Túng quẫn, có người đã phải bán máu để lo cho gia đình, các con ngày tựu trường; có người đang bán máu gom góp tiền đưa mẹ già nhập viện…

Theo chân những người bán máu

Một Thế Giới | 26/08/2015, 07:19

Túng quẫn, có người đã phải bán máu để lo cho gia đình, các con ngày tựu trường; có người đang bán máu gom góp tiền đưa mẹ già nhập viện…

Bán máu trang trải cho con

Cứ đầu mỗi buổi sáng và chiều, khoa Truyền máu-huyết học Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (Q.5) và Trung tâm Truyền máu - huyết học TP.HCM (Q.5) có rất đông người đến bán máu. Gọi là "bán máu" nhưng thực sự thứ mà họ bán là tiểu cầu (TC) - một thành phần của máu. Người đến bán TC đa dạng từ sinh viên, công nhân, đến người không có công ăn việc làm...

Sáng 7.8, một người đàn bà tất tả đi ra từ khoa Truyền máu của Trung tâm Truyền máu -huyết học TP, chị ngồi phệt trên ghế đá, ăn vội cái bánh bao của bệnh viện mà chẳng buồn lau những giọt máu còn rỉ trên cánh tay. Kêu ly cà phê, chị khoe: "Chờ ổng đến rước về, có tiền mai tôi ghé thăm thằng con, cho nó một ít để đóng tiền dự thi". Ánh mắt sáng lên, chị nói tiếp: "Nó đậu tốt nghiệp, vừa nộp đơn vào Cao đẳng Cao Thắng, nghe đâu cũng đậu". Vừa lúc, chồng chị đến, họ đèo nhau trên chiếc xe Wave cũ chạy thẳng về cầu Chợ Đệm. Tôi theo chân họ, băng qua Quốc lộ 1, rẽ vào đường Nguyễn Hữu Trí rồi dừng lại ở quán tạp hóa nhỏ ven đường. Chị lại tất tả bước xuống mua 5kg gạo, một chai nước mắm nhỏ, một chai dầu ăn và ba cái trứng. Mua xong, họ lên xe chạy thêm một đoạn rồi rẽ vào con hẻm nhỏ, dừng lại trước dãy nhà trọ.

Căn phòng hẹp, ngang 2,5m dài 3,5m, mùi cống rãnh xộc lên nồng nặc, bên trong trống trơn, trần nhà căng tấm bạt rách bươm, đo là nơi gia đình chị sống hơn bốn năm nay.

Chị là L.T.T. (SN 1976) tạm trú ấp 5, thị trấn Tân Túc, H.Bình Chánh, TP.HCM - có thâm niên bán máu hơn 10 năm. Chồng chị, anh P.V.L. (SN 1970) dán giấy thủ công cho lò heo quay ở Q.5. Hàng hết, gần một tháng nay anh thất nghiệp và chuyển sang sửa quạt máy, nồi cơm điện. Chị quần quật với việc bưng bê, dọn rửa cho quán cơm, thu nhập hai vợ chổng cộng lại chừng sáu triệu đồng/tháng, trang trải chi phí thuê nhà trọ, gạo mắm, tiền ăn học cho hai đứa con, vì vậy cứ thiếu hụt triền miên. Khi đứa lớn chuẩn bị nhập học cao đẳng, đứa nhỏ vào lớp 8, học phí đầu tháng dội về cộng thêm tiền nhà đến hẹn khiến anh chị rối bời. 
Chị chép miệng: "Nếu cho tụi nhỏ nghỉ học thì mình không đau đầu đến vậy, nhưng vợ chồng tôi quyết cho tụi nhỏ ăn học đàng hoàng nên phải ráng". Cách mà chị T. "ráng" nhiều năm nay là bán TC đều đặn hai lần/tháng, mỗi lần 250ml được 400.000đ. Thương vợ, anh L. cũng thử bán TC nhưng do sức khỏe yếu nên không đáp ứng được yêu cầu.

Chiều 18.8, tại khoa Truyền máu – Huyết học, BV Chợ Rẫy, rẽ đám đông, một người đàn bà đen nhẻm lựng khựng bước ra. Bị choáng, hơi thở mệt nhọc, chị nhờ tôi dìu ra vỉa hè ăn đĩa cơm đỡ đói. Chị là N.P.L. (45 tuổi), làm mẹ đơn thân, bán vé số nuôi con, tạm trú xã Bình Hưng, H.Bình Chánh,TP.HCM. Chị quê ở Đà Nắng, vào Sài Gòn từ nhỏ, lấy chồng, sinh con. Năm 2005, con gái tròn ba tuổi, chị ôm con bỏ đi vì người chồng không nghề nghiệp, suốt ngày ăn nhậu. Thu nhập bằng nghề mát-xa, chị tạm đủ trang trải nuôi con. Con ngày một lớn cũng là lúc nhu cầu ăn uống, học phí, tiền nhà trọ tăng thêm, chị bắt đầu bán máu đều đặn hai lần/tháng. Ba năm nay, sức khỏe giảm sút, xương khớp đau nhức, chị bỏ nghề mát-xa, chuyển sang bán vé số. Chị nói: "Khổ lắm, 45 tuổi mà xương khớp rệu rã rồi. Mỗi lần đi bán máu, tôi giấu con vì sợ con lo lắng, nó mà biết thì không an tâm ăn học".

Cũng tại BV Chợ Rẫy, tôi gặp anh M.B.Th. (50 tuổi, tạm trú P.4, Q.8, TP.HCM). Anh nói: "Đến hạn đóng học phí cho con gái nên...". Câu nói bỏ lửng khiến tôi tò mò tìm hiểu, hoàn cảnh người đàn ông gà trống nuôi con này. Năm 2008, hôn nhân thất bại cũng là lúc tài sản, nhà cửa, công việc làm ăn của anh xuống dốc. Chở hàng thuê mỗi ngày được hơn 100.000đ, anh chật vật nuôi con. Nay con vào lớp 10, chi phí học tập tăng, tiền trọ cũng tăng, hơn một năm nay anh bắt đầu bán TC.

Bán mãi, chưa gom đủ tiền lo cho mẹ

Những người bán TC mà tôi gặp hầu hết đều dưới 50 tuổi, một số ít trên 50 nhưng sức khỏe tương đối tốt. Trong số đó có một phụ nữ dáng nhỏ thó, tuổi khá cao nhưng vẫn đều đặn bán TC hai lần/tháng. Thuyết phục mãi, cô mới đồng ý uống ly nước, nhưng chỉ cho tôi năm phút bởi cô phải bắt chuyến xe buýt kịp về chuẩn bị bữa trưa cho mẹ già. Chiều hôm ấy, tôi tìm đến nhà cô, nói là nhà nhưng đó là căn phòng trọ nhỏ nằm trong con hẻm trên đường Lê Lợi (ấpTânThới 3, xã Tân Hiệp, H.Hóc Môn.TP.HCM). Cô là Phan Thị Tuyết Trinh (SN 1960) sống cùng mẹ, bà Nguyễn Thị Hoàng (SN 1943) trong căn phòng này gần 15 năm nay. Bữa cơm trưa mà cô chuẩn bị cho mẹ gồm một trứng vịt muối, một khứa cá kho do hàng xóm cho hôm qua. Nhìn mâm cơm, cô quay sang dỗ dành mẹ: "Chiều nay con sẽ xin đồ ăn đám giỗ về cho má".

Cụ Hoàng hôm ấy đi tái khám ở BV Hóc Môn, bà bị viêm phế quản mạn tính, viêm khớp và cao huyết áp, bác sĩ yêu cầu nhập viện từ hai tháng nay nhưng do chưa có tiền nên bà cứ khám rồi về. "Họ nói viêm phế quản nếu trị không dứt sẽ chuyển qua viêm phổi. Tôi nghe cũng sợ, mấy tháng nay ráng làm kiếm 500.000đ cho mẹ nhập viện nhưng gom mãi vẫn không đủ" cô Trinh buồn bã nói.

Chồng mất từ năm 1979, ba năm sau đứa con nhỏ cũng bỏ cô đi vì bệnh nặng. Cô Trinh sống cùng mẹ và em gái. Gia đình em cũng nghèo nên từ năm 2000, hai mẹ con cô chuyển ra ở trọ, làm thuê kiếm sống. Nghe người ta rủ đi bán máu, túng quá, cô cũng đi và sáu năm nay cứ đều đặn bán hai lần/tháng. Vậy mà, mọi khoản cộng lại cũng không đủ chi tiêu dù cái ăn, mẹ con cô thường xuyên nhờ "lộc" của hàng xóm. Những ngày qua, cô bị ho nhưng không dám uống thuốc vì sợ "rớt" khi thử máu. Cô nói: "Tiền nhà còn vài hôm phải đóng, bán máu được 400.000đ, tôi giặt đồ thuê gom lại cũng được 700.000đ, nếu bị rớt thì căng lắm. Tôi cứ cầu mong mình "đậu" khi nằm trên giường thử máu".

Nghe con nói, cụ Hoàng mắt ngấn nước quay sang tôi giãi bày: "Ai mà muốn con mình bán máu đâu cô, tại nghèo quá. Tôi kêu nó bán một lần/tháng thôi mà nó nói không đủ, tội nghiệp!". Nỗi buồn lo như bị gạt phăng khi cô dí dỏm: "Má ơi, nhờ bán máu... cứu người mà trời Phật phù hộ cho con khỏe hoài, má thấy không con ăn uống khỏe re, có bệnh hoạn gì đâu". Nói vậy nhưng tôi và cụ Hoàng đểu biết, trong lần khám bệnh gần đây nhất, bác sĩ đã chẩn đoán cô bệnh viêm khớp, cao huyết áp.

Mưa tẩm tã, tôi chợt nhớ đã vào tháng Bảy (âm lịch) - mùa Vu lan báo hiếu. Trên đường về, tôi cứ day dứt mãi bởi câu nói của cô Trinh:"Điều tôi mong ước bây giờ là có đủ tiền để đưa mẹ nhập viện...".

Theo Thu Hồng/Phụ Nữ Thành Phố

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Theo chân những người bán máu