Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP.HCM phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc lập và trình phê duyệt Nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP.HCM; tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện việc rà soát, đánh giá và lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố theo quy định pháp luật về đấu thầu.

Thủ tướng đồng ý điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM

11/02/2019, 18:26

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP.HCM phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc lập và trình phê duyệt Nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP.HCM; tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện việc rà soát, đánh giá và lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố theo quy định pháp luật về đấu thầu.

Ảnh minh họa từ Internet

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định Nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị.

UBND TP.HCM cho biết, với vai trò đầu tàu kinh tế, thành phố sẽ phải phát triển liên tục, không ngừng. Vì thế quy hoạch bổ sung sắp tới sẽ phải đáp ứng được 2 tiêu chí là hấp dẫn đối với doanh nghiệp và tạo đồng thuận của xã hội. Thành phố sẽ bổ sung quy hoạch theo hướng mở, đồng thời ban hành quy chế quản lý quy hoạch, gắn quy hoạch với trách nhiệm người đứng đầu.

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, điểm nhấn trong bổ sung quy hoạch sắp tới là quy hoạch gắn với phát triển nguồn lực của Thành phố, có cấu trúc đô thị phù hợp để giải quyết vấn đề về phát triển hạ tầng kỹ thuật, thích ứng biến đổi khí hậu và chống ngập.

Mục tiêu đến năm 2045 của Thành phố là xây dựng môi trường cạnh tranh cao, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, phát triển không gian đô thị giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải tạo và phát triển đô thị hiện hữu, xây dựng cấu trúc đô thị phù hợp để giảm thiểu áp lực dân số vào khu vực trung tâm thông qua mô hình thành phố vệ tinh…

Theo thống kê mới nhất từ UBND TP.HCM về “Tổng kết tình hình kinh tế xã hội năm 2018”, cứ mỗi 5 năm, TP.HCM có thêm 1 triệu dân, tức còn lớn hơn dân số của nhiều tỉnh thành. Diện tích thì chỉ mới chiếm 0,6% cả nước nên áp lực về nhà ở, đất đai, vốn đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cũng lớn hơn rất nhiều các địa phương khác.

Một bài viết trên LĐO cũng từng dẫn lời Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói với tốc độ 5 năm TP.HCM tăng 1 triệu dân như vậy thì đường đi, nhà ở và hạ tầng không thể đáp ứng kịp. Đây là một bài toán khó cho Thành phố.

Thành phố có 5 quận diện tích rất nhỏ. Quận nhỏ nhất khoảng 5 km2, trong khi huyện Cần Giờ rộng đến 704 km2 - chênh nhau hơn 140 lần. Nhưng Cần Giờ chỉ có 70.000 dân, còn các quận nội thành lên đến 600.000 dân - chênh nhau đến 8,7 lần. Chỉ tính riêng hai huyện Cần Giờ, Củ Chi đã có diện tích 1.139 km2, dân số 900.000 người. Như vậy, dân số 2 huyện này chiếm 10% nhưng diện tích chiếm 54%.

“Mô hình hành chính của thành phố đang cực kỳ phân hóa. Thành phố sẽ không kiến nghị xin thêm đất mà phải tính cách sử dụng cho tốt đất ở 2 vùng này (Cần Giờ và Củ Chi)”, ông Nhân nói.

Bên cạnh đó, ông khẳng định: “TP.HCM đang có thu nhập bình quân đầu người gấp hơn 2 lần cả nước, là nơi có thể tập trung tài nguyên, mật độ, nguồn lực và cường độ lao động cao. Vì vậy không cần đợi tới khi thật giàu vẫn có thể chọn cách phát triển thông minh ngay”.

TP.HCM không nhất thiết phải thành siêu đô thị

GS-TS Nguyễn Trọng Hòa - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM từng nhận định (trên LĐO) rằng, quy hoạch phát triển TP.HCM hiện nay tương đối bất hợp lý và ngược với những nghiên cứu tối ưu trước đây. Dẫn chứng là trước năm 1975, quy hoạch vùng Sài Gòn không phát triển về vùng đất yếu phía Nam (quận 7, Nhà Bè và Cần Giờ) như bây giờ mà phát triển lên hướng tây bắc (Củ Chi, Hóc Môn).

Ông Hòa còn cho biết, lâu nay đã có rất nhiều chương trình quy hoạch để cải thiện đô thị nhưng vẫn chưa có mô hình nào tối ưu. Theo ông, vấn đề của TP.HCM hiện nay là ôm đồm quá nhiều chức năng trong khi nguồn lực có hạn khiến cho Thành phố trở nên quá tải và rất khó cải thiện. Vì vậy, Thành phố phải liên kết tốt với các địa phương trong vùng để giải tỏa các điểm nghẽn về áp lực dân cư, nhà ở, giao thông...

“Tôi cho rằng TP.HCM không nhất thiết phải trở thành siêu đô thị 15-20 triệu dân trong những năm tới, mà nên liên kết vùng, phát triển các đô thị xung quanh. Nếu chúng ta liên kết vùng tốt thì Bình Dương, Đồng Nai đang hỗ trợ rất tốt, bởi nhà ở xã hội ở các nơi này rất nhiều mà không bán được. Không nên ôm quá nhiều việc làm tại TPHCM, để dồn toàn bộ lao động nhập cư vào, gây nên áp lực lớn”, ông Hòa nói.

A.Thư tổng hợp

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng đồng ý điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM