cầu TP.HCM có Đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia, các Thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tại các điểm cầu địa phương có: Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phụ trách công tác phòng, chống dịch COVID-19; Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, thành phố; Giám đốc các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn của các tỉnh, thành phố: Hà Nội,  Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, ý kiến của Lãnh đạo các địa phương và phát biểu của các Thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các Thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 kết luận như sau:

1. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao sự tham gia đầy đủ của các đại biểu, nhất là các đại biểu ở xã, phường, thị trấn với các ý kiến góp ý phong phú, trách nhiệm, tâm huyết và chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hay xuất phát từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch tại địa phương. 

2. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đặc biệt biểu dương các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an đã cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực làm việc quên ngày đêm, thậm chí hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chống dịch COVID-19; ghi nhận, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, hiệp hội, hội đồng hương, các tổ chức tôn giáo… và ghi nhận, đánh giá cao sự thông cảm, chia sẻ, chấp hành vào cuộc, hưởng ứng, tham gia tích cực, hiệu quả của các tầng lớp nhân dân, nhất là các lực lượng tình nguyện, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách tại 19 tỉnh, thành phố và tăng cường thực hiện giãn cách xã hội ở TP.HCM và một số đơn vị hành chính ở các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An theo Chỉ thị số 16/CT-TTg; đồng thời biểu dương cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp cơ sở vật chất, nguồn lực lớn, kịp thời cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

3. Công tác phòng, chống dịch đã đạt được những kết quả nhất định. Một số tỉnh, thành phố, trong đó có 6 tỉnh (Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau) đã kiềm chế, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế; 13 tỉnh, thành phố (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hà Nội, Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng) đã thực hiện được một số tiêu chí kiểm soát dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế nhưng cần tiếp tục quyết liệt, mạnh mẽ, tích cực triển khai hiệu quả hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt còn 4 tỉnh, thành phố (TP.HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang) tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tại TP.HCM do đặc thù địa bàn với nhiều khu vực tập trung đông dân cư, nhà trọ, là trung tâm giao thương kinh tế lớn của cả nước, có tính đặc thù rất lớn, vì vậy, Thành phố đã cố gắng rồi cần tiếp tục cố gắng hơn nữa, quyết liệt, thực hiện triệt để hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới. 

4. Dự báo tình hình dịch bệnh thế giới, khu vực, trong nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cần tiếp tục khống chế và kiểm soát tình hình dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là đối với biến thể mới của vi rút, kể cả với những tỉnh, thành phố đã khống chế được dịch. Cần thống nhất nhận thức khống chế dịch tuyệt đối là rất khó khăn (ngay cả nước có độ bao phủ cao về vaccine, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát) nhưng phải có cách làm, phương án chống dịch thích ứng, phù hợp, hiệu quả với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. 

5. Mục tiêu trong thời gian tới cần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh nhanh nhất, hiệu quả nhất có thể theo Nghị quyết số 86/NQ-CP đã đề ra, thực hiện mục tiêu kép. Các địa phương cần đưa ra mục tiêu rõ ràng, cụ thể, có lộ trình, báo cáo Ban Chỉ đạo để thực hiện hiệu quả. Địa phương nào chưa đạt được mục tiêu đề ra, cần phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó rút kinh nghiệm sâu sắc, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đưa ra các biện pháp, giải pháp linh hoạt, cụ thể, sát thực tế, khả thi, tổ chức thực hiện theo lộ trình nhằm đạt được mục tiêu. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp cần thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm; xem xét, xử lý nghiêm các trường hợp chủ quan, lơ là, vi phạm quy định phòng, chống dịch, đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân làm tốt, tích cực, có hiệu quả.

6. Nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới:

- Xác định mỗi người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ” trong phòng, chống dịch.

- Lãnh đạo các địa phương, nhất là lãnh đạo cấp cơ sở cần quán triệt sâu sắc, thấm nhuần tinh thần chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 86/NQ-CP, Công điện số 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021 và Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021. 

- Phòng dịch vẫn là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

- Khi dịch bệnh bùng phát, triển khai ngay thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo tinh thần “ai ở đâu ở đó”, đặc biệt cách ly triệt để, chặt chẽ, nghiêm ngặt các ổ dịch, nguồn lây; tranh thủ “thời gian vàng” thực hiện giãn cách, tổ chức triển khai xét nghiệm thần tốc trên diện rộng để nhanh chóng phát hiện, tách nguồn lây (F0) ra khỏi gia đình, cộng đồng để phân loại, chăm sóc, điều trị kịp thời, hiệu quả; rút ngắn chu kỳ xét nghiệm bao phủ và trả kết quả; ngăn chặn, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra vùng nông thôn nơi có hạ tầng y tế còn hạn chế; tổ chức ưu tiên tiêm chủng an toàn, hiệu quả cho các đối tượng cần thiết theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tình hình thực tế tại địa phương. 

- Khi thực hiện giãn cách, phải bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, lưu ý hỗ trợ người không có điều kiện, thiếu lương thực, thực phẩm (người bị đứt bữa), người yếu thế, những người “lang thang, cơ nhỡ”, kể cả các gia đình có điều kiện nhưng có khó khăn mặt nào thì hỗ trợ mặt đó.

- Về y tế: (1) Tiến hành phân loại, quản lý chăm sóc, thu dung, điều trị ca bệnh ngay tại cơ sở, tại các trạm y tế lưu động để giảm ca bệnh nặng, giảm tử vong; (2) Phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, không để quá tải y tế ở tuyến trên; (3) Kết hợp Đông y và Tây y, áp dụng các phương pháp cổ truyền với hiện đại trong điều trị; (4) Tuyên truyền “vắc xin tốt nhất là vắc xin tiêm sớm nhất”; tổ chức tiêm vắc xin khoa học, ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu, chú ý tiêm vắc xin, xét nghiệm cho người làm dịch vụ vận chuyển, công nhân; (5) Tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước nhưng phải tuân thủ hướng dẫn, quy định, quy trình của cơ quan chuyên môn và hội đồng khoa học; (6) Tiếp tục thực hiện hiệu quả biện pháp 5K và các giải pháp công nghệ khác.

- Bảo đảm an dân, trật tự an toàn xã hội, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội.

- Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, hiệp hội, hội đồng hương, các tổ chức tôn giáo… cần vận động, thuyết phục và kêu gọi người dân kiên trì hưởng ứng “ai ở đâu ở đó”, không ra khỏi nhà để thực hiện phòng, chống dịch; có các biện pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả để người dân hiểu công tác phòng, chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân, tự giác bảo vệ cho mình, cho gia đình, góp phần bảo vệ cho cộng đồng; phát huy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn.

- Khẩn trương nghiên cứu di dời một bộ phận dân cư tại các khu vực có mật độ dân cư cao, khu nhà trọ đông người, khu tập trung nhiều người nghèo, chật chội... đến các địa điểm thông thoáng, an toàn như trường học, cơ sở lưu trú, nhà văn hóa... để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh.

- Khuyến khích thực hiện duy trì, phát triển sản xuất tuy nhiên phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch nghiêm ngặt theo quy định. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan phải hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai tổ chức sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nhất là những doanh nghiệp có điều kiện và tự nguyện tổ chức sản xuất, kinh doanh. 

- Bảo đảm thông suốt các chuỗi cung ứng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương không quy định riêng, không ban hành các “giấy phép con” làm cản trở việc lưu thông hàng hóa trên toàn quốc. Áp dụng triệt để các biện pháp công nghệ quản lý, ban hành quy định quản lý đi lại trong thời gian giãn cách xã hội tại các địa phương. Căn cứ tình hình cụ thể, giao cho một cơ quan quản lý ban hành, giao cho cơ quan công an thống nhất quản lý, cấp giấy phép đi lại.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch, đời sống tinh thần cho người dân, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội. Cần truyền thông đúng về quy mô dịch bệnh và dự báo thiệt hại không thể tránh khỏi trước khi nó xảy ra để kỳ vọng đúng cho những gì sắp tới và chuẩn bị tâm thế, giải pháp phù hợp; có chương trình hướng dẫn người dân phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện tuyên truyền các nội dung về truyền thống văn hóa, lịch sử, văn học nghệ thuật tốt đẹp của dân tộc để nâng cao tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc và niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch.

- Kịp thời sơ kết, đúc rút kinh nghiệm, bổ sung các biện pháp phù hợp trong thực tiễn triển khai công tác phòng, chống dịch; biểu dương, khen thưởng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm hay; phê bình, kiểm điểm, xử lý những tổ chức, cá nhân chưa làm tốt hoặc vi phạm.

7. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương các cấp kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Bí thư cấp ủy các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch tại địa phương, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội. Kiện toàn Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Chỉ huy trưởng; có quy chế làm việc, phân công trách nhiệm cho rõ ràng; có cơ chế giao ban của các cấp, báo cáo cấp trên trực tiếp hàng ngày; tổ chức ứng trực, tiếp nhận, xử lý mọi thông tin 24/24, nhất là đối với người dân. Cấp ủy, tổ chức đảng là hạt nhân, các đảng viên phải thể hiện vai trò gương mẫu trong phòng, chống dịch bệnh; các tổ chức đảng, mặt trận tổ quốc, đoàn thể tham gia giám sát và vận động, tuyên truyền người dân trong công tác phòng, chống dịch, có quy chế làm việc, phối hợp chặt chẽ. Huy động sự vào cuộc, tham gia hiệu quả của mọi người dân, doanh nghiệp phòng, chống dịch.

8. Công tác phòng, chống dịch tại xã, phường, thị trấn: 

- Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại xã, phường, thị trấn, các cấp uỷ lãnh đạo, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ: (1) Kêu gọi người dân tham gia triển khai tích cực, hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại địa phương, thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội; (2) Chuẩn bị, cung cấp các gói an sinh xã hội nhất là tại các nơi đang thực hiện tăng cường giãn cách xã hội, tập trung đối với người thiếu lương thực, thực phẩm (đứt bữa), các đối tượng có điều kiện nhưng cần hỗ trợ, người lang thang, cơ nhỡ; (3) Bảo đảm tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn; (4) Bảo đảm người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, nhiều nhất có thể; thu dung, phân loại chăm sóc, điều trị người bệnh ngay từ cơ sở tại các trạm y tế lưu động; tổ chức xét nghiệm thần tốc và rút ngắn chu kỳ xét nghiệm, tiêm vaccine ngay tại xã, phường trong thời gian giãn cách; (5) Kiểm soát tốt việc di chuyển của người dân; (6) Tăng cường vận động, thuyết phục người dân để người dân thực hiện tốt giãn cách, tự bảo vệ sức khỏe bản thân; (7) Tổ chức tốt Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; (8) Có các kịch bản phòng, chống dịch tại địa bàn cao hơn, sớm hơn, trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; (9) Chủ trì, điều hành và điều phối lực lượng hỗ trợ trên địa bàn.

- Các cấp chính quyền duy trì cơ chế giao ban phù hợp, hiệu quả. Thực hiện chế độ báo cáo hằng ngày theo phân cấp để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện.

- Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp; kết hợp công - tư kịp thời, hiệu quả ngay tại xã, phường, thị trấn.

9. Thành viên Ban Chỉ đạo các cấp cần thực hiện hoạt động theo quy chế quy định, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tự giác, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước Nhân dân về phòng, chống dịch COVID-19. Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn thiện dần, không nóng vội, không cầu toàn. Phát huy tinh thần trách nhiệm với mục tiêu tất cả vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng yêu cầu tập trung nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại xã, phường, thị trấn