Thủ lĩnh phe đối lập Ấn Độ - Rahul Gandhi hôm 7.5 cảnh báo rằng làn sóng COVID-19 chết chóc thứ hai sẽ tàn phá Ấn Độ cũng như đe dọa phần còn lại của thế giới nếu không được kiểm soát.

Thủ lĩnh phe đối lập: Đợt dịch COVID-19 thứ 2 không chỉ tàn phá Ấn Độ mà cả phần còn lại của thế giới

Nhân Hoàng | 07/05/2021, 20:46

Thủ lĩnh phe đối lập Ấn Độ - Rahul Gandhi hôm 7.5 cảnh báo rằng làn sóng COVID-19 chết chóc thứ hai sẽ tàn phá Ấn Độ cũng như đe dọa phần còn lại của thế giới nếu không được kiểm soát.

Trong một bức thư, ông Rahul Gandhi thỉnh cầu Thủ tướng Narendra Modi chuẩn bị cho một đợt phong tỏa toàn quốc khác, đẩy nhanh chương trình tiêm chủng và theo dõi một cách khoa học coronavirus cùng các đột biến của nó.

Rahul Gandhi, Chủ tịch đảng Quốc đại, cho biết quốc gia đông dân thứ hai thế giới có trách nhiệm trong "một thế giới toàn cầu hóa và kết nối với nhau" để ngăn chặn sự bùng phát COVID-19 trong biên giới mình.

"Ấn Độ là nơi sinh sống của 1 trong số 6 người trên hành tinh. Đại dịch đã chứng minh rằng kích thước, sự đa dạng di truyền và sự phức tạp của chúng ta khiến Ấn Độ trở thành mảnh đất màu mỡ cho coronavirus nhanh chóng đột biến, tự biến đổi thành dạng dễ lây lan và nguy hiểm hơn.

Việc để cho coronavirus lây lan không kiểm soát được ở Ấn Độ sẽ có sức tàn phá không chỉ với người dân chúng ta mà còn với phần còn lại của thế giới", Rahul Gandhi viết.

Biến thể B.1.617 có khả năng lây nhiễm cao của Ấn Độ đã lan sang các nơi khác như Anh, buộc các quốc gia này phải cắt giảm hoặc hạn chế việc di chuyển khỏi Ấn Độ.

thu-linh-phe-doi-lap-dot-dich-covid-19-thu-2-khong-chi-tan-pha-an-do.jpg
Ông Rahul Gandhi cảnh báo đợt dịch COVID-19 thứ 2 không chỉ tàn phá Ấn Độ mà cả phần còn lại của thế giới

Trong tuần qua, Ấn Độ đã báo cáo thêm 1,5 triệu ca mắc COVID-19 mới và ghi nhận số ca tử vong hàng ngày hơn 3.000 với các bệnh viện hết giường, oxy y tế. Kể từ khi bắt đầu đại dịch, Ấn Độ đã ghi nhận 21,49 triệu ca mắc COVID-19 và 234.083 người tử vong. Hiện có 3,6 triệu ca COVID-19 đang hoạt động.

Thủ tướng Modi đã bị chỉ trích dữ dội vì không hành động sớm hơn để ngăn chặn làn sóng thứ hai, sau khi các lễ hội tôn giáo và các cuộc tập hợp chính trị thu hút hàng chục ngàn người những tuần gần đây trở thành sự kiện "siêu lan truyền".

Chính phủ của ông Modi cũng bị chỉ trích vì dỡ bỏ các hạn chế xã hội quá sớm sau làn sóng đầu tiên và vì sự chậm trễ trong chương trình tiêm chủng của đất nước, mà các chuyên gia y tế nói là hy vọng duy nhất của Ấn Độ trong việc kiểm soát làn sóng COVID-19 thứ hai.

Là nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, Ấn Độ đang phải vật lộn để sản xuất và phân phối đủ liều lượng cho dân để ngăn chặn làn sóng COVID-19.

Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh rằng các bang của Ấn Độ phải duy trì tỷ lệ tiêm chủng. Dù cả nước đã sử dụng ít nhất 157 triệu liều vắc xin, nhưng tỷ lệ tiêm chủng đã giảm mạnh những ngày gần đây.

Amartya Lahiri, Giáo sư kinh tế tại Đại học British Columbia (Canada), cho biết trên tờ Mint: “Sau khi đạt được tỷ lệ khoảng 4 triệu liều mỗi ngày, giờ chúng tôi giảm xuống còn 2,5 triệu mỗi ngày do thiếu vắc xin. Mục tiêu 5 triệu liều một ngày là giới hạn thấp hơn của những gì chúng tôi phải nhắm tới, vì ngay cả với tốc độ đó, chúng tôi sẽ mất một năm để cung cấp cho tất cả mọi người hai liều. Thật không may, tình hình rất nghiệt ngã".

Hôm 7.5, Ấn Độ đã báo cáo sự gia tăng kỷ lục số ca nhiễm coronavirus (414.188) hàng ngày, còn số người tử vong do COVID-19 thêm 3.915 lên 234.083.

Các chuyên gia y tế cho biết con số COVID-19 thực sự ở Ấn Độ cao gấp 5 đến 10 lần số liệu được báo cáo.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Ấn Độ đang sụp đổ trước gánh nặng bệnh nhân, với các bệnh viện hết giường bệnh và oxy y tế. Nhà xác và lò thiêu không thể xử lý số lượng người chết, công viên và bãi đậu xe biến thành giàn hỏa táng tạm thời.

Chris Murray, nhà nghiên cứu người Mỹ về sức khỏe toàn cầu và cộng đồng tại Đại học Washington (Mỹ), nói mức độ nghiêm trọng của các ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ trong một thời gian ngắn cho thấy biến thể có thể chế ngự bất kỳ khả năng miễn dịch nào trước đây khỏi các bệnh truyền nhiễm tự nhiên.

COVID-19 đang lan rộng từ các thành phố đông đúc đến các ngôi làng nông thôn hẻo lánh, nơi sinh sống của gần 70% trong số 1,35 tỉ dân.

Miền bắc và miền tây Ấn Độ chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tỷ lệ về các ca mắc COVID-19 mới hàng ngày ở 5 bang miền nam nước này đã tăng từ 28% lên 33% trong 7 ngày đầu tháng 5.2021.

Tại thành phố Chennai phía nam Ấn Độ, chỉ có 1 trong 100 giường được hỗ trợ oxy, và 2 trong 100 giường trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt còn trống vào ngày 6.5, từ tỷ lệ trống hơn 20% hai tuần trước đây.

Tại thành phố công nghệ Bengaluru 12,5 triệu dân, chỉ có 23 trong số 590 giường trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt còn trống và chỉ 1 trong 50 giường có máy thở chưa dùng, một tình huống mà các quan chức cho rằng cuộc khủng hoảng sắp xảy ra.

Tỷ lệ dương tính với xét nghiệm (tỷ lệ phần trăm những người được xét nghiệm phát hiện mắc bệnh) ở thành phố Bengaluru đã tăng gấp ba lần lên gần 39% vào ngày 6.5, từ khoảng 13% cách đây hai tuần.

H. M. Prasanna, Chủ tịch Hiệp hội các bệnh viện và nhà điều dưỡng tư nhân ở bang Karnataka, gồm cả thành phố Bengaluru, nói Bengaluru có 325.000 ca COVID-19 đang hoạt động, với nhu cầu về đơn vị điều trị tích cực (ICU) và giường của đơn vị phụ thuộc cao (HDU) tăng hơn 20 lần.

Ông H. M. Prasanna nói: “Mỗi bệnh nhân đến bệnh viện đều cần có giường ICU hoặc HDU... Đó là lý do tại sao bệnh nhân chạy từ bệnh viện này sang nơi khác để tìm kiếm giường ICU. Nguồn cung cấp oxy y tế cũng thiếu... Hầu hết các bệnh viện nhỏ hiện nay không thể mua oxy hàng ngày đều từ chối tiếp nhận bệnh nhân COVID-19".

Bài liên quan
'Sự ngạo mạn của Thủ tướng Modi trước thảm họa COVID-19 khiến Ấn Độ phải quỳ gối'
Thất bại đặt ra câu hỏi về vai trò tương lai của Ấn Độ trên trường thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ lĩnh phe đối lập: Đợt dịch COVID-19 thứ 2 không chỉ tàn phá Ấn Độ mà cả phần còn lại của thế giới