Chiều ngày 15.2, tại TP.Huế, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tổ chức hội nghị đánh giá một số hoạt động hội đồng vùng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo.

Thủ tướng: Không nên nuông chiều các tỉnh miền Trung

Lê Đình Dũng | 15/02/2019, 21:42

Chiều ngày 15.2, tại TP.Huế, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tổ chức hội nghị đánh giá một số hoạt động hội đồng vùng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo.

Hội nghị giao ban nói trên nằm trong khuôn khổ các hoạt động của hội nghị phát triển du lịch khu vực miền Trung và Tây Nguyên diễn ra ngày 16.2 tại Huế với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Báo cáo của Hội đồng vùng kinh tế trong điểm miền Trung (VKTTĐMT) cho biết biết, từ năm 2015 đến nay, kinh tế - xã hội của địa phương trong vùng đã đạt được những kết quả nhất định, như tăng trưởng kinh tế duy trì ổn dịnh và đạt khá (tốc độ tăng trưởng GRDP toàn vùng năm 2018 theo giá so sánh 2010 khoảng 7,7%, cao hơn mức tăng của cả nước là 7,08%), cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; ngành du lịch tăng trưởng tốt, tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của toàn vùng…

Quang cảnh hội nghị giao ban Vùng với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: BTC

Vùng đã hình thành chuỗi 7 đô thị lớn là Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Vạn Tường, Quảng Ngãi và Quy Nhơn và các trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại. Có 4 khu kinh tế (KKT) đang phát triển trải dài trên 609 km bờ biển là KKT Chân Mây - Lăng Cô, KKT mở Chu Lai, KKT Dung Quất và KKT Nhơn Hội cùng với hệ thống chuỗi khu công nghiệp, khu chế xuất, khai thác lợi thế gần cảng; hệ thống kho bãi quốc gia và quốc tế gắn với hệ thống cảng tổng hợp quốc tế và các đầu mối giao thông liên vùng, xuyên quốc gia... Nhiều dự án đầu tư, doanh nghiệp lớn được cấp phép và đi vào hoạt động, đóng góp tích cực cho ngân sách và giải quyết việc làm…

Đáng chú ý, nhiều đại biểu vùng đề nghị Chính phủ đặt mục tiêu và yêu cầu phát triển vùng duyên hải miền Trung là địa bàn trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam, từ đó ưu tiên đầu tư cho hạ tầng kinh tế biển trong việc phân bố vốn đầu tư trung hạn của Chính phủ; xây dựng trục kinh tế biển thống nhất với 10 tỉnh, thành phố là vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia.

Đường cao tốc La Sơn – Túy Loan, một trong những huyết mạch của Vùng KTTĐMT đã và đang được hoàn thiện - Ảnh: Nhật Lam

Trên cơ sở đó, mở rộng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; nghiên cứu mô hình quản lý các khu kinh tế, mở rộng phân cấp, phân quyền và ủy quyền cho các Ban quản lý khu kinh tế; giao Bộ GTVT chủ trì cùng với Ban Điều phối vùng phối hợp cùng các địa phương, các bộ ngành khác rà soát quy hoạch chiến lược hệ thống hạ tầng của vùng; làm rõ theo chức năng, không chồng chéo, không xung đột lợi ích, nhất là không dàn trải đầu tư kém hiệu quả, phân tán nguồn lực về cảng biển, giao thông đường bộ, đường hàng không của vùng.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên xây dựng tuyến đường ven biển xuyên suốt toàn vùng; giao cho Bộ VH-TT-DL phối hợp với Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung xây dựng và triển khai thực hiện “Chương trình phát triển Du lịch miền Trung trở thành ngành mũi nhọn”; ưu tiên xây dựng trung tâm Logistic - Hậu cần biển cho vùng duyên hải miền Trung.

Hội đồng vùngđã phối hợp với Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung xây dựng hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trung ương xem xét phê duyệt hai đề án gồm: Cơ chế liên kết vùng KTTĐMT và Phát triển nguồn nhân lực vùng KTTĐMT.

Du khách tham quan Hải Vân quan – di tích quốc gia nằm giữa Huế - Đà Nẵng - Ảnh: Lê Đình Dũng

Hội đồngcũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, sớm phê duyệt “quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và các văn bản liên quan khác nhằm hỗ trợ các địa phương trong vùng phát triển du lịch nói riêng, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng nói chung.

Để việc liên kết phát triển du lịch tạo bước đột phá trong thời gian tới, hội đồng vùng đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành trung ương một số nội dung tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng du lịch, trong đó tập trung các dự án mang tính kết nối như: Nâng cấp, hoàn thiện tuyến đường sắt Bắc-Nam; xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao qua vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; hoàn thiện dự án đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, mở rộng hầm đường bộ Hải Vân; sớm khởi công dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, tuyến đường cao tốc Gia Lai - Đà Nẵng...

Về phát triển sản phẩm du lịch cho phép vùng áp dụng cơ chế ưu đãi nhất theo quy định hiện hành để thu hút đầu tư đảm bảo đến năm 2025 sẽ hoàn chỉnh ít nhất 2 khu du lịch biển, đảo có sức cạnh tranh quốc tế: tại Chân Mây - Lăng Cô, Cù Lào Chàm; xây dựng 1 tổ hợp mua sắm – vui chơi giải trí dành cho khách du lịch tại Đà Nẵng.

Cửa biển Tư Hiền (Huế), hội đồng hùng kiến nghị Chính phủ đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển xuyên suốt toàn vùng dài hơn 600km - Ảnh: Nhật Lam

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở lãnh đạo các tỉnh trong VKTTĐMT “phải đổi mới tư duy cách làm ăn”, có tư duy tự lực, tự cường, từng địa phương phải dùngchính thực lực, năng lực của mình để phát triển chứ không lệ thuộc vào trung ương mãi được.

“Càng quen càng rèn cho đau. Không nên nuông chiều các anh miền Trung đâu. Các anh miền Trung phải tự phấn đấu vươn lên trên đôi bàn chân của mình để phát triển giàu và mạnh với thế và lực mới với tiềm năng to lớn của vùng như con người, hệ thống di sản, bờ biển đẹp, hệ thống cơ sở vật chất to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã đầu tư… Một dân tộc, đất nước, một địa phương không tự lực tự cường sẽ không vươn lên được”, Thủ tướng nói.

Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT), theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ số 1018/1997/QĐ-TTg ngày 29.11.1997, gồm 4 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; tại Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13.8.2004 của Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung thêm tỉnh Bình Định vào vùng KTTĐMT.

Toàn vùng có diện tích tự nhiên là27.881,7 km2, được xác định là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế, đồng thời là điểm trung chuyển hàng hóa với các tỉnh Tây Nguyên, và là cửa ngõ ra biển thuận tiện nhất đối với các địa phương thuộc vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Đông Bắc Campuchia thông qua hành lang kinh tế Đông - Tây.

Hội đồng vùng cũng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ mở rộng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thêm 5 tỉnh: Quảng Trị, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận để thống nhất liên kết vùng 10 tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung.

Nhật Lam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Không nên nuông chiều các tỉnh miền Trung