Thủ tướng nhấn mạnh, biến đổi khí hậu và tình hình thiên tai đang diễn ra phức tạp, khốc liệt, khó kiểm soát, khó dự báo. 19 người chết do mưa lũ là điều rất xót xa.

Thủ tướng: 19 người chết do mưa lũ vừa qua là điều rất xót xa

Lam Thanh | 06/12/2021, 10:20

Thủ tướng nhấn mạnh, biến đổi khí hậu và tình hình thiên tai đang diễn ra phức tạp, khốc liệt, khó kiểm soát, khó dự báo. 19 người chết do mưa lũ là điều rất xót xa.

Chiều 5.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với 8 địa phương vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về tình hình và công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, chăm lo đời sống cho nhân dân.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, về tình hình thiên tai, cho đến thời điểm này bão lũ năm nay tuy không khốc liệt như năm 2020 nhưng có nhiều yếu tố bất thường.

Từ đầu năm đến đến nay, cả nước có 107 người chết, mất tích, 95 người bị thương do thiên tai; có 302 nhà sập đổ hoàn toàn, 8.925 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 194.528 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 137.852ha lúa, rau màu và 13.789ha cây trồng bị thiệt hại; 193,6km đê, kè, kênh mương hư hỏng, sạt lở; 410km đường giao thông sạt lở và trên 1,5 triệu mét khối đất đá, bê tông bị cuốn trôi; ước tính tổng giá trị thiệt hại bước đầu hơn 4.800 tỉ đồng.

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cho biết đã quyết liệt triển khai các giải pháp với mục đích lớn nhất là bảo đảm an toàn, tính mạng của người dân, cùng với đó là bảo vệ tài sản của người dân và nhà nước.

mua-lu.jpg
Thủ tướng làm việc trực tuyến với 8 địa phương vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Đến nay, tình hình mưa lũ đã giảm; cơ bản các tuyến đường đã thông xe; mực nước các sông đã xuống dưới báo động 1; người dân, chính quyền các địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, sản xuất. Tuy nhiên việc khắc phục hậu quả còn nhiều khó khăn, do điều kiện địa phương hạn chế, trong khi thiệt hại lớn.

Đặc biệt, qua đợt mưa lũ đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế như các hồ có dung tích cắt lũ nhỏ; công tác phối hợp vận hành điều tiết lũ trên lưu vực sông Ba giữa các tỉnh còn một số bất cập về quy trình, các điều kiện bảo đảm vận hành, thông tin và bảo đảm an toàn hạ du... khiến công tác phòng chống lũ lụt hiệu quả chưa cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh biến đổi khí hậu và tình hình thiên tai đang diễn ra phức tạp, khốc liệt, khó kiểm soát, khó dự báo, không theo quy luật, xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào. Thời gian qua, mưa lũ đã xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, mưa lớn gây mức lũ gần mức lịch sử tại nhiều địa phương.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến các gia đình có người bị nạn do thiên tai, chia sẻ với những khó khăn, mất mát, vất vả của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng lũ. “19 người chết do mưa lũ là điều rất xót xa”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1659/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, đồng thời thường xuyên gọi điện chỉ đạo trực tiếp các lãnh đạo địa phương khi tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp. Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự vào cuộc, lăn lộn ngày đêm của lãnh đạo các cấp, các lực lượng quân đội, công an và các lực lượng khác.

Thủ tướng đề cập một số vấn đề cần suy nghĩ, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới. Trước hết, trong bối cảnh vừa phải chống dịch COVID-19 vừa phải phòng chống thiên tai, đồng thời triển khai các công việc thường xuyên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, xuyên suốt, nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là trong việc vận hành các hồ chứa.

Ngoài ra, do thiên tai cực đoan, khó dự báo cho nên phải luôn đề cao cảnh giác, chủ động, tích cực, không lơ là, chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng 4 tại chỗ. Việc phối hợp, cảnh báo, dự báo phải nhịp nhàng, khoa học, không lúng túng, bị động, bất ngờ.

mua-lu-2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc

Thủ tướng yêu cầu đánh giá thêm liệu có yếu tố chủ quan, mất cảnh giác trong đợt mưa lũ vừa qua không, nhất là trong thời điểm cuối mùa mưa lũ. Rà soát lại hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là các hồ chứa. Tăng cường năng lực phòng chống, ứng phó thiên tai; đề cao ý thức người dân…

Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, “màn trời, chiếu đất”; không để dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, cũng không để lũ lụt làm phát sinh dịch bệnh.

Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cần xây dựng đề án tổng thể về phòng chống, ứng phó thiên tai (lũ lụt, sạt lở, sụt lún, các hiện tượng thời tiết cực đoan…) tại miền Trung, Nam Bộ và các tỉnh miền núi phía bắc, từ đó có các dự án cụ thể, huy động các nguồn lực để thực hiện; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về phòng chống, ứng phó thiên tai….

Thủ tướng yêu cầu các địa phương chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, lập quy hoạch, triển khai di dời người dân ra khỏi các vùng nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

“Đề nghị 8 địa phương nắm chắc tình hình, nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, kinh doanh và cuộc sống bình thường người dân, tiếp tục phòng chống dịch COVID-19, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn trong bối cảnh tình hình phức tạp, các bộ ngành cùng chung tay với các địa phương, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo các phó thủ tướng, thủ tướng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: 19 người chết do mưa lũ vừa qua là điều rất xót xa