Chuột cống, loài vật bẩn thỉu truyền đời sống ở cống rãnh từng là thủ phạm gây bệnh dịch hạch khiến loài người suýt nữa diệt vong. Liệu có ai trong chúng ta tin được rằng: Đến một ngày mình sẽ tự nguyện, dũng cảm ăn thịt chuột cống như một thứ đặc sản đắt đỏ không? Câu trả lời chắc chắn là: “Không!”. Nhưng nhớ mở ngoặc thêm cụm từ sau: “Tôi không ăn, trừ khi tôi bị lừa”.

Thịt chuột cống chạy lên bàn tiệc, trách nhiệm thuộc về ai?

1 | 10/07/2016, 11:27

Chuột cống, loài vật bẩn thỉu truyền đời sống ở cống rãnh từng là thủ phạm gây bệnh dịch hạch khiến loài người suýt nữa diệt vong. Liệu có ai trong chúng ta tin được rằng: Đến một ngày mình sẽ tự nguyện, dũng cảm ăn thịt chuột cống như một thứ đặc sản đắt đỏ không? Câu trả lời chắc chắn là: “Không!”. Nhưng nhớ mở ngoặc thêm cụm từ sau: “Tôi không ăn, trừ khi tôi bị lừa”.

Vào vai thỏ non đi ăn thịt chuột già
Nhiều người đã bị dính quả lừa, ăn chuột cống với giá bán của con don, con dúi, con chuột đồng hoặc món thỏ rô-ti và lợn sữa quay. Không phải vô lý đã bao năm, bao phen dân tình ầm ĩ với nghi án pa-tê thịt chuột, nước phở rồi nồi hầm hủ tiếu ngọt xuýt đặc xuỵt do... thi thể đàn chuột cống. Oái oăm hơn, lúc ấy, cơ quan quản lý vẫn ngất ngư đặt câu hỏi: Thịt chuột cống, một khi nó biến thành đặc sản trên bàn tiệc thì... bộ, ngành nào sẽ quản lý và ngăn chặn?

Trong một đêm đông giá dăm bảy năm trước, sương phủ lơ mơ bên hồ Trúc Bạch (Hà Nội), chợt tôi gặp một nhóm người lượn xe máy vè vè. Họ giăng lưới thậm thụt bên phố Phó Đức Chính, hớt hải chạy mãi ra mép hồ, nơi ông Vũ Trọng Phụng từng mô tả, cảnh đẹp đến mức giai gái hay dẫn nhau ra để tự tử. Rồi đèn pin loang loáng, rồi lồng sắt lúc nhúc con gì to, lông ướt bết, hôi sặc sụa, mắt táu hạu nhìn vào đèn pha của chúng tôi. Nhóm người ấy tự giới thiệu, đến từ xã Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Chúng tôi đi theo quan sát và quay phim lén. Thấy họ bắt chuột cống nhanh hơn mèo, nhoắng một cái, chả ai trông thấy chuột chạy, nhưng lưới của họ thì giăng ở các ống cống trơn nhẵn thối tha vẫn có chuột giãy đành đạch. Vút, vèo! Liên tiếp tiếng chuột kêu chí chóe tấy bậy. Họ gỡ lưới, tóm cổ, lôi ra toàn lũ chuột bắt nạt được cả mèo ú. Có con to bằng bắp chân người lớn.

C, cậu bé bắt chuột rất hiền lành. Cả đời chưa bao giờ nghĩ việc của mình lại có nhà báo đến dòm dỏ. “Bọn em có khi đi bắt khắp cả Hưng Yên, Việt Trì ấy chứ, trăm cây số kiếm ăn là thường. Có đêm bắt được 30kg, cứ bán 100.000 đồng/kg. Bắt ở các bệnh viện như Việt - Đức, Bạch Mai là nhiều chuột to nhất”.

Chuột ấy, hồi mà nhà xác còn chưa quy củ, nó toàn vào ăn mắt ăn tai người chết cơ mà. Câu nói lấp lửng của C làm tôi ám ảnh. Họ bắt chuột về làm gì? Để nuôi trăn nuôi rắn trong trang trại? Để nghiên cứu tìm cách bảo vệ mùa màng?

Bí mật theo chân C, chúng tôi ngỡ ngàng phát hiện ra các “hiệp thợ” săn chuột cống mang chuột về bán cho con người ăn. Bán ở chợ làng, chiều nào gần đình Đình Bảng hầu như cũng nhóm họp một cái chợ thịt chuột. Tôi đến đó khoảng 10 lần, quả là người làng họ cũng mua ăn, chứ không chỉ thực khách xa xôi. Có con chuột to đến mức, sau khi chặt đầu moi lòng nhổ lông trắng toát rồi, nó vẫn nặng gần 5 lạng cân “móc hàm’. Thử hỏi nó là chuột cống hay chuột đồng? Thưa mấy chục triệu nông dân cả nước, bà con thấy con chuột đồng nào khổng lồ thế chưa? Mà thôi, C tiết lộ hết rồi, còn nghi ngờ gì nữa.

Sau này, thâm nhập kỹ, tôi đã mạnh dạn viết một bài báo trên Lao Động, tố cáo thực trạng này, trích lời của C và mẹ đẻ cùng anh trai cậu ta nữa, cả ảnh và video nữa, tất cả đều khẳng định là: Họ bắt chuột cống. Chuột cống được bán ra nhà hàng “đặc sản chuột đồng” ở Từ Sơn, nhiều nhóm khách thích đặc sản miền quê còn đến tận ngôi nhà cao tầng khang trang của gia đình C để đặt tiệc rồi bù khú rượu chè hỉ hả với nhau. Họ cũng tiết lộ, lòng mề chuột thì bán cho người nuôi cá, ria chuột thì bán cho cửa hàng thẩm mỹ họ làm... lông mi giả. Dương vật chuột thì ngâm rượu để làm... “thuốc tăng cường bản lĩnh đàn ông”. Thịt chuột ngon hơn thịt gà, thịt lợn, vì không dùng thuốc tăng trọng, không nuôi bằng chất cấm.

Chuyện ấy, dăm bảy năm trước báo Lao Động đã đăng, nay xin phép không nhắc lại nữa. Chỉ choáng một nỗi là dạo này lang thang phố đêm Hà Nội, về tận cả các huyện Thạch Thất, Hoài Đức, chỗ nào chúng tôi cũng thấy trai tráng thi nhau đi bắt chuột cống về bán cho nhà hàng làm đặc sản.

Ch, anh trai C bây giờ còn làm ăn to với các nhóm thợ gần hai chục người, trắng đêm đi bắt chuột cống. Đ, vợ Ch vừa mổ chuột vừa tiết lộ, chuột này là “chuột dúi” ở trên rừng nhé, con này to đến 4 lạng đây nhé. Lũ chuột bị nhúng nước sôi tuột lông bở tợt ra, da chúng dăn deo trắng toát, chúng bò ra khỏi chậu nước nóng đen kịt và thối oẵng các chất từ cống rãnh và lông chuột. Những con chuột trắng muốt, mõm nhọn, hấp hối chạy ra khắp khoảnh sân của ngôi nhà hoành tráng. Họ giàu lên nhờ nghề săn “chuột nhà”, “chuột phố”.

Khi chúng tôi vào vai “thỏ non” làm nghề hướng dẫn viên du lịch, hỏi mua chuột ăn thử để đều đặn mỗi cuối tuần đưa khách xa đến thưởng thức; muốn có một tour danh tiếng xứ Kinh Bắc mà mỗi bữa tiệc nó lạ lẫm một tí; chứ quanh quẩn gà, lợn, bò mãi chán ngấy rồi - thì Ch, anh trai C mới nói thật. Chuột này là chuột nhà (chuột cống), bắt ở trên Hà Nội, “cứ tầm 4 lạng một con”. Và họ giết chuột, làm món chuột hầm, chuột rán, chuột hấp lá chanh. Mổ phanh ra, mỗi con chuột nằm tênh hênh tràn hết cả một đĩa tây. Đó có lẽ là bữa tiệc vào loại ám ảnh bậc nhất của đời tôi: Không dám ăn miếng nào, lấy lý do bận việc, rồi gói đặc sản cống rãnh lại. Chuồn êm.

Một cô ở chợ chuột đầu đình thì đon đả khi đã thân quen: “Làng em toàn bắt chuột cống thôi, nhà bác ạ. Thợ cứ đi khắp nơi, bắt chuột đồng bé tí, cả đêm đi tít tận mạn Bắc Giang, bắt được chỉ 2kg, có mà chết đói à. Thợ nhà em cứ đi từ 12h đêm đến 5h sáng là về đến nhà. Toàn chuột cống thôi”.

Quyền của người tiêu dùng bị chuột tha lôi vào... miệng cống?

Nhất tề người ta chặt bỏ đầu chuột trước khi đem ra chợ, có lẽ để dễ bề nói dối đó là dúi rừng, chuột đồng. Bởi “đầu lâu” là thứ mang tín chỉ loài rõ rệt nhất. Quầy thịt chuột bên kia, cô áo đỏ vẫn cất cái giọng ngọt lịm mà rằng: Mua đi anh ơi, nhà em toàn chuột đồng với dúi rừng đấy, ngon lắm nhé. Tôi quay sang, cô mặc áo trễ ngực, trẻ tơ hơ đôi tám, trong ráng chiều Kinh Bắc, đúng là “cười như mùa thu tỏa nắng” từ thuở còn mồ ma ông thi sĩ Hoàng Cầm ở Bên kia sông Đuống. Một vẻ đẹp dễ làm người ta buốt lòng.

Đau, vì sao ngần ấy nghìn ngày mình đã tố cáo, cơ quan chức năng, giới khoa học, chính quyền phường xã, người dân có lương tâm, cũng chẳng ai lên tiếng gì cho ra hồn, cho hiệu quả. Chúng ta chấp nhận một ngày ta ra quán, gọi đặc sản và bị phường đốn mạt nào đó nó tống thịt chuột cống vào dạ dày ư? Rồi đường từ dạ dày đến nghĩa địa sẽ chỉ cách nhau một tờ giấy trắng rơi nghiêng.

Cái khác duy nhất là sự đề phòng của Ch, giọng anh ta dõng dạc khi đoàn đóng giả khách du lịch đi xơi đặc sản của tôi vào: “Không quay phim chụp ảnh đặc sản nhà tôi đâu nhé. Bọn nhà báo trước đây chụp rồi đưa lên mạng (văng tục)... xấu mặt tôi, xấu mặt cả làng rồi đấy nhá”. Tất cả đều biết như thế là xấu mặt nhưng cái mặt họ thì cứ mặc kệ hoặc lấp liếm cho xong. “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

Và sự khôn khéo ra đời, họ luôn nói thác rằng, họ đang bán thịt chuột đồng, thịt dúi rừng, thịt sóc, thịt thỏ... Đặc biệt đáng sợ là ở gần khu sân vận động trước làng Đình Bảng, chúng tôi thấy T.P Quán có vẽ hình con chuột bên cạnh dòng chữ “thịt chuột” cùng các món ngon thứ thiệt khác.

“Thuyền vừa ghé bến”, giọng cô nhân viên ở quán còn dịu dàng hơn cả em áo đỏ bán thịt chuột ở đầu đình Đình Bảng vừa lúc nãy. Rằng mùa này chuột to lắm. Anh ăn sành thì em cũng nói thật nhé. Chuột nhà em là chuột nhà (chuột cống) hết, bây giờ, mùa này làm gì có chuột đồng hả anh. Em làm bảy món cho anh, chuột to ăn nó mới chắc thịt chứ. Bao giờ anh đến và có bao nhiêu khách để em vào làng bắt thêm chuột, các mối cung cấp chuột của nhà hàng em là toàn chỗ làm ăn lâu năm với nhau rồi.

Người đời vô cảm thì đã đành, còn cơ quan quản lý nằm ở đâu? Sao không ai biết? Đem chuyện này đi hỏi PGS - TS Nguyễn Văn Thanh, chuyên gia về các động vật ngành nông nghiệp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thì ông thất thần xem video, mà thốt lên: “Không thể tưởng tượng nổi. Phải ngăn chặn ngay, để cứu người dân. Cả thế giới này không ai chấp nhận có sự thật đau lòng đó được”. Ai sẽ ngăn đám chuột cống chạy thẳng lên bàn tiệc đây? Ông Thanh rời giảng đường đi ngăn chặn hay tôi bỏ bút bỏ tòa soạn đi... tóm cổ những kẻ “thủ ác” kia?

Còn ông Trần Danh Phượng - Chi Cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh Bắc Ninh nói: “Nếu chứng minh được là thịt chuột cống đã được bày lên bàn tiệc thì chúng tôi sẽ phải cùng một số cơ quan khác nhảy vào. Như thú y, hay cơ quan quản lý chất lượng nông lâm thủy sản... để cùng bàn, thực chất để xác định con chuột này là chuột gì. Các em (nhà báo) mật phục chẳng hạn, quay được cảnh đó thì các em mới khẳng định được. Nếu bọn em có những thước phim đó khiến người ta khâm phục khẩu phục thì bọn anh sẽ có thể đứng ra xử lý xử phạt được. Nếu không chứng minh được thì khó”.

“Xin hỏi ông, nếu chúng tôi chứng minh được những sai phạm đó, và cần phải phạt thì phạt mức nào?”. Ông chi cục vẫn trưởng dõng dạc: “Cái này thì, chuột cống hay chuột đồng thì mình không có căn cứ nào, vì chuột đồng thì dân gian vẫn ăn. Chuột cống cũng không có ai có quy định là không được ăn, chỉ nói là nó có một số mầm bệnh thôi chứ mình cũng không biết thế nào được. Mình có khẳng định được đâu là chuột đồng, đâu là chuột cống. GS thì biết chứ bọn anh chỉ quản lý chất lượng thôi, ăn cái này thì bị gì, nhiễm độc gì. Thôi để nông nghiệp họ nói cho sâu”.

Vâng, tóm lại là chưa ai quản lý cả và cũng chưa biết sắp tới sẽ phân công việc này cho đơn vị nào. Cảnh sát môi trường, hay quản lý thị trường, hay ngành nông nghiệp, hay là ngành thú y hoặc bên y tế, bên an toàn vệ sinh thực phẩm, bên bảo vệ người tiêu dùng...? Tóm lại là bộ ngành nào sẽ quản lý món thịt chuột cống?

Dù thế nào, xin đừng có để tính mạng lương dân vô tội bị chuột cống nó tha xuống dưới cống ngầm hoặc vào các khu nhà xác.

PGS - TS Nguyễn Duy Thịnh (chuyên gia hàng đầu Việt Nam về ATTP):Rủi ro lớn nhất khi ăn thịt chuột, đặc biệt đáng sợ là chuột cống, là nguy cơ nhiễm virus dịch hạch. Đây là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành và dễ bùng phát thành dịch lớn. Bệnh nhân có dấu hiệu ở phổi, đờm loãng, bọt dính máu, thường xuất hiện tràn dịch màng phổi, biến chứng phù phổi cấp, với tỉ lệ tử vong cao.

PGS - TS Nguyễn Văn Thanh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cảnh báo:“Khi xem các clip về “đặc sản chuột cống” tôi thấy ngỡ ngàng, kinh hãi và rùng rợn. Chuột cống và chuột đồng thì cũng là chuột cả, nhưng chuột cống nó sống ở những nơi bẩn thỉu nhất, từ cống rãnh thành phố đến nhà xác, nghĩa địa... Nó như là cái kho chứa tất cả các loại mầm bệnh nguy hiểm. Chỉ cần những người làm thịt chuột thôi chứ chưa nói đến người ăn, cũng đã có thể mắc những bệnh nguy hiểm như xoắn trùng, sảy thai truyền nhiễm... Còn ăn thịt chuột cống, thì dù chế biến bằng bất kỳ hình thức nào, nó cũng là nguyên nhân gây ra rất rất nhiều bệnh nguy hiểm cho người ăn và cả xã hội”.

Trần Ích - Tâm Am (báo Lao động)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chốt lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các ngày lễ năm 2025
5 giờ trước Sự kiện
Công chức, viên chức được nghỉ Tết Nguyên đán 2025 từ ngày 25.1 - 2.2.2025 (26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến mùng 5 tháng giêng năm Ất Tỵ).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thịt chuột cống chạy lên bàn tiệc, trách nhiệm thuộc về ai?