Ngày 5.6, tại cuộc họp giữa Bộ GD-ĐT với 63 Sở GD-ĐT trên cả nước, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thông tin kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ được diễn ra vào ngày 9, 10.8 và điểm thi sẽ được công bố ngày 27.8. Các địa phương không được công bố trước hay sau thời gian đó vì liên quan đến cơ sở dữ liệu dùng chung.

Thi THPT 2020 vào hai ngày 9 và 10.8, công bố điểm vào ngày 27.8

05/06/2020, 20:15

Ngày 5.6, tại cuộc họp giữa Bộ GD-ĐT với 63 Sở GD-ĐT trên cả nước, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thông tin kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ được diễn ra vào ngày 9, 10.8 và điểm thi sẽ được công bố ngày 27.8. Các địa phương không được công bố trước hay sau thời gian đó vì liên quan đến cơ sở dữ liệu dùng chung.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT phải bảo đảm yêu cầu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng.

Trong cuộc họp vào ngày 5.6 với các Sở GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ tổ chức với 5 bài thi. Thời gian tổ chức thi trong 2 ngày là 9 - 10.8, thay vì 2,5 ngày như các năm trước. Các địa phương hoàn thiện dữ liệu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh số báo danh, xếp phòng thi, công bố thí sinh không đủ kiều kiện dự thi chậm nhất ngày 23.7. Trả giấy báo dự thi cho thí sinh chậm nhất ngày 1.8; hoàn thiện việc chuẩn bị cơ sở vật chất và các hồ sơ coi thi cho các điểm thi trước ngày 4.8. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được công bố vào 27.8.

Nội dung thi nằm trong chương trình THPT chủ yếu là chương trình lớp 12. Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm. Bài thi Ngữ văn theo hình thức tự luận. Về thời gian làm bài thi/môn thi: Ngữ văn 120 phút, Toán 90 phút, Ngoại ngữ 60 phút, 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Theo quy định của Quy chế, đề thi, hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm chưa công bố thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ "Tối mật". Riêng đề thi dự bị của bài thi tự luận chưa sử dụng được giải mật sau khi kết thúc kỳ thi. Việc ra đề thi, in sao đề thi phải được thực hiện tại một địa điểm an toàn, biệt lập và được lực lượng công an bảo vệ nghiêm ngặt suốt thời gian làm đề thi cho đến hết thời gian thi môn cuối cùng của kỳ thi, có đầy đủ phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy.

Đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt, tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi phải đảm bảo chắc chắn, phải được khoá và niêm phong (nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký trưởng Điểm thi, cán bộ thanh tra và công an), chìa khóa do Trưởng Điểm thi giữ. Khi mở niêm phong phải có chứng kiến của những người ký nhãn niêm phong, lập biên bản ghi rõ thời gian mở, lý do mở, tình trạng niêm phong.

Liên quan đến công tác thanh tra kỳ thi, Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, thanh tra của các địa phương. Trong tháng 6, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo các địa phương để thống nhất các công việc liên quan trong tổ chức kỳ thi. Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, thời gian đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm mầm non năm 2020 dự kiến từ 15 - 30.6.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị các địa phương sớm thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, trong đó phân công rõ công việc, nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng thành viên; phải tập huấn kỹ lưỡng cho nhân sự tham gia để từng thành viên đều nắm chắc nghiệp vụ chuyên môn; chú ý chọn người tham gia kỳ thi có phẩm chất, đạo đức tốt.

Về cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi, các địa phương cần lưu ý việc chuẩn bị và lắp đặt camera bảo đảm chất lượng theo quy định; tránh hiện tượng có camera nhưng không hoạt động hoặc hoạt động trục trặc.

Về công tác chấm thi, công bố kết quả thi, phân tích phổ điểm, năm nay hoàn toàn do địa phương thực hiện, cả chấm trắc nghiệm và tự luận. Do đó, các địa phương phải bảo đảm việc chấm thi phải thực hiện đúng quy trình, quy định trong quy chế thi. Cần nghiên cứu thật kỹ và dự báo những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình chấm thi. Điểm mới là năm nay thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh. Việc này giúp phát hiện ra những “điểm trũng” để có chính sách cải thiện tốt hơn, hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục.

“Kỳ thi năm nay giao cho địa phương nhưng trách nhiệm của Bộ GD-ĐT vẫn rất lớn. Đó là chỉ đạo tổ chức kỳ thi, xây dựng Quy chế, các văn bản hướng dẫn. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra; xây dựng, cung cấp đề thi cho các Hội đồng thi. Cung cấp các phần mềm phục vụ tổ chức thi dùng chung cả nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Năm nay Chính phủ giao các tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi, nên công tác thanh tra, kiểm tra cũng thay đổi. Điểm mới trong công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi năm nay là có thêm lực lượng thanh tra cấp tỉnh. Cùng với đó, năm nay dù không được huy động trực tiếp coi thi, chấm thi nhưng cán bộ, giảng viên các trường đại học sẽ có mặt trong các đoàn thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu của kỳ thi như chuẩn bị kỳ thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, chấm thi phúc khảo.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, mỗi điểm thi, tùy quy mô số lượng phòng thi, có ít nhất 3 cán bộ giảng viên đại học về thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra. Bộ GD-ĐT sẽ thể hiện rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước trong việc chỉ đạo các trường đại học tham gia công tác thanh tra, kiểm tra này. Hướng dẫn thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được ban hành trong thời gian sớm nhất.

Theo đó, kỳ thi năm nay tổ chức trong điều kiện dịch bệnh nên có những điều chỉnh nhưng vẫn đặt mục tiêu cao nhất: an toàn, nghiêm túc, khách quan. Ngoài đoàn thanh tra của bộ, tỉnh như truyền thống mọi năm, năm nay các hội đồng thi sẽ có tổng cộng 3 đối tượng cán bộ thanh tra. Việc làm này đã được tham khảo ý kiến từ Thanh tra Chính phủ nên không sai quy trình, đảm bảo đúng nguyên tắc.

Bài, ảnh: Dạ Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thi THPT 2020 vào hai ngày 9 và 10.8, công bố điểm vào ngày 27.8