Ngày 12.9 tới đây, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM sẽ diễn ra triển lãm "Lời thì thầm" của hai vợ chồng họa sĩ Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng với hàng trăm tác phẩm làm từ gốm.

Thì thầm với gốm cùng họa sĩ Ngô Trọng Văn – Nguyễn Thị Dũng

Tiểu Vũ | 10/09/2020, 16:12

Ngày 12.9 tới đây, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM sẽ diễn ra triển lãm "Lời thì thầm" của hai vợ chồng họa sĩ Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng với hàng trăm tác phẩm làm từ gốm.

Triển lãm sẽ kéo dài từ Thứ 7 ngày 12.9 đến hết ngày 21.9, mở cửa từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày, từ thứ 2 đến Chủ nhật.

Dưới đây là vài nét phác họa con đường đi đến với nghệ thuật gốm cặp vợ chồng nghệ sĩ này:

Ngô Trọng Văn – Con đường gập ghềnh với gốm

Hoạ sĩ Ngô Trọng Văn mang tới triển lãm bộ tác phẩm “Nguyệt dạ” gồm 8 tác phẩm với nhiều kích cỡ khác nhau.

“Với tôi, người phụ nữ đẹp nhất ở độ trăng tròn. Nguyệt dạ đại diện cho tính nữ, cho cái đẹp tròn trịa, dịu dàng, mềm mại, nhưng đặc biệt là luôn ẩn chứa những câu chuyện đầy tính thân phận, nỗi cô đơn, tính kiên nhẫn, sự hy sinh lặng thầm. Phụ nữ như bông hoa quỳnh không dễ phô diễn, lúc nở đẹp nhất, toả sáng nhất lại rơi vào những thời khắc ngặt nghèo hoặc những bối cảnh, không gian éo le, vẻ đẹp rực rỡ ấy chưa chắc đã được người đời chiêm ngắm. Nhưng cũng chính vì giá trị lặng thầm mà vô cùng quyến rũ đó, tính nữ luôn giữ một quyền lực mềm khiến cho một nửa còn lại của thế giới không thể làm ngơ” – Ngô Trọng Văn tự sự.

8 tác phẩm trong bộ “Nguyệt dạ” là sự thể hiện ý niệm hoàn chỉnh về tính nữ trong quan niệm của Ngô Trọng Văn, có những khoảnh khắc thanh xuân tươi trẻ, có cả thời khắc người phụ nữ mang bầu.

Mặc dù ý niệm về tính nữ được thể hiện đậm nét trong “Nguyệt dạ” nhưng với bộ tác phẩm này, Ngô Trọng Văn đã tìm được một cách thể hiện khác biệt, mới mẻ về ngôn ngữ hình khối chứ không phải chỉ là những vuốt ve mềm mại dáng nét phụ nữ thông thường.

Ngô Trọng Văn xuất thân đã là sinh viên theo học ngành gốm, nhưng đi làm gốm cực quá, cuộc sống với gánh lo cơm áo gạo tiền cuốn trôi khiến Văn bỏ gốm đi học thiết kế thời trang, mở công ty, rẽ hướng hoạt động.

Nhưng sau mấy năm thử sức trong lĩnh vực khác, bên trong Văn vẫn đau đáu nỗi niềm với ngôn ngữ của hoả biến. Và cuối cùng, anh không thoát được khỏi niềm đam mê với đất, với lửa.

Ngô Trọng Văn bên tác phẩm "Mơ hoa"

Đồng hành trong gia đình nhỏ cùng Ngô Trọng Văn là một hoạ sĩ gắn bó với gốm trên hai mươi năm Nguyễn Thị Dũng. Nguyễn Thị Dũng nổi tiếng là không chịu thất bại, cho dù nghiên cứu quá nhiều và cũng không ít lần bật khóc vì không đón được tác phẩm ra lò.

Thấy vợ miệt mài say sưa, trái tim "rừng rực" lửa gắn bó với hình khối, với những cánh hoa gốm nối nhau nở ra sáng rực sau mỗi mẻ nung, sợi dây rung cảm đã truyền vào sâu thẳm trong Ngô Trọng Văn những cảm xúc thổn thức với gam màu, hình khối, thách thức qua từng mẻ nung đã kéo anh trở lại cùng đam mê thuở trước.

Vậy là Ngô Trọng Văn quyết định quay lại với gốm kể từ năm 2014, hai vợ chồng cùng đầu tư mua lò nung, thuê xưởng, mỗi người mỗi góc miệt mài suy tư với gốm.

“Hạt trời” màu nâu, có màu sắc của hạt cà phê Tây Nguyên, có hình dáng của tượng gỗ Tây Nguyên, nặng khoảng 100 kg, kích cỡ gần bằng người thật, sức một người không thể bê nổi.

Bức tượng gốm sần sùi khắc khổ mà lúc nung xong nhiều thợ gốm cứ lắc đầu tưởng là sản phẩm hỏng, họ không biết rằng Ngô Trọng Văn đã tính toán hết cho những lớp đất sần sùi sau nung, vỡ toác ra màu nâu của đất, được hoạ sĩ mang về kỳ cạch hoàn chỉnh tác phẩm ở công đoạn mài đi nhiều khúc quanh, nhiều đồi núi, thung lũng, với rất nhiều “địa hình” hiểm trở.

“Cuộc sống là vậy. “Hạt trời” được gieo xuống, thì cho dù đất đai màu mỡ hay khô cằn đá sỏi hạt cũng phải nảy mầm, phải vươn lên, đón ánh sáng, chiến đấu với tất cả các thế lực xung quanh để sinh tồn” – Ngô Trọng Văn chia sẻ.

Ngoài ra, Ngô Trọng Văn còn mang đến triển lãm những tác phẩm khác như “Nữ hoàng”, “Hề xiếc” (Bộ 2 tác phẩm)…,

Ngô Trọng Văn chia sẻ: “Khá đáng tiếc là hôm đi xin phép triển lãm thì quên không gửi ảnh tác phẩm nên bị bỏ lỡ mất tác phẩm “Nhịp trầm” không mang đến giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật”.

Khác với “Nguyệt dạ” tôn vinh tính nữ, “Nhịp trầm” là một tác phẩm đầy tính tự sự nam tính, giống như cách nghĩ, lối ứng xử, đường đi nước bước đầy trầm tĩnh của một người đàn ông.

Mỗi tác phẩm gốm đều phải trải qua quy trình từ lúc nặn, chờ khô, đem nung qua lửa, mất vài tháng liền.

“Có sáng tác sử dụng men sâu nhiều màu, khi ra lò, tác phẩm phồng lên tùm lum, nổ như bọt xà phòng, phải thêm công đoạn mài sẽ ra hiệu ứng khác. Thậm chí mài xong, có thể nung lại lần 2, rồi lại mài tiếp. Như bộ 8 tác phẩm “Nguyệt dạ” là nung tới 3 lần. Để hoàn thiện một tác phẩm, phải mất tới vài tháng” – Ngô Trọng Văn chia sẻ.

Ngô Trọng Văn - Nguyễn Thị Dũng bên tác phẩm "Mộng dưới hoa"

Nói về 4 chiếc bình gốm cỡ cực lớn, trong đó có 2 chiếc sáng tác chung với vợ, Ngô Trọng Văn kể: “Lần đó đi trại sáng tác, hai vợ chồng đăng ký làm bình cỡ lớn vì chỉ có ở không gian đó mới có đủ điều kiện và có lò để nung tác phẩm cỡ lớn như vậy. Nhưng đáng tiếc là chiếc bình đầu tiên nung xong vỡ vụn thành hàng trăm mảnh nhỏ. Đứng nhìn đống mảnh vỡ, vừa tiếc, vừa nản. Nhưng cuối cùng, hai vợ chồng cùng quyết chí làm lại. Và để chắc ăn thì làm luôn một cặp. Cả hai lao vào làm điên cuồng để kịp thời gian. Cuối cùng, thật may mắn là thành phẩm tuyệt đẹp được đón ra lò”.

Cặp bình gốm men cỡ lớn (112x55) là công sức sáng tạo chung của cả hai vợ chồng họa sĩ Ngô Trọng Văn – Nguyễn Thị Dũng được đặt tên là “Mộng dưới hoa” và “Mơ hoa”.

Nguyễn Thị Dũng – Niềm đam mê rực cháy

Ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2020, hoạ sĩ Nguyễn Thị Dũng và Ngô Trọng Văn đã cùng tham gia triển lãm “Gốm Sài Gòn” 2020 (từ ngày 4.1 đến hết ngày 15.1.2020) với hàng trăm tác phẩm khoe vẻ độc đáo ngôn ngữ của hỏa biến cùng với 5 hoạ sĩ khác đến từ nhiều vùng miền.

Nguyễn Thị Dũng mang tới triển lãm hồi đầu năm khoảng 20 tác phẩm, trong đó serieMầm xanhđã được Dũng sáng tác trong các năm 2017-2018; serie chủ đềNhững đóa hoa nẩy mầm(hoa Cúc, Cúc mẫu tử, Mẫu đơn…) được sáng tác năm 2019 và chủ đề hoa trái của năm 2020 gồm cóHoa và trái bưởi, Hoa và trái chuối, Mùa xuân

Với triển lãm “Lời thì thầm” lần này (từ 12.9 đến hết ngày 21.9.2020), Nguyễn Thị Dũng mang tới thêm vài chục bộ tác phẩm gốm, mỗi bộ là hàng chục tác phẩm khác nhau.

Thế mạnh men, màu và tính sáng tạo liên tục đã khiến Nguyễn Thị Dũng nổi bật trong việc đưa các sản phẩm gốm thông dụng trở thành những tác phẩm nghệ thuật. Đồng thời, tác phẩm nghệ thuật gốm của Dũng luôn mang tính hữu dụng thực tế, phải sử dụng được chứ không phải chỉ để trưng bày.

Nguyễn Thị Dũng bên tác phẩm Bình mẫu đơn tím

Chẳng hạn như những chiếc bình trà, được Nguyễn Thị Dũng đánh giá là khó nhất trong các kỹ thuật gốm, vì phải nhanh, nhất quán, không được bỏ qua các “giai đoạn vàng” trong chế tác. Màu sắc của ly, bình trà, tống, khay… phải thống nhất. Đã vậy, hoạ sĩ muốn làm bình trà phải có cảm xúc rất nhiều đủ thăng hoa để gửi gắm vào từng bộ tác phẩm.

Khó vậy, nhưng Nguyễn Thị Dũng đã tự nâng mức thách thức bản thân lên rất cao. Chỉ trong một năm, Dũng làm tới vài trăm bộ bình trà. Triển lãm “Lời thì thầm” lần này, Dũng sẽ giới thiệu khoảng 10 bộ.

Đặc biệt, chiếc bình trà kiểu cổ không cho nước vào từ bên trên mà lật đáy bình lên để châm nước đã được Nguyễn Thị Dũng nghiên cứu, chế tác thành công.

Nguyễn Thị Dũng miệt mài nặn từng cánh hoa

Hoạ sĩ kể: “Hồi đầu những người chơi đồ cổ cho Dũng xem ảnh, nghe họ tả hoài nhưng vẫn không hiểu phải làm thế nào. Lúc đầu chế tác thử, chỉ có cái quai ấm thôi cũng phải cắt gọt 2 ngày mới xong, nghĩ cực quá mà đến lúc vào lò nung xong, thành phẩm nhìn thì đẹp mắt nhưng không xài được vì cái vòi nó bị bít. Dù đã hỏng đến vài lần nhưng tôi không nản, mà ngưng lại để suy nghĩ. Tôi không chịu thua. Nghĩ cho chín rồi mới làm lại, và những lần gần đây đã thành công rồi. Bình châm trà mẫu xưa độc đáo hoàn toàn có công dụng thực sự”.

Quá trình hỏa biến mang lại điểm độc đáo của tác phẩm gốm và tác động đến cảm xúc của người nghệ sĩ...

“Tính tôi, chỉ thích làm đồ khó. Nhất là màu và men, người khác thì lúc được lúc không nhưng tôi có thể kiểm soát màu rất tốt. Phải để tác phẩm trong một phòng riêng, chờ khô tự nhiên trong 2-3 tháng, đạt đủ độ ẩm mới bắt đầu làm men. Làm bộ tác phẩm hoặc hai bộ thì phải đợi đủ bộ mới chuyển đi nung. Tôi thường làm rất nhiều màu men, lúc dày lúc mỏng, có độ đậm nhạt khác nhau, nếu nung các mẻ khác nhau thì màu men sẽ không đều, nên có những bộ tác phẩm phải chờ nhau từ đầu năm đến cuối năm mới được chuyển đi nung” – Họa sĩ Nguyễn Thị Dũng cho biết.

Nguyễn Thị Dũng - Ngô Trọng Văn tại lò gốm

Họa sĩ cho biết cảm giác rất thú vị mỗi lần đốt lò và ra lò gốm, nên dù rất mệt nhưng vẫn bị đam mê gốm kích thích khám phá, trải nghiệm.

“Nhiều bộ tác phẩm có hàng ngàn cánh hoa, hai tác phẩm là 2.000 cánh hoa, tôi phải làm việc liên tục cả ngày cả tối, kéo dài 6 tháng mới xong một bộ tác phẩm, nắn từng cánh, rồi đập, xong 1.000 cánh hoa muốn… rụng tay luôn. Làm xong một bộ tác phẩm là bị trật khớp, phải nghỉ đến cả tháng cái tay mới có thể hoạt động trở lại” – Nguyễn Thị Dũng kể.

Không phải lúc nào cũng có thể thành công. “Hồi hai vợ chồng quyết định cùng làm chung chiếc bình lớn đầu tiên, mất tới nửa tháng sáng tác, đến lúc vào lò nung, nó bể thành hàng trăm mảnh luôn, trời ơi, buồn gì mà buồn đến não cả ruột. Nản mất … 1 ngày. Đến chiều lại quyết định làm lại. Lần này thì làm luôn hai cái. Mà tôi lạ lắm, hễ cứ thấy đất là … mê tơi luôn, lao vào làm không cần ăn, khỏi cần ngủ, quên mất tiêu chuyện cái bình trước đó mới bể tanh bành. Đó chính là bộ bình “Mơ hoa” và “Mộng dưới hoa” – Nguyễn Thị Dũng trải lòng.

Nói về những tác phẩm sáng tác chung, Nguyễn Thị Dũng kể: “Anh Văn tạo hình và bố cục còn tôi thì làm bông, hoa và màu men. Khó khăn nhất với một tác phẩm làm chung là hai người phải đồng thuận được trong nội dung câu chuyện chuyển tải vào tác phẩm. Thật vui vì “đứa con chung” của hai vợ chồng đã lấy được những điểm mạnh nhất từ cả hai người”.

Tiểu Vân
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thì thầm với gốm cùng họa sĩ Ngô Trọng Văn – Nguyễn Thị Dũng