Theo các nhà phân tích, mối quan hệ đối tác mới giữa Mỹ và Ấn Độ nhắm vào chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và viễn thông cùng các lĩnh vực khác có thể đẩy nhanh quá trình tái tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu, gây bất lợi cho Trung Quốc.

Thỏa thuận Mỹ - Ấn đẩy nhanh việc tái tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu, gây tổn hại cho Trung Quốc

Sơn Vân | 08/02/2023, 09:50

Theo các nhà phân tích, mối quan hệ đối tác mới giữa Mỹ và Ấn Độ nhắm vào chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và viễn thông cùng các lĩnh vực khác có thể đẩy nhanh quá trình tái tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu, gây bất lợi cho Trung Quốc.

Thông tin chi tiết về Sáng kiến Mỹ-Ấn Độ về công nghệ trọng yếu và mới nổi (iCET) được công bố tuần trước, cũng bao gồm cả kế hoạch hợp tác trong điện toán lượng tử và quốc phòng.

Dù Trung Quốc không được đề cập trong tài liệu, thỏa thuận giữa Mỹ và Ấn Độ được coi là một phần nỗ lực từ chính quyền Biden nhằm hạn chế vai trò của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sự hợp tác này đã gây xôn xao ở Trung Quốc, nơi các quan chức ngày càng tỏ ra lo ngại về việc Mỹ thúc đẩy tách rời kinh tế và công nghệ với nước này.

Tuần trước, Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận cho đảng Cộng sản Trung Quốc) đã đăng ba bài xã luận được viết bởi Zhong Sheng, cáo buộc Mỹ sử dụng ảnh hưởng của mình với các đồng minh để tạo bè phái cản trở sự phát triển của Trung Quốc. Các bài viết không đề cập trực tiếp đến Ấn Độ.

Ý định từ Mỹ nhằm hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ với Ấn Độ (theo một số ước tính đã thay thế Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới) hoàn toàn trái ngược với sự ngờ vực của họ dành cho Trung Quốc.

Dù thực hiện các bước để ngăn chặn sự tiến bộ về chất bán dẫn của Trung Quốc nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, Mỹ đã cam kết hỗ trợ “sự phát triển của hệ sinh thái thiết kế, sản xuất, chế tạo chất bán dẫn ở Ấn Độ” và giúp quốc gia Nam Á này phát triển “lực lượng lao động lành nghề” để đóng một vai trò lớn hơn trong ngành công nghiệp chip toàn cầu. Các nhà phân tích cho rằng sự phát triển này có thể làm suy yếu vị thế của Trung Quốc.

Bằng cách bắt tay với Ấn Độ, Mỹ có thể thúc đẩy sáng kiến này như một phần của ‘kết bạn’ và biến đồng minh của mình trở thành chuỗi cung ứng thay thế cho Trung Quốc”, tờ Thời báo Hoàn cầu thuộc Nhân dân Nhật báo viết.

thoa-thuan-my-an-day-nhanh-viec-tai-to-chuc-chuoi-cung-ung-toan-cau1.jpg
Tổng thống Mỹ - Joe Biden trao đổi với Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia tháng 11.2022 - Ảnh: Reuters

Ấn Độ nổi lên như một nước hưởng lợi chính từ việc tái tổ chức chuỗi cung ứng, vốn chứng kiến các công ty chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh các biện pháp kiểm soát đại dịch cứng rắn và căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng.

Trong một báo cáo nghiên cứu gần đây về triển vọng của Ấn Độ vào năm 2023, các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) đã gọi quốc gia Nam Á này là “một thị trường tiêu dùng hấp dẫn tiềm năng trong dài hạn” và là một lựa chọn thay thế tốt cho đầu tư vào phương Tây trước những rủi ro địa chính trị.

Theo công ty nghiên cứu DigiTimes (Đài Loan), Ấn Độ dự kiến sẽ chiếm từ 45 đến 50% sản lượng iPhone của Apple vào năm 2027, so với mức dưới 10% vào năm ngoái.

Faisal Kawoosa, nhà phân tích trưởng tại công ty tư vấn thị trường Techarc (thủ đô New Delhi ở Ấn Độ), cho biết: “ICET sẽ là một tình huống đôi bên cùng có lợi: Mỹ sẽ có được một đối tác đáng tin cậy cho chuỗi sản xuất và cung ứng, còn Ấn Độ là một đối tác để hỗ trợ các nguồn lực cần thiết”.

Song hiện tại, quan hệ đối tác Mỹ - Ấn chủ yếu tồn tại trên giấy tờ.

Michael Kugelman, Phó giám đốc Chương trình Châu Á và cộng sự cấp cao về Nam Á tại Wilson Centre, tổ chức tư vấn phi đảng phái có trụ sở tại Washington (Mỹ), nhận định: “Tại thời điểm này, những lợi ích có nhiều tiềm năng hơn là thực tế. Về nguyên tắc, iCET có thể giúp mang lại cho Ấn Độ những sản phẩm và kiến thức chuyên môn cần thiết để củng cố lĩnh vực công nghệ của nước này, gồm cả ngành công nghiệp bán dẫn, nhưng bộ máy quan liêu ở cả hai quốc gia có thể gây trở ngại”.

thoa-thuan-my-an-day-nhanh-viec-tai-to-chuc-chuoi-cung-ung-toan-cau2.jpg
Nhà máy sản xuất iPhone do Wistron (Đài Loan) điều hành tại thành phố Narsapura, phía đông Bangalore, Ấn Độ - Ảnh: AFP

Apple đề xuất Ấn Độ cho 17 nhà cung cấp Trung Quốc mở rộng hoạt động, 3 hãng bị từ chối

Theo trang Bloomberg, khoảng 14 nhà cung cấp Trung Quốc của Apple đang được Ấn Độ cho phép mở rộng hoạt động tại quốc gia Nam Á này. Điều đó hỗ trợ nỗ lực đa dạng hóa mạng lưới sản xuất bên ngoài Trung Quốc của gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

Luxshare Precision Industry Co (hãng lắp ráp AirPods, iPhone) và đơn vị của nhà sản xuất ống kính camera Sunny Optical Technology Group Co nằm trong số các công ty được chấp thuận. Những người quen thuộc với vấn đề này tiết lộ với trang Bloomberg.

Việc các Bộ quan trọng của Ấn Độ "bật đèn xanh" là bước tiến tới sự chấp thuận hoàn toàn cho việc mở rộng hoạt động của các công ty Trung Quốc ở quốc gia Nam Á. Thế nhưng, các công ty Trung Quốc có thể sẽ được yêu cầu tìm đối tác liên doanh địa phương của Ấn Độ.

Apple và các thương hiệu điện tử Mỹ khác đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc sau khi các hạn chế thương mại và gián đoạn sản xuất liên quan đến đại dịch làm lộ ra những rủi ro khi tập trung quá nhiều vào một quốc gia.

Động thái mới báo hiệu Ấn Độ đang cho phép nhiều công ty Trung Quốc hơn tham gia xây dựng lĩnh vực sản xuất công nghệ của mình, ngay cả khi căng thẳng chính trị giữa hai nước láng giềng châu Á gia tăng.

Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi đã ưu tiên phát triển lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ, cung cấp các ưu đãi tài chính và hỗ trợ từ chính phủ cho các dự án mở rộng của các công ty. Apple đã đóng một vai trò trung tâm trong nỗ lực đó, với các đối tác như Foxconn sản xuất nhiều iPhone mới nhất tại nước này hơn bao giờ hết.

Khoảng 14 nhà cung cấp đang được Ấn Độ "bật đèn xanh", sau khi Apple gọi đó là những công ty có dịch vụ mà họ cần để tăng cường sự hiện diện ở quốc gia Nam Á, nguồn tin cho biết.

Trong khi phần lớn sản phẩm của mình vẫn được lắp ráp tại Trung Quốc, Apple những năm gần đây đã bắt đầu sản xuất nhiều sản phẩm hơn ở Ấn Độ thông qua các đối tác Đài Loan.

Apple nắm quyền kiểm soát chặt chẽ với chuỗi cung ứng bao gồm hàng trăm nhà sản xuất linh kiện của mình. Một số công ty Ấn Độ, chẳng hạn Tata Group, đã cung cấp linh kiện cho Apple. Quốc gia Nam Á này đang thúc đẩy thêm nhiều nhà cung cấp địa phương vào chuỗi cung ứng để thúc đẩy và đa dạng hóa ngành công nghiệp điện tử của mình. Liên doanh với các nhà sản xuất linh kiện Trung Quốc là một cách để đạt được điều đó.

Ấn Độ đã loại bỏ phần lớn công ty Trung Quốc khỏi nền kinh tế công nghệ của mình sau khi quân đội giữa hai nước xung đột dữ dội ở biên giới tranh chấp kéo dài vào năm 2020, dẫn đến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Vụ việc đã khiến tâm lý kinh doanh chống Trung Quốc tăng vọt trong nước.

Kể từ đó, Ấn Độ đã cấm các ứng dụng của Alibaba, Tencent và ByteDance (gồm cả TikTok), đồng thời truy quét, thăm dò và phạt một loạt công ty công nghệ Trung Quốc khác, từ các hãng sản xuất smartphone đến những nhà cung cấp dịch vụ fintech (công nghệ tài chính).

Hôm 5.2, trang ANI News cho biết Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ (MeitY) đã bắt đầu quá trình cấm và chặn 138 ứng dụng cá cược cùng 94 ứng dụng cho vay có liên kết với Trung Quốc, trích dẫn các nguồn tin.

ANI News cho biết Bộ Nội vụ Ấn Độ đã khuyến nghị cấm MeitY và chặn các ứng dụng này vào tuần tới theo Mục 69 của luật CNTT của nước này.

Luật CNTT cho phép chính phủ Ấn Độ chặn quyền truy cập của công chúng vào nội dung vì lợi ích an ninh quốc gia, trong số các lý do khác.

Ấn Độ đã thắt chặt quy tắc cấm các công ty từ quốc gia có chung biên giới hoạt động mà không có sự đồng ý của chính phủ. Các công ty Trung Quốc đã bỏ lỡ các ưu đãi của chính phủ Ấn Độ với các nhà sản xuất công nghệ.

Ngoài ra, Ấn Độ đang tăng cường lắp ráp smartphone trong nước, cho phép các nhà sản xuất Đài Loan như Foxconn, Wistron và Pegatron thành lập nhà máy. Song, sự vắng mặt của các nhà sản xuất linh kiện quan trọng đã hạn chế sự phát triển ngành công nghiệp ở Ấn Độ.

Dù Ấn Độ đang phê duyệt việc mở rộng hoạt động của nhiều nhà cung cấp Trung Quốc tại nước này, nhưng một số vẫn bị từ chối, theo nguồn tin của Bloomberg.

Apple đã đệ trình danh sách khoảng 17 nhà cung cấp Trung Quốc cho chính quyền Ấn Độ và 3 trong số đó bị từ chối mở rộng hoạt động. Ít nhất một công ty bị từ chối vì có quan hệ trực tiếp với chính phủ Trung Quốc, nguồn tin Bloomberg cho biết.

Han’s Laser Technology Industry Group Co (lá cờ đầu của ngành công nghiệp laser Trung Quốc) và Shenzhen YUTO Packaging Technology Co (nhà cung cấp hàng đầu các giải pháp đóng gói thương hiệu cao cấp) nằm trong số ba công ty Trung Quốc bị Ấn Độ từ chối.

Ấn Độ, Việt Nam hưởng lợi từ việc chuỗi cung ứng dịch chuyển khỏi Trung Quốc vào 2023

Theo cuộc khảo sát toàn cầu mới được công bố bởi Container xChange, các công ty trên khắp thế giới coi Việt Nam và Ấn Độ là địa điểm thay thế hấp dẫn để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc năm nay.

Container xChange, nền tảng hậu cần container của Đức, đã khảo sát hơn 2.600 chuyên gia trong ngành từ hơn 20 quốc gia về xu hướng ngành vận chuyển và chuỗi cung ứng cho năm 2023 và nhận thấy rằng 67% số người được hỏi tin rằng Việt Nam, Ấn Độ sẽ “nổi lên như những trung tâm vận chuyển container” năm nay.

Cuộc khảo sát được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Việt Nam, Ấn Độ đang ngày càng trở nên phổ biến với các công ty đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và phân tán rủi ro chuỗi cung ứng của họ.

Xuất khẩu iPhone từ tháng 4 đến tháng 12.2022 của Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi so với cả năm tài chính trước đó. Trong khi Tata Group (tập đoàn hàng đầu Ấn Độ) sẵn sàng mua một nhà máy địa phương từ công ty Đài Loan để cung cấp cho quốc gia Nam Á này nhà máy sản xuất iPhone nội địa đầu tiên, tờ Bloomberg đưa tin.

Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022, nhờ xuất khẩu mạnh smartphone và các thiết bị điện tử khác, theo dữ liệu hải quan do chính phủ công bố.

Cuộc khảo sát của Container xChange cũng cho thấy các doanh nghiệp Mỹ dự kiến sẽ chuyển nhiều hoạt động sản xuất ra nước ngoài hơn sang các đồng minh địa chính trị. “Mục tiêu là ngăn chặn các quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, sử dụng lợi thế thị trường của họ với các nguyên liệu thô, thực phẩm và sản phẩm chính”, theo cuộc khảo sát.

Chẳng hạn, gã khổng lồ máy tính cá nhân Dell (Mỹ) đã quyết định ngừng sử dụng chất bán dẫn do Trung Quốc sản xuất từ năm 2024 và có thể chuyển khoảng một nửa sản lượng ra khỏi nước này vào 2025, theo trang Nikkei Asia và các phương tiện truyền thông Đài Loan.

Ngoài việc điều chỉnh chuỗi cung ứng, lạm phát và suy thoái kinh tế được 88% số người tham gia khảo sát coi là những yếu tố cản trở lớn nhất với hoạt động kinh doanh của họ năm nay, tiếp theo là chiến tranh, đại dịch ở Trung Quốc và các cuộc đình công của công nhân.

Christian Roeloffs, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Container xChange, cho biết: “Châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề với lạm phát cao chưa từng có, Trung Quốc phải vật lộn để đối phó với vi rút, Mỹ tiếp tục chứng kiến những thách thức về giao thông nội địa và tình trạng bất ổn lao động. Hầu hết những thách thức này sẽ ở lại vào năm 2023”.

Bài liên quan
Apple đầu tư hơn 100 tỉ USD vào mạng lưới cung ứng ở Nhật, Tim Cook thăm trung tâm chip
Apple hôm 13.12 cho biết đã đầu tư hơn 100 tỉ USD vào mạng lưới cung ứng tại Nhật Bản trong 5 năm qua, khi Giám đốc điều hành Tim Cook đến thăm trung tâm của ngành công nghiệp bán dẫn nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thỏa thuận Mỹ - Ấn đẩy nhanh việc tái tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu, gây tổn hại cho Trung Quốc