Thông tin mới giới Y khoa vừa tiết lộ: một nhà nghiên cứu uy tín trong lĩnh vực tế bào gốc của Việt Nam  trong “đường cùng” của sự sống, đã quyết định điều trị “chui” bệnh của mình bằng tế bào gốc. Và thật bất ngờ như phép lạ: ông đã được "cải tử hoàn sinh"! Điều đáng nói, đến nay, thế giới chưa công nhận điều trị bệnh này bằng tế bào gốc...

Thoát chết nhờ “chữa bệnh chui” bằng phương pháp tế bào gốc

Một Thế Giới | 06/10/2014, 17:00

Thông tin mới giới Y khoa vừa tiết lộ: một nhà nghiên cứu uy tín trong lĩnh vực tế bào gốc của Việt Nam  trong “đường cùng” của sự sống, đã quyết định điều trị “chui” bệnh của mình bằng tế bào gốc. Và thật bất ngờ như phép lạ: ông đã được "cải tử hoàn sinh"! Điều đáng nói, đến nay, thế giới chưa công nhận điều trị bệnh này bằng tế bào gốc...

Câu chuyện này như càng gợi ra một vấn đề nhức nhối hơn, khi mà cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa hề có luật và những quy định hướng dẫn trong nghiên cứu, điều trị lâm sàng, ứng dụng lĩnh vực này…  

Báo Điện tử Một Thế Giới trò chuyện với GS Trương Đình Kiệt, nguyên phó hiệu trưởng ĐH Y dược TP.HCM xung quanh vấn đề này
Thoat chet nho “chua benh chui” bang phuong phap te bao goc
 GS Trương Đình Kiệt - ảnh: ĐH Y dược TP.HCM
*Thưa, cách đây không lâu, một bệnh viện đã tiến hành điều trị bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD) bằng tế bào gốc (TBG), với kết quả bước đầu, theo đánh giá của các bác sĩ, là khả quan. Điều “thú vị” là: đây là một bệnh mà ngay cả trên thế giới hiện vẫn chưa chính thức công nhận cách điều điều trị bằng TBG, và bệnh nhân là một nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực TBG. Trước khi điều trị, sức khoẻ ông rất yếu và gần như không còn hi vọng gì. Tuy nhiên đến nay, ông đã có thể quay lại nghiên cứu và giảng dạy…

GS Trương Đình Kiệt: -Thực ra đó là “làm chui”! Trước đó thì ekip thực hiện ca này có xin phép, nhưng bộ Y tế không dám xác nhận, bởi đâu biết là nó sẽ thành công hay không? Ngay bản thân Mỹ cũng chưa cho phép điều trị bệnh này bằng tế bào gốc, mặc dù ở Mỹ đã điều trị thành công hàng trăm ca rồi, nhưng bản thân cơ quan thuốc và dược phẩm của Mỹ chưa cấp phép. 

Nhưng tình trạng sức khoẻ thầy X (chúng tôi xin phép giấu tên nhân vật, vì tính chất ca điều trị bệnh trong thực tế hiện nay – PV) lúc đó rất yếu, phải cấp cứu liên tục; việc điều trị bằng các phương pháp cũ gần như không hiệu quả!

Vì vậy, các nhà khoa học, bác sĩ trong ekip lúc đó đã phải họp bàn, thảo luận với nhau rất nhiều thời gian. Các câu hỏi được đưa ra, kỹ thuật, nhân lực có đáp ứng và ứng phó được trong mọi tình huống có thể xảy ra hay không? Rồi nên đưa cái gì vào trong người bệnh nhân? Tế bào gốc, huyết thanh đều là của bệnh nhân, tất cả những chất được thêm, bớt vào đều không gây độc, tốc độ truyền ra sao để không gây sốc?… Trả lời được rồi, mọi người mới quyết định làm. 

Ekip cũng mời được một bác sĩ từ Mỹ sang để thực hiện ca này. Bác sĩ này đã có kinh nghiệm điều trị cả 200 ca điều trị về tế bào gốc rồi.

Tuy nhiên cũng phải nói, nếu lỡ bệnh viện thực hiện ca thầy X thất bại, thì bệnh viện phải chịu trách nhiệm trước xã hội, bệnh nhân, thậm chí còn có thể phải đối diện với kiện cáo, bồi thường, còn bộ Y tế không chịu trách nhiệm. 

Nói về mặt pháp lý, việc thực hiện ca điều trị này bị bắt chẹt lúc nào cũng được. Nói chung, ở đây là bản lĩnh của bác sĩ...

*Vậy, vấn đề ở đây là gì, thưa ông? 

Việt Nam mình hiện chưa có luật TBG, chưa có các hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp, những tiêu chuẩn, trình độ, quy mô cần phải đạt được,… liên quan đến TBG; thiếu những quy định trong thử nghiệm lâm sàng để được sử dụng TBG, rồi làm thế nào để ứng dụng kết quả đại trà,…

Đấy là hành lang pháp lý, còn các vấn đề đạo đức cũng tương tự… 

*Có ý kiến cho rằng, TBG Việt Nam hiện chưa phát triển nhiều thì khi đưa ra luật thì dễ phạm lỗi?

Điều đó là đương nhiên. Nhưng như vậy không có nghĩa là không cần luật. Bao giờ cũng phải đưa ra các chuẩn, chuẩn này không phải bao quát cho toàn bộ thời gian. Ví dụ, có thể đưa ra những chuẩn này tạm ứng dụng trong 5 năm đầu, sau đó phải sửa đổi. Các nước trên thế giới hiện nay cứ khoảng 1, 2 năm sau đều phải xem lại để sửa đổi. Chứ không bao giờ có chuyện đợi anh làm đầy đủ, mọi người ủng hộ rồi anh mới ra luật. Lúc đó chưa chắc ra luật đã phù hợp. Luật bao giờ cũng chỉ mang tính chất thời gian thôi. 
Thoat chet nho “chua benh chui” bang phuong phap te bao goc
Chiết tách, lưu trữ tế bào gốc từ máu cuống rốn tại Ngân hàng TBG MekoStem TP HCM - ảnh: suckhoedinhduong

*Thời gian vừa qua, việc thực hiện các thử nghiệm lâm sàng dựa vào đâu, thưa ông?

Nhiều đơn vị làm được vì họ có máy móc, người am hiểu TBG và do có nhu cầu. Nhưng quan trọng là mình dựa vào các thành tựa thế giới, các bệnh này đã có bao nhiêu bài báo, đã điều trị được bao nhiêu, hiện nay đang ứng dụng ở những nơi nào…? Việt Nam mình không tự dưng “nhảy vô” làm những cái mà thế giới chưa làm, mà bao giờ mình cũng dựa vào các nước khác đã làm như thế nào, thành quả ra sao để mình quyết định có làm thử nghiệm lâm sàng không, với bệnh gì. 

Những thử nghiệm lâm sàng này phải được phép thông qua ở dạng một đề tài nghiên cứu, cấp bộ, sở, hoặc có khi là tự bệnh viên đứng ra thực hiện đề tài. Kết luật sẽ được trình cho bộ hoặc bệnh viện đó, rồi mới được phép ứng dụng tiếp hay không.   

Hiện nay, một số bệnh viện được thử nghiệm bệnh suy tim sau nhồi máu, khớp,… thậm chí là đang có những bác sĩ chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng với bệnh đái tháo đường. Tất cả các bệnh này đều đã có nhiều nơi trên thế giới làm thành công, và mình xem xét ứng dụng phương pháp nào. 

*Theo ông, sẽ có những khó khăn gì khi chưa có luật về TBG?

Một khi đã có luật và các hướng dẫn, nó sẽ tạo ra một chỗ cho các nhà nghiên cứu dựa vào. Ví dụ dùng kỹ thuật vô trùng phải thế này, không có độc tố cỡ như thế này, người làm như thế nào, thời gian ra sao?… 

Còn hiện nay, những thử nghiệm của Việt Nam vẫn dựa trên một số chứng cứ của nước ngoài, chứ không dựa vào tiêu chuẩn VN.

Nếu không có luật thì vẫn làm thôi, nhưng đòi hỏi một sự hi sinh, bản lĩnh của các nhà nghiên cứu, các bác sĩ. Khi có luật, hướng dẫn rồi thì mọi thứ sẽ rõ ràng hơn.  

*Ông có thể cho biết một số nghiên cứu tiêu biểu về tế bào gốc?

Cũng nhiều lắm. Thống kê, hiện cả nước có khoảng 34 cơ sở ứng dụng TBG, gồm các viện, trường đại học, bệnh viện và doanh nghiệp; TBG đang được quan tâm trong điều trị khoảng 20 bệnh khác nhau, với hơn 500 ca ghép. Nhưng nói chung còn “lộn xộn” do hành lang pháp lý...

Cám ơn ông đã dành cho báo Điện tử Một Thế Giới cuộc trò chuyện này!...

Lê Quỳnh (thực hiện)


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thoát chết nhờ “chữa bệnh chui” bằng phương pháp tế bào gốc