Ngay sau khi Hà Nội công bố điểm chuẩn vào các trường công lập, nhiều phụ huynh có con em không thi đỗ vào các trường đã đăng ký vội vã đi tìm trường ngoài công lập cho các con theo học.

Thi trượt lớp 10 trường công, học sinh nên lựa chọn phương án phù hợp

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 29/06/2021, 11:19

Ngay sau khi Hà Nội công bố điểm chuẩn vào các trường công lập, nhiều phụ huynh có con em không thi đỗ vào các trường đã đăng ký vội vã đi tìm trường ngoài công lập cho các con theo học.

Sau khi các trường THPT công lập tại Hà Nội tuyển đủ chỉ tiêu, sẽ có khoảng 24.000 học sinh không trúng tuyển sẽ có hướng đi khác như vào học các trường ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học nghề.

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thùy Dương có con theo học trường THCS Ba Đình, đăng ký nguyện vọng vào trường THPT Phạm Hồng Thái cho biết: "Con gái tôi thi đạt được 41.5 điểm, tuy nhiên nguyện vọng 1 của cháu vào trường Phạm Hồng Thái lấy điểm chuẩn là 43, trong khi đó trường Tây Hồ cũng lấy 42 điểm. Biết chắc chắn là không đỗ nên tôi một mặt tìm trường dân lập cho cháu học thì cũng vẫn hy vọng với năng lực của cháu, khi phúc khảo lại cả 2 môn Toán và Văn sẽ được chấm lại tăng điểm lên, biết đâu vẫn hy vọng đỗ vào trường công lập mà cháu đăng ký".

2-12-.jpg
Các học sinh chưa trúng tuyển vào các trường công lập thì lựa chọn trường ngoài công lập hoặc trường giáo dục thường xuyên, học nghề là lựa chọn phù hợp

Không giống như chị Dương, anh Nguyễn Trung (Quận Đống Đa) cho hay con trai anh thi được 49,8 điểm. Nhưng đăng ký vào trường THPT Kim Liên, là một trường lấy điểm chuẩn cao thứ 2 tại Hà Nội. Với số điểm đó, nguyện vọng 2 của con anh ở trường khác vẫn có cơ hội vào nên anh không làm đơn phúc khảo điểm cho con nữa mà để con thực sự nhìn điểm số đó để có thể cố gắng hơn ở kỳ thi sau chính là kỳ thi tốt nghiệp lớp 12.

Bật khóc vì điểm thi của mình sát nút với trường THPT Yên Hòa, em Gia Hân (Trường THCS Cầu Giấy) cho biết bản thân em cảm thấy buồn và thất vọng với điểm số của mình, bởi lẽ với sức học của em, chỉ cần cố gắng hơn một chút nữa thì việc bản thân vào được trường THPT Yên Hòa không quá khó khăn. "Em cũng không ngờ năm nay trường Yên Hòa lấy điểm cao hơn trường THPT Cầu Giấy, đó chính là lựa chọn sai lầm của em. Em đăng ký nguyện vọng 1 ở Yên Hòa còn nguyện vọng 2 ở Cầu Giấy. Giờ điểm của em vừa vặn điểm vào Cầu Giấy thì buộc nguyện vọng 2 có số điểm phải cao hơn điểm chuẩn đưa ra, vừa trượt cả Yên Hòa, trượt cả Cầu Giấy khiến em rất buồn. Nếu như em cố gắng hơn ở bài thi môn Toán, có lẽ điểm của em đã cao hơn 0,5 điểm là có cơ hội vào trường Yên Hòa rồi. Em rất buồn với điểm số của mình".

Để giải quyết bài toán khó khăn khi có khoảng gần 30% học sinh không vào được các trường công lập, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nội thông tin, trên địa bàn Hà Nội có nhiều loại hình trường, gồm 228 trường THPT công lập, ngoài công lập; 29 trung tâm giáo dục thường xuyên và 44 trường trung cấp chuyên nghiệp, bảo đảm cho 100% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục được học tập lên cấp THPT. Trừ các trường công lập áp dụng quy định về khu vực tuyển sinh, các loại hình trường còn lại đều tuyển học sinh toàn thành phố và không yêu cầu phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Căn cứ vào điều kiện, năng lực và nguyện vọng, các em có thể đăng ký dự tuyển vào loại hình trường phù hợp và cần chú ý đến phương thức, thời gian nhận hồ sơ để không lỡ cơ hội trúng tuyển tốt nhất.

Cũng chia sẻ về trường học ngoài công lập trong nội thành, ông Nguyễn Viết Cẩn - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, nhà trường áp dụng phương thức xét học bạ 4 năm học cấp THCS, với 270 chỉ tiêu. Những học sinh chưa tham dự kỳ thi lớp 10 trường công lập hoặc không đủ điều kiện xét tuyển (do dự thi thiếu môn hoặc vì lý do khác) đều có cơ hội dự tuyển vào trường.

khoc.jpg
Nhiều học sinh bật khóc khi biết điểm số của mình đã không vào được trường THPT đã đăng ký trước đó

Học sinh ở khu vực ngoại thành cũng có nhiều lựa chọn vì trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 3 trường THPT ngoài công lập là Đặng Tiến Đông, Ngô Sỹ Liên, Trần Đại Nghĩa với tổng cộng 855 chỉ tiêu. Ông Nguyễn Quang Chung - Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sỹ Liên cho biết những năm gần đây, chất lượng giáo dục của trường không ngừng nâng cao, nhiều học sinh đã đỗ đại học top đầu.

Đưa ra lời khuyên với các học sinh chưa trúng tuyển vào các trường công lập, cô Trần Thị Thanh - trường THPT Chu Văn An cho biết năm nay đề thi khá dễ, nhiều thí sinh đạt điểm cao nên chiều hướng tăng điểm chuẩn của các trường là đương nhiên. Chính vì thế học sinh cũng như phụ huynh cần có tâm lý vững vàng, với điểm chuẩn các trường đưa ra nếu không đạt theo yêu cầu cũng đừng thất vọng mà nên lựa chọn các trường vừa năng lực hơn để các con theo học, tập trung cho việc hoàn thành 3 năm cấp 3 đạt được những mục tiêu của chính mình.

Trước đó, trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng việc trượt cấp 3 học sinh nên coi đó là bài học kinh nghiệm của mình để cố gắng hơn nữa với các kỳ thi tiếp theo. Còn với những thí sinh không có nguyện vọng theo học tiếp lên đến trình độ đại học, học nghề theo mô hình 9+ đang là một ngã rẽ phù hợp với nhiều gia đình có điều kiện kinh tế không mấy khá giả. Tại hầu hết trường trung cấp hay cao đẳng hiện đều đã triển khai hệ đào tạo này. Rõ ràng, THPT không phải là con đường duy nhất bởi vẫn còn có những cánh cửa khác đang mở ra cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mỗi gia đình cần hiểu đúng năng lực của con em mình, mức độ hỗ trợ của phụ huynh để quyết định mở cánh cửa nào phù hợp nhất cho tương lai các em. "Nhiều cánh cửa mở ra khi các em vấp ngã ở kỳ thi cấp 3 này, nhưng đó cũng là kinh nghiệm và bài học cho các em học sinh cần cố gắng hơn nữa cho việc học của mình" - thầy Tùng Lâm chia sẻ.

Chấp nhận một khoản đóng học phí cao hơn nhiều so với trường công lập, nhưng nhiều phụ huynh cho rằng đây là một điều hoàn toàn xứng đáng và đáng để đầu tư. "Học tại trường dân lập không phải là điều quá kinh khủng mà ở đó các con sẽ được học các kiến thức, kinh nghiệm sống không thua kém gì so với các trường công lập. Thậm chí còn có cách học ngoại ngữ tốt hơn, điều vấp ngã của các con ở thời điểm này vẫn có cơ hội để sửa chữa nên tôi khuyến khích các con vào trường dân lập nếu học lực của mình không đạt. Để kỳ thi sau các con tự chủ, tự tin hơn để thi tiếp kỳ thi quan trọng, đánh dấu bước ngoặt của cuộc đời mình" - anh Hùng Long - một phụ huynh ở quận Thanh Xuân vui vẻ cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
một giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thi trượt lớp 10 trường công, học sinh nên lựa chọn phương án phù hợp