Sau 10 ngày các trường ĐH nhận hồ sơ xét tuyển và công bố danh sách thí sinh trên mạng, nhận thấy cơ hội trúng tuyển không cao, từ cuối tuần qua thí sinh ào ạt rút hồ sơ khỏi các trường tốp trên.
Điểm cao vẫn có nguy cơ rớt
Hiện ở nhiều trường số thí sinh (TS) nộp hồ sơ cao hơn chỉ tiêu tuyển rất nhiều. Ở một số ngành “nóng”, hàng loạt TS có điểm cao nhưng đang trong tình trạng… rớt tạm thời.
Trường ĐH Sài Gòn nhận được hơn 7.000 hồ sơ mà chỉ tiêu cần tuyển cả bậc ĐH và CĐ là 4.000. Đặc biệt, một số ngành số TS nộp hồ sơ gấp cả chục lần so với chỉ tiêu như: sư phạm toán trên 400 hồ sơ/40 chỉ tiêu, kế toán trên 1.700/350, ngôn ngữ Anh trên 2.000/250… Chỉ tính riêng ngành ngôn ngữ Anh xét tuyển theo tổ hợp toán, văn và tiếng Anh đã có 214 TS đạt từ 29,5 điểm trở lên (đã nhân hệ số). Trong khi đó, chỉ tiêu cần tuyển với tổ hợp này chỉ 190, có nghĩa hàng loạt TS có tổng điểm từ mức này trở xuống không có khả năng trúng tuyển.
Theo số liệu thống kê của Trường ĐH Y Dược TP.HCM cuối tuần qua, ngành bác sĩ đa khoa hiện có 383 TS đạt từ 27,25 điểm trở lên (chỉ tiêu 400 chưa trừ diện cử tuyển, dự bị và tuyển thẳng). Theo danh sách này, hiện có gần 60 TS có tổng điểm rất cao (trung bình 9 điểm/môn) chưa chắc trúng tuyển vào ngành này.
Tương tự, Trường ĐH Cần Thơ đến ngày 9.8 đã nhận được khoảng 10.000 hồ sơ (so với chỉ tiêu 8.500). Một trong những ngành có hồ sơ nhiều nhất là công nghệ thực phẩm với gần 1.200 (180 chỉ tiêu). Theo đại diện nhà trường, nếu tính theo số nguyện vọng đăng ký tối đa của TS, lượng hồ sơ này đã gấp nhiều lần so với chỉ tiêu cần tuyển.
Điểm chuẩn một số ngành của ĐH Đà Nẵng sẽ cao
Tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, cho biết: Tính đến nay khối ĐH Đà Nẵng đã nhận được khoảng hơn 10.000 hồ sơ. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa nhận được nhiều nhất với 3.000 hồ sơ. Số lượng TS rút hồ sơ rồi lại nộp lại tương đối nhiều, chủ yếu thay đổi nguyện vọng hoặc thay đổi trường thành viên trong khối. Số hồ sơ rút ra để nộp sang các trường ĐH khác khoảng 300. Cũng theo tiến sĩ Quốc, năm nay điểm chuẩn một số ngành của trường sẽ cao hơn năm ngoái.
PGS-TS Lê Hoàng Nghiêm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài nguyên môi trường TP.HCM, cho hay: “3 ngành hút nhiều TS nhất là công nghệ kỹ thuật môi trường, quản lý đất đai và quản trị kinh doanh. Đa số TS đạt khoảng 17 - 20 điểm, cao nhất là 24,5 điểm. Dự đoán 3 ngành này sẽ có điểm chuẩn cao hơn năm ngoái từ 1 - 2 điểm”.
Nhiều chuyên gia cho rằng những TS chỉ ở mức 21 - 23 điểm mà nộp hồ sơ vào Trường ĐH Ngoại thương là “cầm chắc thất bại”. Bên cạnh đó, việc các trường lớn đặt ra mức điểm xét tuyển chỉ bằng ngưỡng đầu vào của Bộ làm cho phụ huynh và TS dễ ảo tưởng.
Càng về sau, điểm càng cao
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết trong những ngày gần đây TS có điểm cao nộp hồ sơ vào trường ngày càng nhiều. Ngày 8.8, có TS được 29,5 điểm nộp hồ sơ và nhiều TS khác được 28 điểm. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng vài chục TS rút hồ sơ sau khi tham khảo danh sách trường công bố, đa phần là những người có mức điểm 25 - 26. Trường này có quy định cho TS rút hồ sơ nhanh chóng trong vòng… 5 phút, TS chỉ cần trình CMND và biên nhận nộp hồ sơ là được giải quyết ngay lập tức.
Theo thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, dự kiến tuần này sẽ là cao điểm của đợt rút hồ sơ.
Ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết chỉ trong ngày 8.8 trường đã có khoảng 150 TS đến rút hồ sơ, trong khi nhiều ngày trước đó chỉ lác đác vài người.
Trường ĐH Sài Gòn đến hết chiều 8.8 cũng có trên 1.100 TS rút hồ sơ. Theo tiến sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, việc rút hồ sơ cũng diễn ra nhiều vào những ngày gần đây. Ông Sơn cho biết trường sẽ công bố mức điểm xét tuyển tạm thời ở từng ngành để TS biết khả năng đậu - rớt, thuận tiện cho việc rút hồ sơ để nộp vào trường khác.
Cũng trong 2 ngày qua, số TS đến rút hồ sơ tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhiều hơn. Tổng số TS rút hồ sơ tại trường là 50 người, chưa kể khoảng 200 trường hợp khác điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.
Nhiều chuyên gia nhận định sắp tới các trường cần phải chuẩn bị tâm lý: Nếu có hàng trăm TS rút hồ sơ, các trường có thể bị “vỡ trận”.
H.Ánh - Đ.Nguyên - M.Quyê