Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, một dân tộc, một địa phương phải có tinh thần tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo vươn lên thoát nghèo giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giảm nghèo bền vững sáng 15.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nước ta trước đây là một nước đói nghèo và những năm 1945 có nhiều người chết vì đói, cho nên vấn đề xóa đói giảm nghèo được đặt ra từ những ngày đó và đến nay đã có nhiều thành tựu.
Cụ thể, 5 năm qua, tỉ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015 (theo chuẩn nghèo 2011-2015, còn theo chuẩn nghèo đa chiều là 9,92%). Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011. Đây là một thành công lớn, về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ.
“Nhiều huyện mà tôi biết đã làm đơn tự nguyện xin ra khỏi Chương trình 30a. Nhiều hộ nghèo không nhận kinh phí từ quỹ người nghèo, tự lo sản xuất kinh doanh”, Thủ tướng nói về đề cao tinh thần tự cường, vươn lên thoát nghèo của người dân cũng như sự giúp đỡ có hiệu quả của các cấp chính quyền và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, Thủ tướng cũng nêu rõ, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỉ lệ tái nghèo còn cao. Cả nước có đến 41 huyện có tỉ lệ nghèo trên 50%. Thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Nhiều chủ trương, chính sách về giảm nghèo ở một số nơi chưa được triển khai tốt, chưa sáng tạo, chưa vận dụng một cách phù hợp.
Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, tình trạng biến đổi khí hậu đến quá nhanh, sự cố môi trường biển ở miền Trung khiến làm cho công tác xóa đói giảm nghèo, khiến cho các địa phương tái nghèo trở lại.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho biết việc xác nhận hộ nghèo còn chưa chính xác, còn tình trạng xác nhận nghèo luân phiên ở một số địa phương. Cũng có nơi ‘kê khai nhầm chỗ’, cán bộ có thu nhập mà lại kê khai là nghèo. Còn có tình trạng thu quá mức đối với người nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
“Tôi mong các địa phương nhận thức rõ hơn vấn đề này, khuyến khích họ, tôn vinh họ là rất quan trọng, chứ không phải cho mãi”, Thủ tướng lưu ý và nhấn mạnh tinh thần “cho cần câu chứ không cho con cá” để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Không ai bị bỏ lại phía sau
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức phát động phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020 với chủ đề “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thủ tướng cho rằng đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy Đảng, chính quyền, vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Để thực hiện tốt điều này, Thủ tướng cho rằng gốc của vấn đề là nâng cao dân trí, năng lực cho người dân để thoát nghèo bền vững, chứ không chỉ lo cái ăn, cái mặc trước mắt. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đôn đốc các ban ngành chung tay thực hiện.
Thủ tướng cho rằng cần phải huy động mọi nguồn lực xã hội cho chương trình như từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm, vốn ODA, vận động quần chúng, tổ chức, đoàn thể.
“Hôm nay chúng ta nhắn tin ủng hộ ở đây mà nếu các tỉnh tiếp tục phát động được khoảng 1/3 số dân ở Việt Nam tham gia chương trình nhắn tin này thì số tiền sẽ là bao nhiêu? Đông tay vỗ nên kêu, vì người nghèo vừa là lương tâm vừa là trách nhiệm”, Thủ tướng nói và cùng các đại biểu tham dự hội nghị gửi tin nhắn ủng hộ hoạt động vì người nghèo.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh là không để xảy ra thảm họa môi trường như thời gian vừa qua tại bốn tỉnh miền Trung,gây ảnh hưởng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo, môi trường sống của người dân thì dẫn đến tái nghèo trở lại. Chính vì vậy, cấp ủy chính quyền các cấp cần giám sát tốt hơn chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo mạnh mẽ hơn thông qua các cơ quan dân sự.
Thủ tướng nhấn mạnh, một trong những điều quan trọng nhất để thực hiện mục tiêu giảm nghèo là phải cùng nhau chung sức đồng lòng, thực hiện chương trình mục tiêu tốt nhất, tập trung cao hơn các vùng lõi nghèo là đồng bào dân tộc, vùng cao, vùng xa, vùng bãi ngang để nỗ lực giảm nghèo đạt được hiệu quả cao.
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, bà Louise Chamberlain cũng cho biết, UNDP cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên con đường thực hiện các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Bà Louise Chamberlain cho rằng một Chính phủ ‘liêm chính, kiến tạo và phục vụ người dân’ sẽ giúp Việt Nam chứng minh với thế giới rằng sự thịnh vượng cho tất cả - và tương lai bền vững cho mọi người và cả hành tinh của chúng ta - không chỉ là khẩu hiệu, mà là một thực tế.
Trí Lâm