Mỗi kẻ du hành đều có một quan niệm riêng biệt trên bước đường của mình. Với Nguyễn Tập, những chuyến đi như cuộc trở về thăm lại người quen cũ để tìm thấy sự thân thương, để nương náu và lắng nghe những đổi thay trong đời sống của con người.

Theo chân một nhà báo khám phá những bí ẩn kỳ dị từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero

Tiểu Vũ | 27/05/2017, 07:30

Mỗi kẻ du hành đều có một quan niệm riêng biệt trên bước đường của mình. Với Nguyễn Tập, những chuyến đi như cuộc trở về thăm lại người quen cũ để tìm thấy sự thân thương, để nương náu và lắng nghe những đổi thay trong đời sống của con người.

Cuốn sách này như một bộ phim tài liệu đặc biệt, ghi chép lại hành trình dấn thân khám phá, thâm nhập Nam Mỹ của tác giả. Như trong lời mở sách (Tại sao Nam Mỹ?), tác giả viết đại ý, Nam Mỹ với những cô hoa hậu nóng bỏng, với những cầu thủ bóng đá mạnh mẽ, tài năng như Maradona từng hấp dẫn anh từ ngày thơ ấu. Nhưng giấc mơ chinh phục Nam Mỹ lại bùng lên khi anh xem cuốn phim Motocycle Diaries kể về chuyến du hành xuyên Mỹ Latinh của chàng sinh viên y khoa năm cuối Che Guevara.

Vậy là vác ba lô lên đường cho những chuyến đi dài ngày: năm 2008, Nguyễn Tập có 2 tháng ăn dầm nằm dề ở xứ sở của người Quechua – hậu duệ dân Inca; 2009, lại có hai chuyến đi Mexico; cuối năm 2011, anh dành 4 tháng thâm nhập vào những bộ lạc thổ dân vùng Amazon, Peru và Bolivia. Và gần đây nhất, anh trở lại đó với những ngày làm cư dân Cuba. Chuyến khám phá Cuba - quê hương xì gà và Bolero kết thúc chỉ trước khi ông Fidel Castro qua đời vài hôm.

Chất liệu thực tế đi vào cuốn du ký này ngồn ngộn. Những câu chuyện từ bùa chú, ma thuật, bói toán còn sót lại nơi những đô thị song trùng đời sống văn minh – hoang dã, những phong tục lạ lùng của những bộ lạc trong rừng thẳm, những thành phố đá, hòn đảo trôi dạt, đảo búp bê… được viết lại chân xác, vắn gọn cùng với các tranh ký họa cho thấy tác giả có một cách tiếp cận thực tế rất riêng, không hề giống những người viết hồi ký kiểu “tô vẽ” như thường gặp ở những cuốn du ký của các tác giả trẻ mới nổi gần đây. Ở mỗi vùng đất tác giả đi qua, anh cũng dành mối quan tâm đặc biệt đến thân phận những người Việt lang thang, lưu lạc, đôi chỗ dành mối liên tưởng đến sự tương đồng văn hóa với quê hương mình. Chính điều này làm cho cuốn du ký có nhiều cơ tầng liên tưởng.

Cuốn du ký này gồm 4 phần: Amazon (Trong rừng thẳm Amazon), Mexico (Xứ sở của những chiếc đầu lâu pha lê), Peru (Bay trên thành phố đá) và Cuba (Lang thang trên quê hương Bolero).

Nguyễn Tập đã trở thành một kẻ say mê định hình thông qua những chuyến du khảo và những tháng ngày anh xông xáo đi vào đời sống của con người, đặc biệt là những người nghèo. Anh chia sẻ, cái nghèo ở đâu cũng giống nhau, đi qua bốn vùng của Nam Mỹ: Amazon, Mexico, Peru và Cuba, gặp những con người đang sinh sống và vật lộn với cái nghèo, anh lại thấy một Việt Nam dáng dấp trong những phận người ấy. Tác giả đã sống qua, đã thương nhớ, đã trải nghiệm để rồi đem đến cho người đọc không chỉ góc nhìn rất khác về một đất nước mà là những phận đời bị miếng cơm ghì sát đất. Nỗi cùng quẫn dẫn dắt con người vào thế giới tâm linh, nơi mà hòn đácuội ngoài biển cũng là biểu tượng may mắn của tài lộc và bùa chú, bói toán là sự cứu vớt con người khỏi sự cùng cực.

Mỗi kẻ du hành đều có một quan niệm riêng biệt trên bước đường của mình. Với Nguyễn Tập, những chuyến đi như cuộc trở về thăm lại người quen cũ để tìm thấy sự thân thương, để nương náu và lắng nghe những đổi thay trong đời sống của con người. Vì là cuộc trở về nên người đọc dễ tìm thấy bóng hình Sài Gòn, dáng dấp Việt Nam ở những chốn tác giả đi qua. Ví như người viết du ký đã cất lên ca khúc Chuyến tàu hoàng hôngiữa con phố trên đất nước Cuba - quê hương của dòng nhạc Bolero mà tưởng như đang ngồi giữa quảng trường Nguyễn Huệ. Hay chứng kiến đời sống "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" của chế độ tem phiếu duy nhất sót lại ở Cuba, tác giả tìm thấy một Việt Nam ngày cũ, hiểu được nỗi buồn của "mất sổ gạo", thấu cảm với những người Việt chật vật với đời sống tại xứ sở xì gà này. Biết bao nhiêu câu chuyện, biết bao nhiêu tình cảm gói ghém trên trang sách khiến độc giả không thể khước từ bởi lẽ câu văn của tác giả chẳng bay bổng, chẳng son phấn mà giản dị, chân thật và để thấy bước chân của kẻ du ngoạn đã sống trọn thế nào với từng cung đường.

Nếu giấc mơ Nam Mỹ vẫn nằm đâu đó trong lồng ngực bạn, hãy đọc Nguyễn Tập để thấy rằng, không bao giờ là quá muộn để quyết định khám phá và sống trọn với một nơi nào đó cả. Nguyễn Tập đã sống trọn những cung đường anh chinh phục và rồi khi trở về Việt Nam, viết cuốn sách này, anh lại sống thêm một lần nữa với những ký ức lộng lẫy, xem nơi chốn đã đi qua như một cuộc trở về và những người đã gặp như người thân nợ một ân tình lặng lẽ.

Tiểu Vân
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Theo chân một nhà báo khám phá những bí ẩn kỳ dị từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero