Thủ tướng dẫn lại nội dung câu nói: Một quốc gia thịnh vượng hay không thì vấn đề đầu tiên chính là thể chế và khuyên “Đừng sợ dân giàu, các đồng chí ạ!"

Thủ tướng: 'Đừng sợ dân giàu, các đồng chí ạ'

VNN | 11/11/2019, 21:24

Thủ tướng dẫn lại nội dung câu nói: Một quốc gia thịnh vượng hay không thì vấn đề đầu tiên chính là thể chế và khuyên “Đừng sợ dân giàu, các đồng chí ạ!"

          

Tại phiên thảo luận tổ về dự luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP sáng nay, phát biểu ở đoàn Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến nay Đảng, QH và Chính phủ đều nhận thức cần thiết phải xã hội hóa.

Nếu cứ giữ tư duy lạc hậu thì không thể phát triển

Thủ tướng nhắc lại điều mà nhiều nhà đầu tư đều hỏi “ông muốn chúng tôi làm, vậy có luật pháp gì không?” và cho biết lâu nay việc hợp tác công tư chỉ mới quy định ở tầm nghị định. Tuy nhiên, nhà đầu tư không tin nghị định mà chỉ tin vào luật.

“Phải có luật thì họ mới làm vì luật mới bảo vệ cho nhà đầu tư, để xã hội hóa, kêu gọi tư nhân đầu tư. Vai trò của Nhà nước trong một số lĩnh vực cần phải thấp xuống, còn vai trò của tư nhân phải cao hơn trong một số lĩnh vực mà chúng ta không cần thiết đầu tư công”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, PPP để đất nước kêu gọi nhiều nguồn lực phát triển. Đây là hướng đi hết sức cần thiết và là quá trình tư duy của Đảng và nhà nước ta, để có nhiều nguồn lực phát triển đất nước.

“Tôi đi các địa phương, bức xúc của người dân về đầu tư, công trình, dự án từ to đến nhỏ rất bức xúc, rất thiếu thốn. Các nước phát triển người ta đầu tư xong rồi, chỉ còn hưởng lợi thôi. Mình bây giờ vừa sản xuất kinh doanh, vừa đầu tư hạ tầng, hàng loạt vấn đề đặt ra”, Thủ tướng so sánh.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, trong dân nguồn lực còn rất lớn, nhưng chưa có luật pháp bảo vệ thì họ không bỏ ra để đầu tư.

“Chúng ta vẫn nói Hiến pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền công dân rất lớn. Nhưng phải có luật pháp cụ thể, không có luật pháp thì làm sao người ta bỏ ra được. Cấp bách lần này nó lớn như vậy nên Đảng, Chính phủ, QH đều thúc đẩy luật PPP ra đời”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng lưu ý, về kinh tế khi hợp tác công tư thì hai bên đều phải có lợi, hướng như vậy mới có thể kêu gọi người dân, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư. Đồng thời, thủ tục đầu tư phải nhanh, thuận lợi; trong quản lý, minh bạch, khách quan. Hướng như vậy thì mới giải quyết được.

Thủ tướng cũng chỉ đạo, hiện nay, do chồng chéo, vướng mắc của luật pháp nên “người ta chưa nhiệt huyết khi đầu tư vào Việt Nam”.

“Tôi nói nhiều lần, thể chế bây giờ rất quan trọng. Nếu gỡ được thể chế thì không khí đầu tư rất tốt. Nếu cứ giữ tư duy lạc hậu thì không thể phát triển đất nước được. Thể chế, thể chế và thể chế”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng dẫn lại nội dung câu nói của James A.Robinson rằng: Một quốc gia thịnh vượng hay không thì vấn đề đầu tiên chính là thể chế.

“Đừng sợ dân giàu, các đồng chí ạ! Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư tư nhân để họ yên lòng là rất quan trọng”, Thủ tướng khuyên.

Nếu ôm hết từ A-Z thì làm sao được

Theo Thủ tướng, khi quyết định danh mục đầu tư thì quyền lợi nhà nước và tư nhân đều được bảo đảm.

“Nên thủ tục thuận lợi, mang tính thị trường, “thuyền lên nước lên”. Quan điểm thị trường này phải rất rõ trong luật mới được”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, tất cả các lĩnh vực quan trọng đều phải mở ra để thu hút DN, trừ những việc nhà nước phải nắm yết hầu của nền kinh tế như tiền tệ, quốc phòng, an ninh,… còn nói chung là nên huy động vốn tư nhân.

Dẫn chứng lĩnh vực điện lực, Thủ tướng lưu ý chỉ nên độc quyền về quản lý thôi, chứ độc quyền cả đầu tư thì làm sao được. Vì EVN không có tiền, vay quá hạn mức rồi.

Theo Thủ tướng, nếu không hiểu hết tính đa dạng của thực tiễn thì sau này cụ thể hóa ra, vướng mắc rất khó khăn.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý việc hợp tác công tác với loại hình đa dạng phong phú, đi liền với phân cấp, giao quyền. Quy hoạch, kế hoạch nhà nước nắm, thì phân cấp giao cho UBND, HĐND làm.

“Chính phủ không nên ôm dự án, công trình, nhà nước chỉ khuyến cáo những việc thật nguyên tắc. Nếu ôm hết từ A-Z thì làm sao được. Tính thị trường là không để nhà nước bảo lãnh hết, nếu bảo lãnh hết thì nợ công, nợ Chính phủ đội lên, hướng đi là như vậy”, Thủ tướng phân tích.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, làm sao để nhà đầu tư thấy thị trường tốt nhà nước không cần bảo lãnh, đồng thời phân cấp, giao quyền mạnh hơn

“Luật này nên quy định những nguyên tắc quan trọng để nhà đầu tư yên tâm, còn lại giao cho Chính phủ quy định những việc khác cho thông thoáng”, Thủ tướng đề nghị QH ưu tiên cho những vùng xa xôi, khó khăn để thu hút PPP. 

Theo Thu Hằng - Trần Thường (VNN)

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: 'Đừng sợ dân giàu, các đồng chí ạ'