Bà Theresa May thông báo sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ, đồng nghĩa với việc rời bỏ vị trí Thủ tướng Anh, vào ngày 7.6 tới.
Phát biểu trước Văn phòng Thủ tướng ở phố Downing hôm 24.5, nữ Thủ tướng May tuyên bố bản thân sẽ luôn hối tiếc vì không thể thực hiện được chuyện đưa Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit). Bà hy vọng người kế nhiệm có thể khiến giới chính trị nước này đạt đồng thuận để biến Brexit thành hiện thực.
Lên thay ông David Cameron ra đi sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm 2015, Thủ tướng May nhận nhiệm vụ thực hiện tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Bà phải chịu áp lực từ cả trong lẫn ngoài nước. Các kế hoạch trình lên Quốc hội Anh 3 lần bị bác bỏ trong năm nay, bản kế hoạch 10 điểm mới nhất (chuẩn bị trình vào ngày 3.6) gặp phải sự phản đối từ nhiều nghị sĩ trong đảng Bảo thủ.
Dù 2 lần chấp nhận hoãn Brexit (thời hạn mới nhất là ngày 31.10) nhưng giới chức EU khẳng định không đàm phán lại thỏa thuận “ly hôn” đã đạt trước đó.
Cuộc đua cho chiếc ghế Thủ tướng Anh đã bắt đầu. Ứng viên hàng đầu lúc này là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson – người ủng hộ mạnh mẽ Brexit. Ông Johnson mới đây tuyên bố Anh nên ra đi không thỏa thuận nhằm buộc EU đưa ra “thỏa thuận tốt”.
Một nhân vật đáng chú ý nữa là Ngoại trưởng Anh đương nhiệm Jeremy Hunt. Ông bỏ phiếu chọn ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2015, và ủng hộ Brexit có thỏa thuận nhằm tránh tạo ra hỗn loạn.
Các ứng viên khác như cựu Ngoại trưởng Dominic Raab, Bộ trưởng Môi trường Michael Gove, cựu Chủ tịch Hạ viện Andrea Leadsom đều muốn thỏa thuận Brexit cứng rắn hơn.
Trước quyết định ra đi của bà May, Tây Ban Nha đánh giá nguy cơ Brexit “cứng” (không thỏa thuận) đang tăng cao. Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đều nhấn mạnh EU giữ nguyên lập trường không đàm phán lại dù tân Thủ tướng Anh là ai. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron yêu cầu phía chính quyền London làm rõ tình hình.
Cẩm Bình (theo Reuters, The Guardian)