Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, mức mở rộng tín dụng của Trung Quốc trong năm 2017 khoảng 12%, con số này trên thực tế thấp hơn đáng kể so với mức độ mở rộng tín dụng của nước này trong 2 năm trước đó là 14,4% và trên 15%, chủ yếu do những lo ngại về sự an toàn của nợ cũng như nguy cơ khủng hoảng tài chính.
Kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc vừa kết thúc vào ngày thứ Tư 15.3.2017 có vẻ như đã không đưa ra được thông điệp tích cực nào có thể giảm bớt những lo lắng về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Gánh nặng nợ nần của Trung Quốc dường như đang gia tăng đáng kể, khi Thủ tướng Lý Khắc Cường để đảm bảo đạt được mức tăng trưởng mục tiêu là 6,5% trong năm nay đã chính thức cam kết sẽ mở rộng tín dụng khoảng 12% trong năm tài khóa 2017. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 2,7 ngàn tỉ USD cho vay mới được Bắc Kinh tung ra trong năm nay, lớn hơn tổng GDP của Liên hiệp Vương quốc Anh.
Điều này trên thực tế đã được dự báo từ trước. Trung Quốc hiện đang là nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai trên thế giới, vì thế nhu cầu vay mượn tài chính để tăng trưởng của nó cũng rất lớn. Con số 2,7 ngàn tỉ USD cho vay mới sẽ được chính phủ Trung Quốc triển khai trong năm 2017 được xem là điều khá bình thường, và cũng sẽ không có gì bất ngờ nếu như con số này tăng lên cao hơn vào năm 2018 và cao hơn nữa vào năm 2019. Ngược lại, mọi chuyện sẽ trở nên nghiêm trọng nếu Trung Quốc không tiếp tục vay nợ, điều này nếu xảy ra có thể xem như đồng nghĩa với sự sụp đổ của hệ thống tài chính và nền kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào khủng hoảng.
Tuy nhiên, vấn đề đáng nói ở đây là ở con số 2,7 ngàn tỉ USD. Như thủ tướng Lý Khắc Cường đã tuyên bố, mức mở rộng tín dụng của Trung Quốc trong năm 2017 sẽ là khoảng 12%, con số này trên thực tế thấp hơn đáng kể so với mức độ mở rộng tín dụng của nước này trong 2 năm trước đó. Trong năm 2015, tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc lên tới 14,4%, còn trong năm 2016 nó đã vượt qua mức 15%. Mức tăng trưởng tín dụng của nước này trong giai đoạn trước năm 2015 trung bình đạt khoảng 14%/năm.
Nói cách khác, vì một số lý do nhất định, nền kinh tế số hai thế giới đang tìm cách điều chỉnh lại hoạt động mở rộng tín dụng trong khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 6,5%/năm của mình. Trong một bài trả lời phỏng vấn bên lề kỳ họp Quốc hội, Phó thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Yi Gang đã cho biết, Trung Quốc cần ổn định các yếu tố nền tảng, mà cụ thể ở đây là hệ thống tài chính trước khi nghĩ đến các mục tiêu tăng trưởng trong những năm sắp tới.
Và điều này là có lý do. So sánh mức tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng GDP danh nghĩa của Trung Quốc trong vài năm trở lại đây cho thấy nền kinh tế thứ hai thế giới đang ở trên một lộ trình nguy hiểm về khía cạnh tài chính. Về lý thuyết, tăng trưởng GDP danh nghĩa có vai trò đo lường khả năng trả nợ vay của nền kinh tế dựa trên tổng thu nhập. Trong giai đoạn trước 2015, tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc lên tới 14,4% trong khi tăng trưởng GDP danh nghĩa chỉ đạt 6,4%. Nói cách khác, tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế Trung Quốc đã cao hơn gấp đôi khả năng trả nợ của nó, và đây là một quỹ đạo rất không bền vững.
Mọi chuyện được cải thiện phần nào trong năm 2016, khi tăng trưởng tín dụng vượt mức 15% nhưng GDP danh nghĩa đạt mức 9,6%. Khả năng trả nợ của nền kinh tế Trung Quốc cao hơn so với cuối năm 2015, nhưng vẫn ở mức được coi là nguy hiểm. Vì vậy, việc thủ tướng Trung Quốc tuyên bố giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% nhưng chỉ cho phép mở rộng tín dụng ở mức thấp hơn các năm trước là 12% cho thấy nước này đang tìm cách ổn định lại kinh tế vĩ mô của mình, tránh nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ.
Nhưng kế hoạch này của Bắc Kinh cũng đang phải đối mặt với những rủi ro lớn. Chủ yếu đến từ tân tổng thống Mỹ Donald Trump và các chính sách mà vị tỷ phú bất động sản này có thể gây ra các tác động xấu cho Trung Quốc. Trong diễn biến mới nhất, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất lên 0,25% và dự báo sẽ còn tăng thêm ít nhất là 1-2 lần nữa từ nay đến cuối năm, điều này sẽ tác động rất mạnh tới chính sách tiền tệ của Trung Quốc do đồng nhân dân tệ đang ở trong giai đoạn biến động tỷ giá khá lớn. Nó sẽ tác động lớn tới mức độ mở rộng tín dụng của Bắc Kinh trong năm nay: một đồng USD mạnh sẽ khiến chính sách tín dụng của Trung Quốc xê dịch từ 2-3%.
Kịch bản xấu nhất với Trung Quốc là chính phủ Mỹ của tổng thống Donald Trump sẽ áp đặt một sự kiểm soát toàn diện đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này vào thị trường Mỹ. Nếu Trump áp mức thuế lên 45% vào hàng hóa Trung Quốc như đã hứa, GDP của Trung Quốc dự báo sẽ giảm khoảng 0,7% trong năm nay và buộc Bắc Kinh có thể sẽ phải mở rộng mức tăng trưởng tín dụng lên cao hơn để bù đắp.
Điều này sẽ khiến mục tiêu giảm tăng trưởng tín dụng của chính phủ Trung Quốc tan thành mây khói. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thích nói về một năm 2017 theo xu hướng đề cao sự ổn định lên hàng đầu, nhưng điều đó còn phải phụ thuộc vào Mỹ nữa.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)