Trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 16.10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu thành phố Cần Thơ tiếp xúc cử tri Cần Thơ là cán bộ, hội viên Hội Nông dân, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản.
Sự kiện

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ

TTXVN 16/10/2024 21:25

Trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 16.10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu thành phố Cần Thơ tiếp xúc cử tri Cần Thơ là cán bộ, hội viên Hội Nông dân, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản.

thu-tuong-161024-1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ - Ảnh: Dương Giang

Tại cuộc tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội thông báo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; một số kết quả thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý, đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất và chế biến, tiêu thụ nông sản 9 tháng qua. Đoàn cũng lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri; đại diện lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ giải trình, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.

Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV tiếp tục thực hiện 3 chức năng quan trọng về lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 21.10 và bế mạc vào ngày 30.11, tiến hành theo 2 đợt.

Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 15 luật, 2 nghị quyết, cho ý kiến 13 dự án luật; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hội, ngân sách Nhà nước năm 2024 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025.

Quốc hội nghiên cứu, cho ý kiến về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023" cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Các cử tri đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua, nhờ đó tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng của năm 2024 đạt kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Cử tri Cần Thơ đặt nhiều câu hỏi, nêu kiến nghị đến thành phố và Chính phủ, Quốc hội về đầu tư từ nguồn kinh phí Trung ương thực hiện Dự án thành phố Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu; giải pháp hỗ trợ người dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống của người dân, phục vụ hoạt động nông nghiệp...

Cử tri cũng quan tâm việc xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ; cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp tác xã, nông dân tham gia Đề án phát triển 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp; chính sách hỗ trợ nông dân nhường đất cho xây dựng khu công nghiệp; đề xuất tăng mức hỗ trợ để nông dân và người lao động tự do có cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội nhiều hơn…

Sau khi đại diện lãnh đạo UBND thành phố và một số bộ, ngành giải trình, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của địa phương, chia sẻ với cử tri thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ vị trí, vai trò của Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó có đảm bảo an ninh lương thực; sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp; sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước dành cho Đồng bằng sông Cửu Long về phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chống biến đổi khí hậu bằng những chương trình, dự án cụ thể...

Thủ tướng dành thời gian làm rõ thêm các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho rằng, vấn đề của Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là sạt lở mà cả sụt lún, khô hạn và ngập úng. Năm qua, Nhà nước đã đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng để chống, khắc phục sạt lở và đang tiếp tục sắp xếp, dành nguồn lực cho nhiệm vụ này.

Đối với đề nghị của cử tri về tài chính, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước dành nhiều gói tín dụng, ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp, trong đó có tín dụng cho nông nghiệp; yêu cầu các ngân hàng thúc đẩy triển khai để gói tín dụng tới tận tay người dân.

Về chính sách cho người dân vùng nguy cơ sạt lở cao, Thủ tướng yêu cầu thành phố Cần Thơ phối hợp với các bộ, ngành vận dụng linh hoạt chương trình, đề án, kể cả chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát để đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống của nhân dân.

Thủ tướng nhất trí với ý kiến của cử tri về việc cần sớm triển khai xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ để phục vụ phát triển cả vùng; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xúc tiến nhiệm vụ này.

Đối với đề xuất của cử tri về thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, Thủ tướng cho biết, đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có nông nghiệp. Cùng với cơ giới hóa nông nghiệp, phải quy hoạch, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, huy động sự vào cuộc của giới khoa học, các ngân hàng, doanh nghiệp vào phát triển nông nghiệp; thúc đẩy liên kết giữa người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng số, giao thông, thủy lợi, điện, công nghiệp chế biến…, Thủ tướng nhấn mạnh cần sự vào cuộc của địa phương, đặc biệt là nỗ lực của người dân.

Thông tin tới cử tri Cần Thơ về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo, các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ.

Theo đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược; thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh triển khai các dự án, công trình kết cấu hạ tầng chiến lược; tập trung phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là bão số 3; phát triển nhà ở xã hội; xóa nhà tạm, nhà dột nát…

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, quý III và 9 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. GDP quý III tăng 7,4%, tính chung 9 tháng tăng 6,82%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,88%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4%, xuất siêu ước đạt 20,8 tỷ USD.

Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh, lượt khách quốc tế 9 tháng đạt trên 12,7 triệu, tăng 43%. Thu hút FDI 9 tháng đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6%. Vốn FDI thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất 5 năm qua…

Tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Nhiều hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước được tổ chức thành công; ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh; gìn giữ được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo, điều hành, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng trên 7%; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Phân tích bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước, Thủ tướng cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả, phòng, chống thiên tai, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng; đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó có hoàn thiện thể chế; tiếp tục xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài; chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường thông tin, truyền thông. Đồng thời chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV và Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế…

Thủ tướng mong muốn Cần Thơ giữ vững đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ; huy động sức mạng toàn xã hội, người dân, doanh nghiệp. Thành phố tập trung cho tăng trưởng, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; giải quyết các vấn đề xã hội; xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng; phòng, chống sạt lở, ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả.

Thủ tướng cảm ơn cử tri thành phố đã quan tâm, giúp đỡ, tin cậy, ủng hộ để Đoàn đại biểu thành phố Cần Thơ và cá nhân Thủ tướng Chính phủ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; mong muốn Đảng bộ, chính quyền, cử tri nỗ lực, cùng cả nước hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
1 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ