Theo BBC, trạm không gian Thiên Cung 1 của Trung Quốc đã rơi xuống vùng khí quyển của Trái đất vào 0h15 giờ GMT sáng nay, tức khoảng hơn 2 tiếng trước theo giờ VN.
Các nguồn tin từ cơ quan nghiên cứu của Mỹ và Trung Quốc đều cho biết trạm Thiên Cung va chạm với bầu khí quyển ở phía trên vùng nam Thái Bình dương.
Nhà thiên văn học Jonathan McDowell còn cho biết chính xác hơn vụ va chạm ở phía tây bắc quần đảo Tahiti. Theo thông tin ban đầu thì trạm Thiên cung đã bị đốt cháy hầu hết các bộ phận do ma sát với bầu khí quyển.
Việc Thiên Cung rơi không tạo ra hậu quả đáng tiếc là điều được dự báo trước. Ngay khi xuất hiện những lo ngại về “vụ va chạm”, cơ quan không gian Trung Quốc cho biết: "nó sẽ không đâm vào Trái Đất một cách tàn khốc như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, thay vào đó là một cơn mưa sao băng tuyệt vời dưới bầu trời đầy sao khi nó trở về Trái Đất". Các nhà khoa học cũng tính toán rằng xác suất để một người bị thương bởi mảnh vỡ của Thiên Cung là 1 phần 1.000 tỉ, thấp hơn cả xác suất bị sét đánh.
Tuy nhiên, việc rơi Thiên Cung cũng khiến dư luận quan tâm hơn đến việc bảo vệ trái đất khỏi rác thải từ vũ trụ, đặc biệt là việc kiểm soát các vệ tinh có kích thước lớn. Năm 2011, Trung Quốc phóng trạm không gian thí nghiệm Thiên Cung 1 vào vũ trụ, nhưng vào năm 2016 trạm này bị mất kiểm soát được và quay với quỹ đạo giảm dần độ cao. Cuối cùng nó cũng trở thành cát bụi và trở về đất mẹ.
A.T