Theo Thủ tướng, chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài khi tnh hình kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, sức ép lạm phát tăng...

Thủ tướng: Còn rất nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài

Lam Thanh | 12/11/2021, 11:09

Theo Thủ tướng, chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài khi tnh hình kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, sức ép lạm phát tăng...

Sáng 12.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm và trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội.

5 nhóm giải pháp trọng tâm

Thủ tướng cho biết trong tháng 10 và những ngày đầu tháng 11, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác phòng chống dịch bệnh; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện lộ trình từng bước mở cửa nền kinh tế.

Theo đó, tình hình kinh tế xã hội tháng 10 chuyển biến tích cực và có nhiều điểm khởi sắc hơn so với tháng trước. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Dư nợ tín dụng 10 tháng tăng trên 8,7%; tỷ giá, lãi suất ổn định, dự trữ ngoại hối được củng cố…

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài. Tình hình kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng. Sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực còn rất khó khăn, nhất là du lịch, lưu trú, vận tải...; số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn lớn. Tình trạng thiếu lao động cục bộ và đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng cần sự nỗ lực rất lớn để khắc phục. Lao động, việc làm, đời sống tinh thần, vật chất của một bộ phận người dân tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề...

Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không COVID-19 (Zero COVID) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong; thực hiện tốt Nghị quyết số 128 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19"; kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp; bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

Song song với đó, tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch được đúc rút trong thời gian vừa qua; tập trung bố trí nguồn lực và có kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở từ nay đến hết năm 2022; tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược vắc xin đầy đủ; phấn đấu đến hết năm 2021 tiêm 2 mũi đạt tỷ lệ bao phủ 100% cho các đối tượng cần thiết theo quy định.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch; có chính sách đặc thù phù hợp cho cán bộ, nhân viên y tế và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.

Một giải pháp nữa là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần tạo đồng thuận, củng cố niềm tin cho nhân dân trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.

Triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn

Về bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Thủ tướng nêu rõ, các cơ chế, chính sách này và sự chia sẻ của toàn xã hội đã góp phần hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, người lao động vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, việc triển khai nhiệm vụ này vẫn còn những hạn chế, bất cập, như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu.

Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập; tiếp tục rà soát, thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, thiết thực cho người dân gặp khó khăn, đặc biệt là các cháu bị mồ côi do dịch COVID-19; củng cố hệ thống an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro.

tt-2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hiện hành; đồng thời rà soát, hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cho những nhóm đối tượng khó khăn nhất; chú trọng thực hiện các chính sách người có công, trợ giúp xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và các chương trình mục tiêu quốc gia, giải quyết kịp thời các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động…

Huy động mọi nguồn lực phục hồi, phát triển KTXH

Về các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng cho biết hiện nay, nhiều quốc gia, đối tác lớn về thương mại, đầu tư của ta đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Đây vừa là cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và phát triển, nhưng cũng vừa là thách thức lớn về nguy cơ tụt hậu, lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới nếu chúng ta không có những quyết sách, giải pháp linh hoạt, phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Theo đó, Chính phủ đang nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh phù hợp, linh hoạt các chính sách tiền tệ, tài khóa; chỉ đạo hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền dự thảo chương trình phục hồi và phát triển KTXH…

“Phương châm đặt ra là hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, hiệu quả; gắn kết hài hòa giữa cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hỗ trợ về nguồn lực tài chính; bảo đảm nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn”, Thủ tướng nêu và cho biết yêu cầu đặt ra là phải có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp và các cơ chế, chính sách hỗ trợ, kích thích với quy mô đủ lớn, phạm vi và thời gian phù hợp.

Bảo đảm thu hút đủ nguồn cung lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất

Về các giải pháp phục hồi thị trường lao động, Thủ tướng cho biết đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình lao động, việc làm trong nhiều ngành, lĩnh vực. Tỷ lệ lao động thiếu việc, thất nghiệp tăng cao. Một lượng lớn người dân, người lao động trở về quê dẫn đến những vấn đề xã hội và tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, nhất là tại các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía nam sau khi nới lỏng giãn cách xã hội và từng bước mở cửa nền kinh tế.

Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, người lao động thực hiện mọi biện pháp cần thiết để trước mắt, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, bảo đảm thu hút đủ nguồn cung lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trong thời gian sớm nhất gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Chủ động ưu tiên tiêm vắc xin, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại chỗ; có giải pháp hỗ trợ phù hợp người lao động đối với các khoản chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt trong thời gian đầu.

Về lâu dài, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động. Đẩy mạnh, xây dựng, phát triển nhà ở cho người lao động, công nhân, nhất là tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại lao động.

Về vấn đề nhiều người người lao động về quê trong thời điểm dịch bệnh, Chính phủ chỉ đạo phân tích, đánh giá kỹ để tìm hiểu nguyên nhân, có giải pháp cụ thể, trước mắt và căn cơ, lâu dài, bảo đảm các điều kiện cần thiết để ổn định đời sống, việc làm cho người lao động; nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch chuyển lao động.

Chậm tiến độ dự án sân bay Long Thành

Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đến hết tháng 9.2021, bình quân giải ngân vốn đầu tư cả nước là 47.8% nhưng ngành GTVT đã giải ngân 61,2%. Tuy nhiên trong đó còn có 2 dự án trọng điểm còn triển khai chậm là dự án sân bay Long Thanh và cao tốc Bắc - Nam phía đông với nhiều nguyên nhân.

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng GTVT cho biết tại Nghị quyết 52 có quyết định 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đối tác công - tư. Với 3 dự án đầu tư công, đến thời điểm này đã bám sát theo Nghị quyết của Quốc hội và dự kiến hoàn thành đúng tiến độ. Đến cuối năm nay sẽ hoàn thành 2 dự án là Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn. Riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 là dự án cầu dây văng lớn, Quốc hội đã cho phép hoàn thành cuối năm 2023. Dự án này đến nay đã đạt tiến độ khoảng 70%.

Đối với các dự án đối tác công tư, ông Thể cho biết việc đấu thầu gặp nhiều khó khăn do các nhà đầu tư lớn về tài chính ít tham gia, trong khi đó lại có nhiều nhà đầu tư tham gia là các nhà thầu, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Quốc hội đã chuyển 3 dự án sang đầu tư công để kích cầu. 3 dự án này đã đạt được 20-35% tiến độ. Khó khăn lớn nhất là vấn đề đất, nhưng hiện thủ tục mở các mỏ đất đã đáp ứng được yêu cầu.

“Tháng 2.2021, Quốc hội ban hành nghị quyết chuyển thêm 2 dự án sang đầu tư công và tiến độ đạt 2-5%. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành cuối năm 2023, theo đúng tiến độ”, ông Thể nói.

Cũng theo ông Thể, hiện còn 3 dự án đối tác công tư đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định, chúng ta cho các nhà đầu tư thu xếp vốn trong vòng 6 tháng nhưng sắp hết thời hạn nhưng việc thu xếp vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Các ngân hàng chỉ cho vay khoảng 6 nghìn tỉ trong số 9 nghìn tỉ cần huy động. “Hiện chúng tôi đang tích cực làm việc với nhà đầu tư cũng như ngân hàng để ký hợp đồng tín dụng”.

Về dự án sân bay Long Thành, tháng 7.2019, Bộ đã trình dự án qua Chính phủ, Bộ KH-ĐT thẩm định, thuê tư vấn nước ngoài thẩm định lại toàn bộ dự án nên dự án này kéo dài.

Về tiến độ, việc xây dựng hàng rào hoàn thành 75%, khoảng 9km; thuê rà phá bom mìn đạt 75%; tập trung làm hồ sư thiết kế kĩ thuật. Riêng giải phóng mặt bằng giao cho tỉnh Đồng Nai triển khai, nhưng giải ngân còn chậm, mới chỉ đại 47% trong số 22 nghìn tỉ. Việc này có liên quan đến công tác tái định cư, COVID19…

“Chúng tôi cam kết với tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ. Phấn đầu cuối 2025 hoàn thành giai đoạn 1, đưa sân bay vào vận hành”, ông Thể nói.

2 tỉ đô cho ĐBSCL bao giờ giải ngân?

Dẫn quy định tại Chỉ thị 23 của Thủ tướng về việc yêu cầu phê duyệt quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho biết đến nay đã một năm trôi qua mà quy hoạch này vẫn chưa được phê duyệt, vậy nguyên nhân của sự chậm trễ này và thời gian phê duyệt quy hoạch này? Theo báo cáo 243 của Chính phủ về đầu tư công, Chính phủ dự kiến bổ sung 2 tỉ USD cho các tỉnh ĐBSCL để thực hiện chương trình mục tiêu chống biến đổi khí hậu...?

ncd-3.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết quy hoạch ĐBSCL là một trong những nội dung quan trọng nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu cùng với việc huy động nguồn lực và cơ chế điều phối liên vùng. Đây là những nội dung được đưa vào Nghị quyết 120. Bộ KH-ĐT đã chủ trì, phối hợp cùng các tư vấn làm bài bản và đã làm xong từ cuối năm 2020. Hiện đang trình Chính phủ và sẽ tổ chức thẩm định, xem xét trong thời gian tới.

Về nội dung bổ sung thêm bổ sung 2 tỉ USD, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ khóa trước đã cam kết ủng hộ cho vùng một khoảng tăng thêm để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thích ứng biến đổi khí hậu.

“Việc này liên quan đến rất nhiều vấn đề như các nhà tài trợ, các bộ ngành. Hiện đã thống nhất với các nhà tài trợ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần xem xét thể chế tiếp cận nguồn vốn theo dự án hay theo chương trình mục tiêu đồng thời cần xem xét quy trình thủ tục thực hiện theo quy định trong nước hay ODA. Bộ KH-ĐT đã thống nhất với Bộ Tài chính về sửa đổi Nghị định 56, từ đó báo cáo Chính phủ để phê duyệt để có cơ sở thực hiện các dự án”, ông Dũng nêu.

Tranh luận, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhắc lại câu chuyện Chính phủ cam kết đầu tư cho ĐBSCL 2 tỉ USD nhưng quy hoạch vùng ĐBSCL chưa hoàn thành. Chưa phê duyệt thì làm sao giải ngân? Nếu không phê duyệt thì trong cả giai đoạn 2021-2025, số tiền 2 tỉ USD đầu tư cho ĐBSCL cũng chưa có, đề nghị các bộ ngành sớm hoàn thành quy hoạch.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng trả lời khoảng thời gian nào có thể phê duyệt?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết những gì thuộc về thẩm quyền thì Bộ sẽ cố gắng làm nhanh nhất. "Cố gắng trong tháng 12 tới, Thủ tướng có thể phê duyệt quy hoạch", người đứng đầu Bộ KH-ĐT nói.

Về việc đầu tư 2 tỉ USD cho ĐBSCL, trong đó có làm đường ven biển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ đây là dự án ODA nên chúng ta không chỉ thực hiện một quy trình, thủ tục theo quy định của luật trong nước mà còn phụ thuộc quy trình nước ngoài, nên mất thời gian hơn. Song theo ông Dũng, nếu không làm nhanh theo thủ tục rút gọn hay quy trình đặc biệt thì khó triển khai trong giai đoạn 2021-2025.

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu để hài hòa hóa các thủ tục trong nước nước và nước ngoài để làm sao đảm bảo quy định nhưng rút ngắn thời gian, mục tiêu là triển khai ngay trong 2021-2025 để giúp Đồng bằng ứng phó với biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng KHĐT cam kết.

Bài liên quan
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Còn rất nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài