Cả nước thiếu gần 107.000 giáo viên các cấp học. Đó là thông tin được Bộ GD-ĐT đưa ra trong cuộc hội thảo ngày 25.10.
Thiếu hơn trăm nghìn giáo viên
Trong cuộc hội thảo về bố trí giáo viên và xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Bộ GD-ĐT tổ chức, bộ đã thông tin cả nước thiếu gần 107.000 giáo viên các cấp học, trong đó bậc mầm non thiếu nhiều nhất 44.000 giáo viên, đặc biệt các giáo viên ở các tỉnh vùng núi xa xôi.
Theo Bộ GD-ĐT, nguyên nhân là từ năm 2015 trở về trước, nhiều địa phương có tỷ lệ giáo viên/lớp thấp do chỉ tiêu biên chế được giao chưa đủ định mức, bậc tiểu học triển khai chương trình dạy học 1 buổi/ngày nên giao biên chế chỉ 1 - 2 giáo viên/lớp.
Trao đổi với báo chí về tình trạng thiếu hụt giáo viên trầm trọng, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng vụ giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cho rằng trước đây khi triển khai chương trình giáo dục theo Quyết định 16/2006 đã xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. Đến nay, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 với các môn học mới khiến nhân sự càng khó khăn hơn. Trong đó, các môn học không thay đổi tên gọi so với chương trình cũ đều giữ nguyên hoặc giảm nhẹ số tiết nên không xáo trộn về nhân sự. Cơ cấu giáo viên biến động ở các môn học mới đòi hỏi sự chủ động rà soát, bố trí đội ngũ tại mỗi đơn vị. Nhiều người cho rằng chương trình mới đòi hỏi sự phối hợp kiến thức tạo tâm lý khó khăn cho giáo viên khiến nhiều giáo viên dễ nản. "Về tổng thể chương trình, giáo viên thực hiện số tiết dạy ít hơn so với trước đây nên không thể nói là chương trình nặng hơn. Mấu chốt vấn đề nằm ở việc phân bổ, sắp xếp thời khóa biểu cho từng môn học" - ông Thành nói.
Ông Thành cũng cho rằng, ngành cần thay đổi nhận thức giáo viên mới có thể triển khai được các chương trình mới. Hiện nay, có tình trạng thời khóa biểu ở nhiều trường thay đổi liên tục, gây khó cho cả người dạy lẫn người học do chia đều thời lượng các môn học cho 35 tuần/năm học, chỉ cần một môn học thay đổi số tiết sẽ xáo trộn toàn bộ thời khóa biểu của học sinh. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông 2018 không quy định số tiết dạy theo tuần mà “khoán” thời lượng môn học theo năm, giao quyền chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cho các trường. Vì vậy, việc triển khai môn học ở cùng thời điểm mỗi trường sẽ khác nhau.
Bộ GD-ĐT đang đề nghị các địa phương tập trung giải quyết như đặt hàng các trường sư phạm đào tạo giáo viên, bồi dưỡng các giáo viên nguồn. Các trường cũng cần sắp xếp lại hệ thống trường lớp, giảm trường học có quy mô nhỏ, xây dựng trường nhiều cấp học. Các đơn vị cần xã hội hóa giáo dục ở những nơi đủ điều kiện, đẩy mạnh bố trí giáo viên liên trường, liên cấp nhằm tháo gỡ khó khăn về đội ngũ. Song song đó, mỗi cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh cơ chế tự chủ, khẩn trương tuyển dụng giáo viên còn thiếu so với biên chế được giao.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc giảng dạy, một phần giáo viên muốn nghỉ việc do các chính sách đãi ngộ chưa được xứng đáng. Những vấn đề khen thưởng nhà giáo cũng chưa được quan tâm đúng mức, tránh chế độ cào bằng. Đặc biệt sẽ nghiên cứu giảm gánh nặng cho nhà giáo, bảo đảm nhà giáo được yên tâm cống hiến hết mình cho việc giảng dạy và giáo dục con người.
Gian nan tuyển dụng
Việc tuyển dụng giáo viên ở các tỉnh thành đang gặp khó, càng khó khăn hơn ở các tỉnh miền núi, vùng xa, hải đảo... Việc tuyển dụng đã khó, ngành giáo dục lại đối mặt với các vấn đề về giáo viên nghỉ việc hàng loạt.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các giáo viên ở vùng khó khăn chịu rất nhiều thiệt thòi so với các giáo viên ở thành thị. Ngoài chế độ tiền lương, phụ cấp, cần tính toán đến việc xây nhà ở công vụ cho thầy cô, tạo điều kiện thuận lợi luân chuyển sau một thời gian công tác nếu giáo viên có nhu cầu bởi nhiều thầy cô phải gửi con cho ông bà trông để lên miền núi, vùng xa dạy học. Việc ổn định, chăm sóc sức khỏe cũng như toàn bộ các sinh hoạt phí cũng là một phần gây tình trạng thiếu giáo viên. Ngành giáo dục cần tạo điều kiện cho nhà giáo công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận đầy đủ về chính sách, có các hỗ trợ đặc thù để thu hút nhà giáo về công tác.
Hiện nay áp lực đối với các giáo viên được chú ý nhiều, khi đồng lương eo hẹp, cơ chế chưa đủ và hàng loạt các vấn đề liên quan đè nặng khiến nhiều học sinh, phụ huynh e dè khi cho con họ theo học ngành sư phạm. Bà Lê Thị Tú Anh - giáo viên Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) chia sẻ rằng nhiều đồng nghiệp dạy các bộ môn, trước yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các giáo viên có thêm nhiều áp lực hơn và phải tìm hiểu, học hỏi nhiều hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi ngày đến lớp thầy cô cũng có phần lo lắng khi nhiều câu chuyện bạo lực học đường do một bộ phận phụ huynh, học sinh gây ra với giáo viên hay học sinh đánh nhau cũng khiến thầy cô băn khoăn, lo lắng. Trong khi đó, đời sống giá cả leo thang, lương chưa tăng giá đã tăng khiến việc đảm bảo cuộc sống gia đình để yên tâm đứng lớp cũng là một vấn đề nếu không có sự trợ giúp của người thân. "Ngay cả học sinh của tôi dù đang đi dạy ở các huyện miền núi, các em cũng rất trăn trở với hàng loạt áp lực cộng với chế độ đãi ngộ chưa hợp lý. Lại thêm việc chỉ tuyển dụng giáo viên trong tỉnh khiến nhiều khi khó khăn lại càng thêm khó, dù giờ đây ngành giáo dục có thay đổi nhưng “nút thắt” về thực trạng thiếu giáo viên vẫn còn nhiều vấn đề bàn cãi. Thậm chí nhiều giáo viên còn cho biết nếu phải dạy hết các môn trong môn tích hợp thì các bạn ấy thà nghỉ việc vì không thể biết hết các môn để dạy sao cho đúng và đảm bảo chất lượng".
Ở bậc THPT đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường liên tục thiếu giáo viên mỹ thuật, âm nhạc, tin học... Nhiều trường đã rối rắm khi thực hiện các tổ hợp môn, do việc thiếu giáo viên nên nhiều trường đã chọn phương án không triển khai ngay từ đầu để học sinh quyết định. Theo PV tìm hiểu, trước đây giáo viên tiếng Anh thường được các trường thuê theo hợp đồng, xã hội hóa có sự đóng góp của phụ huynh nhưng nay khi môn tiếng Anh đã trở thành môn học chính bắt buộc từ lớp 3 với 4 tiết/tuần thì nhà trường cần tuyển dụng giáo viên dạy tiếng Anh nhưng kinh phí lấy từ đâu để thu hút thì là cả một vấn đề nan giải.
Bên cạnh đấy, các địa phương đang đối mặt với một nguyên nhân lớn là ngành giáo dục cũng như các ngành khác theo quy định, đến năm 2026, các địa phương phải tinh giản 10% biên chế. Việc tuyển dụng đã khó khăn giờ lại đến cắt giảm biên chế khiến các trường khó càng thêm khó.
Ở tỉnh Đắk Nông, hiện nay việc thừa-thiếu giáo viên cục bộ vẫn diễn ra. Địa phương này đang có hơn 160.000 dân di cư tự do, việc tăng dân số cơ học tạo áp lực rất lớn cho tỉnh. Dù đang thiếu giáo viên nhưng tỉnh vẫn phải thực hiện tinh giản 10% biên chế, đã thiếu giáo viên nay càng thiếu hơn. Ngành giáo dục cần có cơ chế đặc thù cho các tỉnh vùng núi, vùng cao, việc tinh giản biên chế cần phải được rà soát thực tế thì địa phương mới quyết định được nguồn tuyển giáo viên cho các trường.
Tình trạng thiếu giáo viên ở tất cả các cấp học đang khiến ngành giáo dục phải chắp vá nguồn lực để bảo đảm có giáo viên dạy đủ tiết. Đây cũng chính là điểm nghẽn trong giáo dục mà không chỉ ngành giáo dục lo giải quyết mà cần sự vào cuộc của các ban ngành khác.