“Hiện nay tôi thấy một số ngành cục bộ quá, phải có cơ sở dữ liệu lớn dựa trên sự tích hợp giữa dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Có những nơi đang còn cát cứ vào cái này”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng: Tôi thấy một số ngành cục bộ quá, có những nơi còn cát cứ dữ liệu

Hoài Lam | 05/11/2022, 18:10

“Hiện nay tôi thấy một số ngành cục bộ quá, phải có cơ sở dữ liệu lớn dựa trên sự tích hợp giữa dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Có những nơi đang còn cát cứ vào cái này”, Thủ tướng nêu.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 5.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chuyển đổi số hiện nay là một xu thế. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 cũng đã đưa việc xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số.

“Ba trụ cột này hiện nay chúng ta đóng góp được 10% thôi, nhưng đến năm 2030 ta đặt mục tiêu là 30%”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng phát triển kinh tế số len lỏi vào tất cả các ngành, lĩnh vực, vì vậy phải tăng cường quản lý nhà nước, vừa đảm bảo phát triển lành mạnh, đúng hướng, nhanh, bền vững, vừa phải kiểm soát được những phát triển không đúng hướng, không lành mạnh.

Ngoài ra, theo Thủ tướng, yếu tố con người vẫn là trung tâm, là chủ thể, là động lực, là nguồn lực và mục tiêu cho sự phát triển.

“Ta có giải pháp liên quan đến tăng cường nguồn nhân lực. Hôm qua có đại biểu đã phát biểu là cho người yếu thế nào, cho khu vực vùng sâu, vùng xa thế nào, cho khu vực vùng biên giới và hải đảo thế nào để họ được tiếp cận công bằng, ví dụ như sóng cũng là vấn đề. Tôi nghĩ là phải lưu ý thêm vấn đề này để "không để ai bị bỏ lại phía sau" bởi thiếu hạ tầng cho phát triển chuyển đổi số”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng lưu ý: “Nguồn lực, đầu tư nguồn lực thì Nhà nước chỉ có thế thôi. Đầu tư hạ tầng số nguồn lực cũng phải rất lớn. Ngoài nguồn lực nhà nước ra chúng ta phải huy động nguồn lực gì? Lại phải trở lại hợp tác công tư, phải xã hội hóa nữa, tính toán để vay vốn của nước ngoài làm sao cho phù hợp để chúng ta phát triển với tốc độ nhanh”.

Thủ tướng cũng cho rằng cần phải đẩy nhanh tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ liên quan đến chuyển đổi số. Tất cả các cấp, các ngành cũng phải vào cuộc.

“Hiện nay tôi thấy một số ngành cục bộ quá, phải có cơ sở dữ liệu lớn dựa trên sự tích hợp giữa dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Có những nơi đang còn cát cứ vào cái này”, Thủ tướng nêu.

tt-1.jpg
Thủ tướng trả lời chất vấn trước Quốc hội

Người đứng đầu Chính phủ cũng dẫn ví dụ về đề án 06 với 25 dịch vụ công rất thiết yếu cho người dân và doanh nghiệp phải kết nối vào với nhau để tạo cơ hội cho phát triển, đồng thời phải giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

“Chỗ này nỗ lực của các bộ, các ngành, các địa phương cần phải nhiều hơn, mỗi thứ một tí tích hợp lại thành sức mạnh tổng hợp, từ các ngành, các cấp chúng ta phải nỗ lực phấn đấu. Tất nhiên, mình phải xác định trọng tâm, trọng điểm”, Thủ tướng nói.

Trả lời chất vấn về vấn đề chuyển đổi số trước đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tời gian qua, việc triển khai các đề án liên quan đến chuyển đổi số có những vướng mắc về cách làm. Đặc biệt các văn bản quy phạm pháp luật khi chưa lường hết sự thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Phó thủ tướng lấy ví dụ trong 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), có 1 dịch vụ liên quan đến xử phạt trực tuyến vi phạm hành chính giao thông đường bộ bằng camera, hay còn gọi là phạt nguội chưa triển khai được do luật quy định muốn phạt nguội thì người bị phạt phải đến trình diện, xác nhận ở cơ quan công an, nhưng nếu vậy thì không phải thực hiện trực tuyến nữa.

"Vậy chúng ta có dám làm trái quy định trong trường hợp cụ thể này mặc dù thấy đúng rồi hay không?", Phó thủ tướng nêu thực tế và khẳng định, các cơ quan đã bàn rất trách nhiệm, báo cáo Chính phủ những vấn đề bức xúc liên quan đến người dân để triển khai tiếp.

Phó thủ tướng khẳng định: Chuyển đổi số là cơ hội mới, cần quyết tâm rất lớn của người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo, kiểm soát việc ra đầu bài để giải quyết những bài toán rất cụ thể, có thể làm được những việc tưởng chừng không thể.

"Vừa qua, việc liên thông dữ liệu sức khỏe của người dân giữa cơ sở y tế với ngành giao thông, ngành công an để phục vụ cấp giấy phép lái xe không thể thực hiện nếu cơ sở y tế chưa số hóa, tuy nhiên, từ thực tế cho thấy các đơn vị đã thực hiện liên thông trước hết kết luận người đó đạt hay không đạt sức khỏe dể cấp giấy phép lái xe", Phó thủ tướng nêu ví dụ.

Phó thủ tướng cho rằng đối với người dân, chuyển đổi số là cơ hội rất lớn trong thanh toán điện tử, tiếp cận giáo dục mà sâu xa hơn nữa là nâng cao chất lượng hưởng thụ các giá trị văn hóa, di sản của dân tộc, thông qua hình thức "tham quan trực tuyến các địa điểm du lịch, văn hóa, nghệ thuật… đã được số hóa".

Phó thủ tướng mong muốn các đại biểu quốc hội, lãnh đạo các địa phương, các ngành cùng chung tay tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số tại địa phương.

Bài liên quan
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Tôi thấy một số ngành cục bộ quá, có những nơi còn cát cứ dữ liệu