Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 tại phiên khai mạc kỳ họp 6 Quốc hội khóa 14, diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Thủ tướng: Mục tiêu tăng 6,6-6,8% GDP năm 2019

22/10/2018, 11:42

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 tại phiên khai mạc kỳ họp 6 Quốc hội khóa 14, diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội - Ảnh: VGP

Tính tự chủ của nền kinh tế chưa đạt

Theo báo cáo của Thủ tướng, tình hình đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong 3 năm 2016-2018 phát triển đúng hướng, chuyển biến rõ nét hơn giai đoạn trước; quy mô nền kinh tế gấp 1,3 lần, GDP bình quân đầu người tăng 440 USD so với đầu nhiệm kỳ.

Trên cơ sở đó, ước cả năm 2018 sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt. Dự báo sẽ đạt được các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng 12 và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, trong đó đến nay đã có 11 chỉ tiêu đạt và vượt.

Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Sức ép lạm phát còn lớn do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỷ giá, lãi suất, xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và yêu cầu thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, dịch vụ giáo dục, y tế...

Tính tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế. Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn ở nhiều bộ ngành, địa phương chậm.

Sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn. Sự gắn kết với khu vực FDI và năng lực, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế.

Điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiều tổ chức quốc tế nâng hạng của nước ta trên nhiều lĩnh vực, nhất là môi trường kinh doanh, nhưng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Việt Nam giảm 3 bậc so với năm 2017 (77/140 so với 74/135 quốc gia, vùng lãnh thổ).

Cơ cấu lại ngành, lĩnh vực ở một số nơi còn lúng túng, chưa đồng bộ, chưa gắn với thị trường. Du lịch tuy có bước phát triển nhanh nhưng còn bất cập. Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; tỷ lệ nội địa hóa của nhiều ngành, lĩnh vực còn thấp. Phát triển thương mại trong nước còn những hạn chế.

Công tác lập, quản lý quy hoạch còn bất cập, nhất là trong việc thực hiện các quy hoạch sử dụng đất, xây dựng, đô thị. Buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp.

Vẫn còn trục lợi chính sách

Lĩnh vực văn hóa - xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, khuyết điểm. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bị thiên tai còn cao; nguy cơ tái nghèo lớn. Nguồn lực thực hiện chính sách xã hội còn hạn chế, vẫn còn tình trạng trục lợi chính sách.

Công tác y tế nhiều mặt hạn chế; vẫn còn tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng. An ninh, an toàn bệnh viện một số nơi chưa bảo đảm. Xảy ra nhiều vụ mất an toàn thực phẩm.

Chất lượng giáo dục đại học, nghề nghiệp chưa cao; cơ cấu chưa hợp lý. Cơ sở vật chất giáo dục đào tạo nhiều nơi chưa bảo đảm. Biên chế giáo viên thừa, thiếu cục bộ. Xảy ra sai phạm trong kỳ thi trung học phổ thông ở một số địa phương. Vấn đề sách giáo khoa phổ thông gây bức xúc dư luận.

Còn những biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong xã hội; xảy ra nhiều vụ việc bạo lực gia đình, bạo hành, xâm hại trẻ em…

Cùng với đó, việc quản lý, khai thác và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn lãng phí, xảy ra nhiều vi phạm. Khiếu kiện về đất đai diễn biến phức tạp. Nhiều cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản không bảo đảm an toàn, gây ô nhiễm môi trường.

Vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác đá, cát sỏi, phá rừng trái pháp luật. Thu gom, xử lý rác thải ở nhiều nơi còn bất cập, dẫn đến khiếu kiện đông người. Sạt lở bờ sông, ven biển nghiêm trọng, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long. Tình trạng ngập, úng tại một số thành phố lớn chậm được cải thiện.

Mục tiêu năm 2019

Theo Thủ tướng, những hạn chế, yếu kém này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

“Thực tiễn cho thấy, cấp ủy, chính quyền, cá nhân người đứng đầu ở đâu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, cụ thể, sâu sát thực tiễn, đổi mới sáng tạo, chủ động linh hoạt hơn, thì ở đó đạt được kết quả tốt hơn”, Thủ tướng nói và cho rằng đây cũng là kinh nghiệm rất quan trọng đối với từng cấp, từng ngành trong chỉ đạo điều hành để có những giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tời gian còn lại của năm 2018 không được chủ quan với kết quả đạt được, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; bám sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời...

Năm 2019, mục tiêu đưa GDP tăng 6,6-6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP.

Về xã hội, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60-62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24-24,5%; Số giường bệnh/1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,1%.

Bên cạnh đó, mục tiêu đưa tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 89%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.

Năm 2019 còn nhiều khó khăn, phức tạp

Dự báo tình hình thế giới, khu vực thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Khoa học, công nghệ phát triển nhanh và Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện, vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với nước ta.

Ở trong nước, nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém và những khó khăn, thách thức lớn. Chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, chưa bền vững; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp.

Nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, cả về thuế quan, mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ… mà không còn được hưởng các ưu đãi đặc thù cho giai đoạn chuyển đổi như trước.

Đây là áp lực lớn mà các cấp, các ngành và khu vực kinh tế trong nước cần vượt qua để phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả.

Đặc biệt, về việc thi hành pháp luật, cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí…, Thủ tướng cho rằng thời gian qua nhiều vụ việc lớn đã được xử lý như như vụ AVG, cảng Quy Nhơn, Hãng phim truyện Việt Nam, đất đai tại Đà Nẵng, Thủ Thiêm…

"Các vụ việc được xử lý nghiêm trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch, trong đó có những cán bộ cao cấp. Tập trung điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án phức tạp, nhân dân quan tâm (như vụ đánh bạc trên internet, sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, vụ Vũ nhôm , Út trọc …), được cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Lam Thanh

Bài liên quan
Quốc hội Mỹ thẩm vấn Amazon về thỏa thuận thương mại điện tử với TikTok
Một số người cho rằng sự hợp tác cho phép người dùng mua hàng hóa trên Amazon thông qua ứng dụng video ngắn đình đám này sở hữu khiến việc cấm TikTok ở Mỹ trở nên khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Mục tiêu tăng 6,6-6,8% GDP năm 2019