“Người ta nói chống tham nhũng nói chung là rất quan trọng, cần thiết nhưng mà chống tham nhũng trong làm chính sách pháp luật càng quan trọng, Thủ tướng nói.

Thủ tướng: Phải chống cho được lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật

Lam Thanh | 24/11/2020, 15:20

“Người ta nói chống tham nhũng nói chung là rất quan trọng, cần thiết nhưng mà chống tham nhũng trong làm chính sách pháp luật càng quan trọng, Thủ tướng nói.

Đã có mô hình "4 nhà" trong xây dựng thể chế

Phát biểu tại hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật vào ngày 24.11, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc kể lại câu chuyện “nghẹt thở” về xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư khi chỉ còn 6 tháng nữa là đến thời điểm có hiệu lực mà tới trên 50 nghị định cần sửa đổi, trên 3.000 điều kiện kinh doanh cần rà soát.

thu-tuong.jpg
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP

Theo ông Lộc, lúc đó, có ý kiến trong Chính phủ nói rằng có lẽ phải trình Quốc hội xin lùi thời gian bởi không có đủ thời gian hoàn thành một khối lượng đồ sộ như vậy.

“Nhưng tôi nhớ lúc đó Thủ tướng đã nói rằng trong Chính phủ không có chỗ để bàn lùi”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ. Vì vậy, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các bộ, ngành trong đó có VCCI “phải vào chiến dịch này”.

“Chúng tôi ngồi từ sáng đến chiều tại Văn phòng Chính phủ. Bộ chủ quản trình đề án, VCCI và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phản biện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP và Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm nhiệm vụ giám định, thẩm định. “4 nhà” cùng chụm đầu để soi xét từng văn bản để đưa ra quyết định về việc cắt bỏ, đơn giản hóa thủ tục kinh doanh. Và chúng ta đã thành công. Tôi nghĩ là đã có một mô hình “4 nhà” trong làm thể chế”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Ông Lộc cũng chia sẻ: “Chúng tôi, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao sự cầu thị, lắng nghe từ Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ về những sáng kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Xu hướng phát triển bền vững, nền kinh tế số, đổi mới sáng tạo, hội nhập, cạnh tranh gay gắt đang đòi hỏi cải cách đối với hệ thống luật pháp cần phải mạnh mẽ hơn”.

Dẫn cuốn sách kinh tế kinh điển “Vì sao các quốc gia thất bại”, trong đó tác giả James A. Robinson nói “thể chế, thể chế và thể chế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, một quốc gia thành công hay không thì khâu đột phá đầu tiên là thể chế, pháp luật. Chúng ta thường hay lo các vấn đề mang tính sự vụ, dự án này, dự án kia mà chưa quan tâm nhiều đến công tác xây dựng thể chế.

Thủ tướng nêu rõ, phải sửa lại thói quen làm việc, phải quan tâm nhiều hơn nữa đến thể chế chính sách. Do đó, việc tổ chức Hội nghị này nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng thể chế, pháp luật trong hệ thống cán bộ, công chức để có hành động mạnh mẽ hơn.

Thủ tướng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Chính phủ coi xây dựng thể chế là nhiệm vụ trung tâm. Trước đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng thì thảo luận kinh tế - xã hội trước, còn lại là thảo luận về thể chế chính sách còn bây giờ, thảo luận về thể chế chính sách là trước.

“Chức năng quan trọng nhất của Quốc hội là lập pháp nhưng 90% các dự án luật là do Chính phủ đề xuất. Trước hết, trách nhiệm của Chính phủ rất lớn”, Thủ tướng bày tỏ và nhấn mạnh nếu có khuyết điểm trong công tác này thì Chính phủ nhận trước tiên.

Đưa đất nước tiến lên bằng thể chế pháp luật

Ghi nhận các ý kiến nêu lên những tồn tại trong công tác này, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung gồm "vòng đời" của một số dự án luật còn ngắn, phải sửa chữa. Công tác tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng xin lùi, xin rút dự án luật, pháp lệnh. Công tác thi hành pháp luật - “đưa pháp luật vào cuộc sống” còn bất cập, chưa có cơ chế đồng bộ để thực hiện hiệu quả; tình trạng “nợ đọng” quy định chi tiết thi hành chưa được khắc phục triệt để.

Nhấn mạnh công việc quan trọng, xuyên suốt là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, xác định rõ trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, chú trọng nâng cao hiệu lực hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật… Thực hiện đúng kỷ cương trong xây dựng pháp luật.

“Muốn một dự án luật hiệu quả, một nghị định phản ánh đúng tinh thần của luật đã được Quốc hội thông qua thì chúng ta phải đảm bảo chất lượng, không được hình thức”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh sự phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan trong việc lấy ý kiến, lắng nghe lẫn nhau để hoàn thiện. Việc tổ chức thực hiện pháp luật “đến nơi đến chốn” rất quan trọng.

Thủ tướng nêu rõ, Bộ Tư pháp, ngành tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ và chính quyền địa phương; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình và hiện đại hóa kỹ thuật xây dựng pháp luật, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm, đặc biệt là sự phối hợp có trách nhiệm và hiệu quả giữa các cơ quan được giao.

Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật về tổ chức thi hành pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc thực hiện các giải pháp có tính đột phá trong việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội.

Các bộ, ngành cần kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng; kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh để sớm đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống.

“Tại phiên họp Chính phủ hàng tháng, tôi yêu cầu Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP phải báo cáo Chính phủ, công khai những bộ, cơ quan có liên quan nợ đọng”, Thủ tướng nói.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật, bố trí nguồn lực thích đáng, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này.

“Phải chống cho được lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Người ta nói chống tham nhũng nói chung là rất quan trọng, cần thiết nhưng mà chống tham nhũng trong làm chính sách pháp luật càng quan trọng”, Thủ tướng lưu ý cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật.

Một lần nữa, Thủ tướng lưu ý phải quan tâm đặc biệt để đưa đất nước tiến lên bằng thể chế pháp luật, đây là một trong ba đột phá Đảng đã xác định.

Bài liên quan
Ngành kiểm sát huỷ hơn 700 quyết định khởi tố, bắt giam trái pháp luật
Trong năm 2020, ngành kiểm sát không phê chuẩn 717 lệnh, quyết định bắt, tạm giam và huỷ 716 quyết định tạm giữ thiếu căn cứ, trái pháp luật

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Phải chống cho được lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật