Vụ trọng án tại Gia Lai khiến 7 người thương vong đang làm dư luận xôn xao. Điều đáng nói là nghi can có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần. Điều đó khiến cho công tác quản lý người tâm thần càng phải được chú trọng.

Người bệnh tâm thần liên tục gây các vụ án thương tâm

Một Thế Giới | 25/08/2015, 06:28

Vụ trọng án tại Gia Lai khiến 7 người thương vong đang làm dư luận xôn xao. Điều đáng nói là nghi can có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần. Điều đó khiến cho công tác quản lý người tâm thần càng phải được chú trọng.

Theo báo cáo nhanh của Công an tỉnh Gia Lai, khoảng 9 giờ ngày 23.8, hung thủ Vũ Văn Đản (39 tuổi, trú tại thôn Phú Vinh) cùng vợ là Nguyễn Thị Lan (32 tuổi) đến nhà ông Lê Trung Dũng ở cùng xã Ia Băng để đòi nợ, lấy tiền đi khám bệnh cho con nhưng không đòi được tiền. Cả hai vợ chồng Đản về nhà và cãi nhau to tiếng. Bực tức, Đản dùng loại dao phát rẫy dài hơn 1m đuổi chém vợ. Vợ của Đản đã cùng con nhanh chân chạy thoát.
Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, trong cơn tức giận khi chạy ra khỏi nhà tìm vợ, Đản đã chém chị Lê Thị Thơm (33 tuổi, em dâu của Đản) và cháu Vũ Thị Vân (8 tuổi) ở gần nhà Đản khiến hai nạn nhân tử vong. Hai người hàng xóm khác là ông Đặng Đình Vấn (57 tuổi) và bà Nguyễn Thị Ngọc Liên (41 tuổi) cũng bị Đản chém chết.
Trong cơn say máu, Đản tiếp tục cầm dao đi dọc đường làng tìm vợ. Khi bị em ruột Đản là Vũ Văn Tuyên (33 tuổi) ở cùng xã can ngăn, Đản đã tức giận chém luôn em của mình. Anh Vũ Công Doanh (32 tuổi) và bà Nguyễn Thị Minh (52 tuổi) ra can ngăn cũng không thoát được lưỡi dao của Đản. Cả ba người sau đó đã được người dân đưa đi Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai cấp cứu. Theo thông tin từ bệnh viện, cả ba nạn nhân đều bị đa chấn thương, trong đó có những vết thương nguy hiểm đến tính mạng. 
Liên quan đến thông tin đối tượng Vũ Văn Đản bị tâm thần, theo Trung tá Trần Ngọc Anh- Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Gia Lai cho biết, Công an tỉnh đã ra quyết định tạm giam đối với Đản để phục vụ công tác điều tra. Trong quá trình điều tra, khởi tố vụ án để đưa đối tượng Đản ra xét xử, cơ quan chức năng sẽ tổ chức đưa đối tượng Đản đi giám định tâm thần.
Báo Người lao động cũng nêu ra một loạt vụ án liên quan đến người tâm thần. Chẳng hạn trong vụ bị can Nguyễn Thị Vân (51 tuổi; ngụ tỉnh Bến Tre) gây án vào ngày 24.8, đại tá Phạm Văn Ngân - Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long - cho biết cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định tâm thần đối với bị can Vân nhưng chưa có kết quả và sẽ mất rất nhiều thời gian.

Trước đó, khi tổ chức lễ ăn hỏi cho con trai, bị sui gia chê bị bệnh tâm thần nên bà Vân đi lang thang; đến tối 8.8, bà xách con dao mổ heo trà trộn vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long và đâm xuyên sọ bệnh nhi Dương Minh Phát (11 ngày tuổi). Sau khi gây án, bà Vân đập đầu vào tường tự tử nhưng bất thành. Ông Ngô Văn Chiến, trưởng ấp nơi nhà bà Vân ngụ, nói gần đây bà Vân có biểu hiện tâm thần, thường đi lang thang, nói nhảm và đang hưởng trợ cấp người tàn tật (dạng tâm thần) 270.000 đồng/tháng. Địa phương có yêu cầu gia đình đưa bà Vân đi điều trị nhưng vì nhà nghèo nên không đi.

Tại tỉnh Trà Vinh, hôm 15.5.2015, bà Lư Thị Dững (ngụ huyện Trà Cú) chuẩn bị đi chợ, thấy con là Lâm Văn Sanh (30 tuổi) đang nằm ngủ nên hỏi có ăn hủ tiếu không để mua. Bất ngờ Sanh lấy dao chém liên tiếp khiến bà Dững chết tại chỗ. Theo người nhà nạn nhân, Sanh bị bệnh tâm thần.

Tại Bình Định, tình trạng người tâm thần gây án cũng diễn ra khá phức tạp. Điển hình như vụ xảy ra tại xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn. Trong lúc nổi cơn điên, Lê Minh Nay (SN 1976) dùng rựa chém chết mẹ ruột là bà Lê Thị Đôi rồi đổ xăng lên thi thể đốt. Trước khi gây án, Nay được xác định bị bệnh tâm thần phân liệt nên được đưa vào Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn chăm sóc nhưng sau đó được đưa về.

Trên đây, chỉ là một vài vụ điển hình về việc người có vấn đề thần kinh gây ra các vụ án nhức nhối dư luận. Bác sĩ Võ Văn Thống, Phó Khoa Điều trị I Bệnh viện Tâm thần Bình Định, cho biết người mắc chứng bệnh tâm thần thường bị hoang tưởng, ảo giác, kích động... Nếu không có biện pháp quản lý, điều trị thì mức độ nguy hiểm cho gia đình và xã hội là rất lớn. Do vậy, khi nhà nào có người thân mắc bệnh tâm thần, người nhà cần phải đưa vào các cơ sở chữa bệnh dành cho người tâm thần để điều trị. Đây chính là biện pháp hữu hiệu nhất, góp phần hạn chế những hậu quả đáng tiếc do người tâm thần gây ra.
Bác sĩ Vũ Đình Sơn, Trưởng phòng Y tế Sở LĐ-TB&XH: "Gia đình và xã hội đừng nên xa lánh người bệnh tâm thần. Nếu dùng tình thương cảm hóa và cho uống thuốc chặn cơn thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ thì người tâm thần sẽ chung sống được với gia đình, thậm chí sống có ích. Các phương pháp trị liệu cho người tâm thần gồm có hóa trị (dùng thuốc), lao động trị liệu, âm nhạc trị liệu. Với những bệnh nhân tâm thần nhẹ, tạo cho họ một công việc nhẹ nhàng để họ thấy mình sống có ích, bớt thời gian ngồi không rồi suy nghĩ vẩn vơ là điều rất tốt".
Lôi Phong (tổng hợp)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người bệnh tâm thần liên tục gây các vụ án thương tâm