Vua Lê Thánh Tông quy định: Nếu xét thấy xứ nào có từ một người đến bốn, năm người phạm trường quy như thế, thì viên quan thừa chính và hiến sát xứ ấy sẽ phải luận vào tội biếm chức hoặc bãi chức, còn bản thân người phạm tội trường quy ấy sẽ phải tội đồ

Thời Lê Thánh Tông, nơi nào có 4, 5 người phạm quy chế thi thì quan sở tại mất chức

20/07/2018, 13:15

Vua Lê Thánh Tông quy định: Nếu xét thấy xứ nào có từ một người đến bốn, năm người phạm trường quy như thế, thì viên quan thừa chính và hiến sát xứ ấy sẽ phải luận vào tội biếm chức hoặc bãi chức, còn bản thân người phạm tội trường quy ấy sẽ phải tội đồ

Vua Lê Thánh Tông rất quan tâm chuyện thi cử

Từ xa xưa, việc thi cử ở nước ta rất quan trọng. Ngay từ thời Lý Nhân Tông, nước ta đã tổ chức thi cử để kén chọn người hiền tài phục vụ cho đất nước. Lịch triều hiến chương loại chí chép: "Nước Việt từ thời nhà Đinh, nhà Lê khoa cử chưa tổ chức, triều đình dùng người đại để không câu nệ. Đến đời nhà Lý, văn hóa mở dần; năm Thái Ninh đời vua Lý Nhân Tông (1072-1076) mở khoa Bác học, năm Thiệu Minh đời vua Lý Anh Tông (1138-1140) có phép thi Đình, quy chế dùng người, điều mục và đại cương gần như đầy đủ".

Trải qua các triều nhà Trần, Hồ thì đến thời nhà Lê, việc thi cử tức là dùng kết quả thi để cử chọn ra người hiền tài đã trở thành lệ. Tuy nhiên, việc dùng thi cử để tìm người làm quan lại phát sinh ra những tiêu cực vì sợ có nạn cục bộ hay gửi gắm. Nếu người không tài mà điểm cao ra làm quan thì đó là mối nguy hại khôn lường cho xã tắc.

Vị minh quân Lê Thánh Tông là người ý thức rất rõ về việc tuyển chọn hiền tài từ các kỳ thi cử. Năm 1466, văn bia tiến sĩ viết: "Nhân tài đối với nhà nước, quan hệ rất lớn. Từ Đường Ngu, Tam đại đến Hán, Đường, Tống, lập chế độ Tường, Tự, học, Hiệu, nhân tài do đó mà thành, đặt phép tắc khoa cử chọn người, nhân tài có đường tiến dụng, dẫu thành hiệu có khác nhau nhưng đều lấy sự chọn được người tài làm cốt yếu. Lê Thái Tổ bình định đất nước, giáo dục nhân tài, về mặt rộng hỏi thì tìm người ẩn dật, về mặt lựa chọn thì có thi học sinh, dù tên khoa tiến sĩ chưa đặt ra, nhưng khí mạch của văn hóa đã đủ. Thái Tông nối ngôi, từ năm Nhâm Tuất khai khoa, văn vật càn rõ rệt thêm. Đến Thánh Tông Trung hưng, số người đỗ khoa Quý Mùi nhiều hơn các năm trước. Nhưng từ năm Nhâm Tuất đến năm Quý Mùi, có khi 6 năm một khoa, có khi 5 năm một khoa, mà lệ 3 năm một khoa thì bắt đầu từ năm Bính Tuất này. Những người dự đỗ đều là người đáng tài cả".

Kỳ thực, ông vua hay chữ bậc nhất sử Việt rất khắt khe khi chọn người tài nên khi thấy người đỗ đông hơn thì ông không lấy thành tích đó làm mừng mà lại lo là có gian lận. Chính vì thế, vị minh quân này càng làm chặt chẽ. Kỳ thi năm 1463, số sĩ tử dự thi Hội đến 1400 người, lấy đỗ 44 người, khoa này mới cho đỗ cập đệ xuất thân. Năm 1469 không lấy đỗ Tam khôi. Khoa thi năm 1478 không lấy đỗ Trạng nguyên, mà lấy 2 Thám hoa để tỏ ý không có người đủ tài thì không lạm phong Trạng nguyên. Về chế độ thi cử do Thánh Tông đặt ra, Lê Quý Đôn tỏ ý tán thưởng sự chặt chẽ khi chọn hiền tài: "Tính từ năm 1442 đến năm 1526 gồm 26 khoa, lấy 989 người đỗ tiến sĩ, mà có 63 người dự vào tam khôi, thế là thịnh đạt lắm". Còn nhà sử học Phan Huy Chú cũng ca ngợi đây là thời thi cử sáng sủa nhất: "Khoa cử các đời, thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau không thể theo kịp".

Dù thận trọng trong việc thi cử tìm người hiền như vậy nhưng Lê Thánh Tông vẫn chưa yên tâm. Vua sợ rằng các quan dưới làm ăn tắc trách, đặc biệt là thi cử lem nhem ở địa phương. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: "Tháng 7, mùa thu (1485). Định rõ lại sắc lệnh về việc thi khảo để miễn tuyển. Nhà vua lấy cớ rằng, năm trước, thi khảo học trò, người nào dự trúng sẽ được miễn tuyển, lúc ấy có nhiều người mang vụng trộm văn bài cũ hoặc nhờ người khác đi thi thay mình, thành ra số người dự trúng có đến hàng vạn, việc thi cử như thế rất là nhũng lạm, bèn ra sắc lệnh cho hai ty Thừa chính và Hiến sát các xứ: từ nay thi khảo học trò cần phải được người văn hay chữ tốt, sau khi đã lấy cho dự trúng rồi, đến khi phúc hạch lại, nếu còn có người nào không làm được bài để quyển giấy trắng, hoặc người nào làm bài không thành văn lý, thì viên quan đề điệu và giám thí niêm phong quyển lại tâu hặc về triều đình. Nếu xét thấy xứ nào có từ một người đến bốn, năm người phạm trường quy như thế, thì viên quan thừa chính và hiến sát xứ ấy sẽ phải luận vào tội biếm chức hoặc bãi chức, còn bản thân người phạm tội trường quy ấy sẽ phải tội đồ".

Lệnh ban hành để các địa phương tuân theo, nghiêm trị kẻ gian lận thi cử là vậy nhưng vua Lê Thánh Tông vẫn chưa yên tâm với công tác thi cử lắm nên tiếp tục xiết chặt việc tuyển chọn ở kỳ thi cấp cao hơn là Thi hội. Sử chép: "Tháng 4, mùa hạ (1499). Định rõ thể lệ thi hội. Nhà vua bảo với bọn Võ Hữu, thượng thư bộ lễ, rằng: "Nhân tài là tinh anh của quốc gia, khoa cử là đường rộng phẳng của sĩ tử. Phép chọn lấy sĩ tử của quốc gia ta làm theo phép đời cổ, đã đầy đủ lại rõ ràng; nhưng phép lập lâu ngày, sau sinh ra tệ: kẻ thường tài được lạm tuyển, người thực học còn bị bỏ rơi, việc thủ xả phần nhiều không làm hài lòng bọn sĩ tử. Nếu phép thi cử không nghiêm, thì không làm thế nào ngăn ngừa được thói cầu may mà tuyển lấy nhân tài chân chính được". Nhà vua bèn hạ lệnh định rõ lại cấm điều: Trường thi chia làm 4 vi, mỗi vi đều đựng một cái chòi cao; đến ngày sĩ tử vào trường thi, thì mỗi chòi đều có một viên hiệu úy đứng ở trên chòi, để tiện trông xa kiểm soát. Đầu bài thi, do bầy tôi thân cận viết cho thật đúng, rồi đều chiếu theo thứ tự từng phòng của sĩ tử mà phân phát; viên quan tuần xước thì hàng ngày luân chuyển đi tuần, các quan chấm thi nếu viên nào có bà con thân thích dự thi, đều được hồi tị".

Không chỉ ngồi trong cung ra lệnh mà vua Lê Thánh Tông còn rất nhiều lần thân ra gặp các cử nhân để kiểm tra trình độ. Lịch triều hiến chương loại chí chép: Năm 1472, hội thí các cử nhân. Tháng 4, vua thân đến ra văn sách, hỏi về phép trị thiên hạ của các đế vương, lấy đỗ theo bậc khác nhau.

Các kỳ sau, năm 1475, 1478, 1481, 1484, 1487... liên tục hội thí các cử nhân và vua thường đến trường thi ra đề trực tiếp để xem tài của các sĩ tử vượt qua kỳ thi hội. Vua đôn đốc như vậy thì cấp dưới không thể lơ là cho người kém tài đỗ cao chạm mặt rồng được. Nhờ sự sát sao đó, thời Lê Thánh Tông tìm chọn được rất nhiều nhân tài cho đất nước và Hồng Đức trở thành thời kỳ đỉnh cao rực rỡ trong lịch sử Đại Việt trên mọi mặt từ văn hóa, kinh tế đến quân sự.

Sử gia Hoa Kỳ thế kỷ XXI Keith Weller Taylor trong sách A History of the Vietnamese (Lịch sử người Việt Nam) đánh giá rất cao vua Lê Thánh Tông và cho rằng chính sách giáo dục thời Hồng Đức chính là bệ phóng để Lê Thánh Tông quy tụ được nguồn lực giúp Đại Việt phát triển: “ Được gọi là Hồng Đức Đế vì 26 năm cuối thời trị vì của ông được tính là giai đoạn Hồng Đức ("đức độ bao la"), ông được ca ngợi là vị vua lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Sĩ phu Nho gia ở các thời sau coi triều đại ông là một thời hoàng kim của một nền chính sự tốt đẹp. Thành tựu lớn nhất của ông là việc hợp nhất nguồn nhân lực và vật lực của đồng bằng sông Hồng và các trấn phía nam cũng như việc tổ chức các nguồn lực này để tối đa hóa sự thịnh vượng và mở rộng lãnh thổ về hướng nam và tây. Ông làm điều đó bằng cách khích lệ giáo dục và huy động một thế hệ quan lại luôn sẵn lòng đáp ứng những kêu gọi đạo lý. Thắng lợi quân sự [trước Chiêm, Lào, Bồn Man] không thể đạt được nếu không có mức độ hiệu quả chưa từng có tiền lệ của chính quyền dân sự mà ông kiến tạo, luôn cung cấp đầy đủ số quân lính và thóc gạo cần thiết....

Trong thế kỷ 15, các vua nhà Lê đã thực hiện một cuộc tái định hướng chính phủ và văn hóa, tạo nên những quy phạm trong đời sống dân chúng mà sẽ được tán dương cho đến tận thời hiện đại, nếu không phải lúc nào cũng bằng hành động thì chí ít cũng bằng lời nói. Tuy nhiên, đây là thành tựu mong manh của một người duy nhất có cá tính đặc biệt [chỉ Thánh Tông]. Những căng thẳng địa phương vẫn tồn đọng. Khi chính sự suy nhược, những căng thẳng này sẽ bùng nổ thành hàng loạt cuộc chiến giữa các tập đoàn thống trị đối lập kéo dài ba thế kỷ và [thời kỳ này] cũng gắn liền với sự bành trướng của dân nói tiếng Việt dọc theo biển và vào tận đồng bằng sông Cửu Long.

Anh Tú

Đọc thêm:

Các vua Trần cưới chị em họ để hóa giải mối oan tình

Giải mã việc vua nhà Trần cưới chị em họ nhưng con cháu vẫn thông minh

Trần Tự Khánh mới là tay đội trời đạp đất, dọn đường cho Trần Thủ Độ

Nước Việt suýt tan nát nếu không có Trần Tự Khánh quyết đoán, khôn ngoan

Anh em nhà Trần lật kèo nhau trước đêm đoạt ngôi nhà Lý

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thời Lê Thánh Tông, nơi nào có 4, 5 người phạm quy chế thi thì quan sở tại mất chức