Adnan Januzaj không còn là một cậu bé để mà bất ngờ với chuyện phải lập tức đến một môi trường mới. Ở Dortmund, anh cũng sẽ có được mọi thứ mà Man Utd có: một tập thể cá tính, một môi trường trọng người trẻ, những khán giả cuồng nhiệt và trung thành.
Nhưng ngoài những sự hào nhoáng ấy, Januzaj nên để ý người đã phải ra đi để nhường chỗ cho mình: Kuba Blaszczykowski – một trong những trụ cột tuyển Ba Lan. Dám chắc, Blaszczykowski không thua kém bất cứ một tiền vệ nào ở Manchester United. Nhưng người đàn anh giàu chiến tích đó đã không còn nằm trong kế hoạch. Thế đấy, kế hoạch! Bóng đá không phải là trò chơi điện tử, không phải cứ chỉ số cao là sẽ được dùng. Chiếc áo số 9 mà Januzaj mặc không phải để tôn vinh một “tài năng trẻ MU”, mà cũng giống như áo số 7 của Hofmann, chỉ để chỉ định con đường mà Adnan sẽ phát triển ở đây cho khỏi ngỡ ngàng: vai trò tiền đạo.
Điều quan trọng là Januzaj phải chơi ăn ý với "cầu thủ thứ 12" đó là khán giả. Ảnh: Internet |
Báo chí Anh ngoài việc biến Premier League thành cái gì đó trung gian giữa rạp xiếc và Showbiz, thì đã tạo ra nhiều thói quen không thực sự tốt cho khán giả xem bóng. Người ta dễ có cảm tưởng Premier League là trung tâm của thế giới, còn lại ngoài biên giới chỉ toàn là học viện đào tạo. Điều này đáng thông cảm. Nhưng Bundesliga cũng là một giải đấu rất nhiều sao, rồi anh sẽ đụng độ họ trên sân, rồi anh sẽ biết ngay thôi Januzaj thân mến! Có thể là một anh chàng đồng hương Bỉ, tên nghe lạ lạ, giông giống một hãng bia dành cho phụ nữ, nhưng chính cậu ta sẽ “bắt chết” anh đó Januzaj! Hoặc cũng có thể là một chàng hậu vệ cánh Châu Á, không rõ Hàn hay Trung hay Nhật, kỹ thuật tầm thường, thậm chí tắc bóng cũng tầm thường, Premier League không ai thèm ngó ngàng. Nhưng cậu bạn Châu Á đó sẽ bám riết và ám anh cả trận, bằng sự kiên nhẫn quái dị, như một bóng ma, như một tên săn người, làm cho anh không thể tập trung mà thăng hoa tỏa sáng được. Đó, Bundesliga là như vậy!
Cuối cùng là khán giả. Hãy nhìn lên khán đài, một bức tường vàng đen tuyệt vời. Mỗi người trong đám đông ấy hằng ngày vẫn đi làm những việc mưu sinh khác nhau ở thành phố công nghiệp nặng này, cuối tuần họ đến xem bóng đá như đi dự lễ hội, tìm kiếm niềm vui sướng duy nhất trong chuỗi ngày buồn tẻ của mình. Nhiều người trong số họ có phòng riêng để treo đồ và dán ảnh cầu thủ Dortmund. Nhiều người trong số họ ghét Schalke, nhưng chỉ cà khịa với Schalke trước thềm Derby, chứ không phải lúc Schalke suy sụp, Schalke không có danh hiệu. Đó là khán giả của anh, họ yêu mến anh như yêu mến CLB (chứ không phải chỉ là lính đánh thuê) nếu như anh tôn trọng và yêu mến họ. Cuối cùng thì một cầu thủ cần gì trong sự nghiệp, Quả bóng vàng chăng? Có lẽ ai cũng chỉ muốn ghi danh vào lịch sử, có chỗ đứng trong lòng khán giả. Anh có thể bắt đầu điều đó ở đây, những bài học tốt đẹp cho sự nghiệp, ngay ở Signal Iduna Park.
Đức Anh