Thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao Iran - Ả Rập Saudi đầy bất ngờ đem lại cho Mỹ con đường khả thi để kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran lẫn cơ hội củng cố lệnh ngừng bắn tại Yemen.

Thỏa thuận khôi phục quan hệ Iran - Ả Rập Saudi và vai trò của Trung Quốc

Cẩm Bình | 11/03/2023, 11:35

Thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao Iran - Ả Rập Saudi đầy bất ngờ đem lại cho Mỹ con đường khả thi để kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran lẫn cơ hội củng cố lệnh ngừng bắn tại Yemen.

Nhưng thỏa thuận cũng chứa đựng một yếu tố khiến Mỹ lo lắng: Trung Quốc đóng vai trò trung gian hòa bình ở khu vực mà Washington thiết lập ảnh hưởng từ lâu.

Thỏa thuận được công bố sau khi Trung Quốc - Iran - Ả Rập Saudi kết thúc 4 ngày đàm phán. Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby ngày 10.3 cho biết dù Mỹ không trực tiếp tham gia, nhưng phía Ả Rập Saudi có thông báo cho họ về cuộc đàm phán.

Ông Kirby không đề cập đến sự tham gia của Trung Quốc mà chỉ tuyên bố chính áp lực từ bên trong lẫn bên ngoài buộc Tehran ngồi vào bàn đàm phán.

Tuy nhiên, cựu quan chức Mỹ cấp cao Jeffrey Feltman lại nhận định vai trò của Trung Quốc chính là yếu tố đáng chú ý nhất: “Điều này sẽ được xem như cái tát vào chính quyền Tổng thống Joe Biden, bằng chứng cho thấy Trung Quốc là thế lực trỗi dậy”.

thoachin.jpg
Trung Quốc chủ động đứng ra làm trung gian cho xung đột mà họ không phải bên liên quan - Ảnh: Reuters

Mở lại đường cho đàm phán hạt nhân

Iran - Ả Rập Saudi đạt thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao trong bối cảnh Tehran tăng tốc chương trình phát triển hạt nhân sau 2 năm Washington nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 thất bại. Triển vọng hồi sinh thêm mờ mịt vì phong trào biểu tình nổ ra tại Iran thời gian qua và loạt trừng phạt mới của Mỹ.

Nhà phân tích Brian Katulis (Viện Nghiên cứu Trung Đông) nhận định, đối với Mỹ và Israel, thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao Iran - Ả Rập Saudi đem lại con đường khả thi để nối lại nỗ lực đối thoại cùng Tehran, mà Riyadh có thể là đối tác tham gia tiềm năng.

“Ả Rập Saudi rất lo ngại về chương trình hạt nhân Iran. Khôi phục quan hệ ngoại giao nếu có ý nghĩa và tạo ra tác động sẽ giúp giải quyết sự lo ngại”, theo nhà phân tích Katulis.

Thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao Iran - Ả Rập Saudi cũng làm dấy lên hy vọng tình hình Yemen - nơi diễn ra xung đột được cho là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Tehran và Riyadh - trở nên ổn định hơn.

Thỏa thuận ngừng bắn do Liên Hợp Quốc làm trung gian đạt được vào tháng 4 năm ngoái đang được giữ vững mặc dù hết hạn vào tháng 10, các bên chưa chịu gia hạn.

Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Yemen Gerald Fierestein, Ả Rập Saudi sẽ không đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao nếu không đạt được lợi ích gì đó.

Vai trò Trung Quốc

Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nhận định vai trò trung gian giúp Iran - Ả Rập Saudi đạt thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao của Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng với Mỹ. Trung Quốc chủ động đứng ra làm trung gian trong một xung đột mà họ không phải bên liên quan là điều bất thường.

“Liệu đây có phải điềm báo cho nỗ lực hòa giải Nga - Ukraine của Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình sang thăm Moscow?”, cựu trợ lý Russel lưu ý.

Nhà phân tích Naysan Rafati (Tổ chức Khủng hoảng quốc tế) đánh giá thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao Iran - Ả Rập Saudi chưa chắc đem lại điều tốt cho Mỹ.

“Khi Mỹ cùng phương Tây đang gia tăng áp lực với Iran, Tehran tin tưởng với thỏa thuận này sẽ phá vỡ được thế cô lập và thu hút được cường quốc che chở”, theo nhà phân tích Rafati.

Phát ngôn viên Kirby khẳng định: “Chúng tôi không mất tập trung trước ảnh hưởng Trung Quốc tạo dựng ở Trung Đông, châu Phi hay Mỹ Latinh. Chúng tôi chắc chắn tiếp tục theo dõi Trung Quốc khi họ cố gắng giành ảnh hưởng cùng chỗ đứng ở nhiều nơi trên thế giới vì lợi ích của riêng họ”.

Bài liên quan
Tỷ phú Elon Musk thành cầu nối ‘độc nhất vô nhị’ giữa hai thế lực đối lập Mỹ - Iran
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục chìm trong căng thẳng, tỷ phú công nghệ Elon Musk đã bất ngờ xuất hiện như một cầu nối tiềm năng, mở ra cánh cửa đối thoại mới giữa hai quốc gia đối đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thỏa thuận khôi phục quan hệ Iran - Ả Rập Saudi và vai trò của Trung Quốc