Chiều 6.4, hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Sửa toàn bộ nội dung về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội

Hoài Lam | 07/04/2023, 06:30

Chiều 6.4, hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Cơ chế thu hồi đất phải giải quyết được các điểm nghẽn

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi toàn bộ nội dung của điều 75 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện an sinh xã hội.

ha-4.jpg
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu

Phó thủ tướng Hà cho biết, dự thảo luật đã làm rõ khái niệm thế nào là vì lợi ích kinh tế quốc gia, công cộng. Trong đó, liệt kê quy định các trường hợp thu hồi đất đối với các công trình công cộng, từng lĩnh vực thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật sự cần thiết khác như dự án nhà ở xã hội, công trình xã hội hóa, dự án đầu tư cho lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao và những lĩnh vực thiết yếu.

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Phó thủ tướng nêu rõ giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án thu hồi, tái định cư.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng cơ chế thu hồi đất trong dự thảo luật phải giải quyết được những vướng mắc, điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng và triển khai dự án hiện nay để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

“Để tạo động lực phát triển thương mại, dịch vụ thì phải phát triển đô thị, đẩy mạnh đô thị hóa, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý đô thị, hình thành và những khu đô thị, các dự án thương mại - dịch vụ mang tầm quốc tế và đủ sức cạnh tranh quốc tế. Muốn làm được điều đó phải có cơ chế thu hồi đất, triển khai dự án thuận lợi. Do đó, tôi cho rằng cần phải xác định rõ các dự án đô thị, dự án thương mại - dịch vụ, các dự án có quy mô sử dụng đất từ bao nhiêu hecta trở lên”, ông Thắng nói.

Ngoài các trường hợp quy định Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Thắng đề xuất những dự án đô thị, dự án thương mại - dịch vụ với quy mô sử dụng đất từ 100ha trở lên nên giao để Nhà nước thu hồi đất chứ không thực hiện cơ chế thỏa thuận. Nếu thực hiện thỏa thuận thì cần có cơ chế kiểm soát việc thỏa thuận này.

thang.jpg
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) phát biểu

Đại biểu Thắng cũng nêu rõ Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm lợi ích cuộc sống và sinh kế của người dân khi họ bị thu hồi đất. Song người dân cũng phải có nghĩa vụ nhường đất cho các dự án để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước. Điều đó cũng thể hiện rõ nguyên tắc hiến định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, người dân được giao quyền sử dụng và được thực hiện một số quyền của người sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Thiếu quy định về điều tiết giá trị tăng thêm từ đất

Đại biểu Lê Thị Song An (Long An) nhận xét, tại khoản 10 điều 14 của dự thảo quy định "Nhà nước quyết định chính sách thu, chi tài chính về đất đai, điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và thực hiện chính sách hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi".

Khẳng định quy định này là rất phù hợp, song đại biểu cho rằng so với các chính sách tài chính về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thu thuế sử dụng đất… đã được quy định khá đầy đủ và rõ ràng, thì chính sách, pháp luật đất đai hiện hành lại chưa có các quy định cụ thể để điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất đối với từng loại dự án bị tác động bởi các yếu tố đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng, quy hoạch hay chuyển mục đích sử dụng đất.

“Những người dân bị di dời được bồi thường đôi khi không thỏa đáng, mất việc làm, sinh kế bị ảnh hưởng và hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ dự án do bị di dời, trong khi đó giá trị đất đai của các hộ dân không bị di dời có giá trị tăng thêm rất lớn. Tuy nhiên, Nhà nước chưa có những quy định điều tiết phần giá trị tăng thêm này để chia sẻ lợi ích với các bên, nhất là đối với người có đất bị thu hồi thuộc diện phải di chuyển”, đại biểu An nhấn mạnh.

song-an.jpg
Đại biểu Lê Thị Song An (Long An) phát biểu

Vì vậy, bà An đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể cách thức xác định phần điều tiết giá trị tăng thêm từ đất hoặc giao cho Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết, cụ thể để tăng tính khả thi của quy định trong thực tế.

Đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) đề cập về trách nhiệm của Nhà nước đối với người sử dụng đất tại khoản 1,2,3 điều 16 của dự thảo luật với 13 nhóm trách nhiệm và cho rằng chưa đảm bảo đầy đủ theo chức năng quản lý đất đai của cơ quan nhà nước.

Do đó, đại biểu Lềnh đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân trong việc ký, đo đạc, làm thủ tục hồ sơ đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nông thôn.

lenh.jpg
Đại biểu quốc hội Sùng A Lềnh (Lào Cai) phát biểu

Về quy định các hành vi bị nghiêm cấm của cơ quản quản lý nhà nước gồm 13 nhóm hành vi tại điều 12, qua nghiên cứu, đại biểu Sùng A Lềnh nhận thấy quy định như vậy chưa đủ, chưa đảm bảo được các hành vi xảy ra sai phạm có thể xảy ra trong thực tiễn.

Do đó, đại biểu Lềnh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và bổ sung đầy đủ các hành vi bị nghiêm cấm đối với cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, đảm bảo chặt chẽ, không để kẽ hở, khoảng trống mà các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sửa toàn bộ nội dung về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội