Với riêng ông Trump, việc FED tăng lãi suất thêm 0,25% lần này có thể xem như điểm cộng cho vị tân tổng thống, khi gián tiếp thừa nhận rằng chính sách tiền tệ của Mỹ trong năm 2017 nhiều khả năng sẽ không diễn ra theo chiều hướng biến động mạnh như những dự báo bi quan trước đó.

FED tăng lãi suất: Điểm cộng cho Donald Trump?

Nhàn Đàm | 17/03/2017, 09:24

Với riêng ông Trump, việc FED tăng lãi suất thêm 0,25% lần này có thể xem như điểm cộng cho vị tân tổng thống, khi gián tiếp thừa nhận rằng chính sách tiền tệ của Mỹ trong năm 2017 nhiều khả năng sẽ không diễn ra theo chiều hướng biến động mạnh như những dự báo bi quan trước đó.

Sau nhiều đồn đoán, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức công bố tăng lãi suất đồng USD thêm 0,25%, đạt mức 0,75-1% vào ngày 15.3 vừa qua. Đây được xem là một sự kiện có nhiều ý nghĩa, khi nó không chỉ là một sự khẳng định về tương lai khả quan cho nền kinh tế Mỹ và cùng với đó là nền kinh tế toàn cầu, mà còn là một sự báo hiệu cho các chính sách kinh tế-tài chính sắp tới của tân tổng thống Donald Trump.

Trước hết, việc FED tăng lãi suất ngay trong kỳ họp đầu tiên vào giữa tháng 3.2017 có thể xem như là một tín hiệu tích cực cho kinh tế Mỹ, và đồng nghĩa với cả kinh tế thế giới. Dù đây mới là lần tăng lãi suất đầu tiên của FED trong năm 2017, nhưng nếu nhớ lại lần tăng lãi suất gần nhất diễn ra vào giữa tháng 12.2016 thì đây là lần tăng lãi suất thứ hai của FED trong vòng 3 tháng vừa qua.

Tăng lãi suất tổng cộng 0,5% trong vòng 3 tháng, là dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đã hồi phục mạnh mẽ.3 tháng gần nhất, số việc làm mới được tạo ra trung bình khoảng 209.000 việc làm/tháng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất kể từ năm 2007 là 4,7%. Chủ tịch FED Janet Yellen cho biết sau khi công bố quyết định tăng lãi suất, rằng bà lạc quan vào tương lai của nền kinh tế Mỹ và dự báo tăng trưởng của Mỹ năm nay sẽ đạt khoảng 2,1%. Điều này cho thấy tổng thống Donald Trump đang có sự khởi đầu rất ấn tượng khi hầu hết các chỉ số kinh tế đều ổn định và tích cực trong 2 tháng đầu tiên nhậm chức của ông.

Phản ứng của thị trường sau khi FED công bố tăng lãi suất tuy vậy lại đi ngược với dự đoán, khi đồng USD lại giảm giá khoảng 0,7% trong ngày 15.3 thay vì tăng giá như kỳ vọng. Nguyên nhân được cho là trực tiếp dẫn đến diễn biến khác lạ này là do FED tuyên bố có thể sẽ không nâng lãi suất với tần suất dày như kỳ vọng của nhiều chuyên gia kinh tế. Theo đó, FED dự báo sẽ nâng lãi suất chỉ khoảng 2 lần trong năm 2017 thay vì 3-4 lần như dự đoán trước đó. Điều này đi ngược lại với dự báo của nhiều nhà kinh tế do khả năng chính phủ mới của Mỹ sẽ tung ra một loạt các gói kích thích kinh tế mới từ nay đến cuối năm qua, đó là sẽ thúc đẩy tăng trưởng và tăng giá đồng USD.

Tuy nhiên, về phía tân tổng thống Donald Trump, điều này lại có thể xem là một điểm cộng, ít nhất là từ phía FED – cơ quan vốn vẫn được xem là khá nghi ngại về những gì mà ông Trump có thể gây ra cho kinh tế Mỹ sau khi nhậm chức. Phát biểu trong lần nâng lãi suất giữa tháng 12.2016, Chủ tịch FED Janet Yellen để ngỏ khả năng sẽ nâng lãi suất từ 3-4 lần trong năm 2017, việc đưa ra tuyên bố này trước thời điểm ông Trump chính thức nhậm chức (vào giữa tháng 1.2017) cho thấy FED sẵn sàng với kịch bản xấu nhất trong đó vị tân tổng thống sẽ đưa ra một loạt các chính sách thúc đẩy tăng trưởng bằng cách mở rộng tín dụng.

Vì thế, việc FED cho biết có thể sẽ chỉ nâng lãi suất 2 lần trong năm nay cho thấy phần nào cơ quan này đang dần yên tâm hơn về chính sách kinh tế-tài chính của vị tân tổng thống. Nhiều khả năng Donald Trump sẽ có sự điều chỉnh nhất định đối với chính sách kinh tế-tài chính của mình sau khi nhậm chức so với những gì đã hứa trong chiến dịch tranh cử: hoặc giảm thuế hoặc đưa ra các gói kích thích kinh tế, chứ không phải cả hai cùng lúc. Việc này có thể đi ngược lại với sự kỳ vọng và háo hức của thị trường, khiến đồng USD sụt giá thay vì tăng sau khi FED tăng lãi suất, nhưng lại là những gì cần thiết cho kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại. Đồng USD và thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng giá quá mạnh sau khi ông Trump đắc cử tổng thống, và giờ đây việc hạ nhiệt nó là một điều cần thiết.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế hàng đầu lại cho rằng FED vẫn nên tăng lãi suất từ 3-4 lần trong năm nay, không phải để ngăn chặn nguy cơ từ phía tổng thống Trump, mà là do kinh tế Mỹ đang tăng trưởng nóng cao hơn mức FED đang hình dung. Một trong số đó là ông Jacob Frenkel, chủ tịch JPMorgan Chase International, khi cho biết: “Hoạt động kinh tế tại Mỹ hiện nay mạnh mẽ hơn hẳn so với trước kia, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cựcthấp, tốc độ giảm thất nghiệp rất nhanh và thời gian thất nghiệp của người lao động cũng đang thấp hơn nhiều so với trước. Áp lực lạm phát hiện đang tiến tới mức mục tiêu 2% nhanh hơn nhiều so với dự đoán của FED”.

Nói cách khác, nền kinh tế Mỹ dường như đang tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhiều dự đoán của những người có nhiệm vụ kiểm soát nó một cách chặt chẽ là FED. Điều này đang tiềm ẩn những nguy cơ không hề nhỏ.

Vị chủ tịch của JPMorgan cho biết: “Đưa lãi suất trở về mức hợp lý quá muộn sẽ phải trả giá đắt, tạo nên những biến dạng ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính. Thay vì kích thích đầu tư, tăng lãi suất muộn sẽ đem đến những động lực hời hợt và giả tạo cho đầu tư tài chính”. Nếu điều này là sự thật, thì có vẻ như FED đã quá chú tâm vào những dự báo bi quan về tổng thống Donald Trump mà xao lãng những diễn biến thật trong nền kinh tế Mỹ.

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times/CafeF)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
FED tăng lãi suất: Điểm cộng cho Donald Trump?