OpenAI không có ý định sao chép giọng nói của nữ diễn viên Scarlett Johansson, tờ The Washington Post (Mỹ) đưa tin. Nữ diễn viên lồng tiếng cho Sky (giọng nói ChatGPT được cho giống Scarlett Johansson) chỉ đơn giản sử dụng giọng tự nhiên của mình, theo các clip mà The Washington Post nghe được.
Nhịp đập khoa học

The Washington Post: OpenAI không có ý định sao chép giọng nói của Scarlett Johansson cho ChatGPT

Sơn Vân 23/05/2024 12:42

OpenAI không có ý định sao chép giọng nói của nữ diễn viên Scarlett Johansson, tờ The Washington Post (Mỹ) đưa tin. Nữ diễn viên lồng tiếng cho Sky (giọng nói ChatGPT được cho giống Scarlett Johansson) chỉ đơn giản sử dụng giọng tự nhiên của mình, theo các clip mà The Washington Post nghe được.

Theo The Washington Post, OpenAI đã chọn diễn viên lồng tiếng cho Sky vài tháng trước khi Giám đốc điều hành Sam Altman liên hệ với Scarlett Johansson và công ty khởi nghiệp AI này không có ý định tìm ai đó có giọng giống cô.

Bài viết trên The Washington Post cho biết yêu cầu tuyển diễn viên của OpenAI đưa ra hồi năm ngoái là tìm những người có giọng nói "ấm áp, hấp dẫn và cuốn hút". OpenAI cần diễn viên trong độ tuổi từ 25 đến 45 và không thuộc công đoàn, nhưng công ty này được cho không yêu cầu diễn viên phải giống giọng Scarlett Johansson.

Cách đây vài ngày, Scarlett Johansson đã cáo buộc OpenAI sao chép giọng nói của cô cho trợ lý giọng nói Sky mà không được phép. Thế nhưng, người đại diện của diễn viên lồng tiếng cho Sky nói với The Washington Post rằng OpenAI không bao giờ đề cập đến Scarlett Johansson hoặc bộ phim Her năm 2013 mà cô tham gia lồng tiếng. Do Spike Jones làm đạo diễn, phim Her kể về người đàn ông yêu trợ lý AI của mình được Scarlett Johansson lồng tiếng.

OpenAI dường như cũng không chỉnh sửa bản ghi âm của diễn viên lồng tiếng cho Sky để giống với giọng Scarlett Johansson, dựa trên các clip thử giọng ban đầu mà The Washington Post đã nghe.

Joanne Jang, Giám đốc sản phẩm OpenAI, nói với The Washington Post rằng công ty đã chọn những diễn viên mong muốn làm việc về trí tuệ nhân tạo (AI). Joanne Jang cho biết Mira Murati, Giám đốc công nghệ OpenAI, đã đưa ra tất cả các quyết định về dự án giọng nói AI và Sam Altman không liên quan mật thiết đến quá trình này.

Theo The Washington Post, Joanne Jang cũng nói rằng với cô, Sky không giống giọng Scarlett Johansson chút nào.

Nữ diễn viên lồng tiếng cho Sky chia sẻ với The Washington Post thông qua người đại diện rằng cô chỉ sử dụng giọng nói tự nhiên của mình và chưa bao giờ được những thân thiết so sánh với Scarlett Johansson. Thế nhưng, trong tuyên bố mà đội ngũ của Scarlett Johansson chia sẻ với trang Engadget, nữ diễn viên nổi tiếng người Mỹ nói rằng cô bị sốc khi OpenAI theo đuổi giọng nói “nghe giống cô một cách kỳ lạ” đến nỗi “những người bạn thân nhất của cô và các hãng tin không thể nhận ra sự khác biệt”.

Scarlett Johansson tiết lộ Sam Altman lần đầu tiên liên lạc với cô vào tháng 9.2023 để đề nghị nữ diễn viên lồng tiếng cho ChatGPT nhưng bị từ chối. Sau đó, Giám đốc điều hành OpenAI liên lạc lại với Scarlett Johansson chỉ hai ngày trước khi công ty giới thiệu mô hình AI đa phương thức GPT-4o để đề nghị cô xem xét lại.

Sky là một trong những giọng nói của ChatGPT kể từ tháng 9.2023, nhưng GPT-4o đã mang lại cho nó khả năng để có những cuộc trò chuyện giống con người hơn với người dùng. Điều đó khiến sự giống nhau giữa giọng nói của Sky và Scarlett Johansson được đem ra so sánh. Điều đáng chú ý là Sam Altman đăng bài trên X với một từ her duy nhất, mà nhiều người cho rằng ám chỉ đến phim cùng tên, sau khi OpenAI trình diễn khả năng trò chuyện và biểu cảm như con người của GPT-4o rạng sáng 14.5.

OpenAI đã tạm dừng sử dụng giọng nói của Sky "vì tôn trọng" những lo ngại của Scarlett Johansson, công ty viết trong một bài đăng trên blog. Tuy nhiên, nữ diễn viên 39 tuổi cho biết OpenAI chỉ ngừng sử dụng giọng nói của Sky sau khi cô thuê luật sư viết thư cho Sam Altman và công ty để yêu cầu giải thích.

“Trong thời điểm tất cả chúng ta đang vật lộn với deepfake và việc bảo vệ chân dung, công việc, danh tính của chính mình, tôi tin rằng đây là những câu hỏi cần được làm rõ. Tôi mong muốn được giải quyết dưới hình thức minh bạch và thông qua luật phù hợp để giúp đảm bảo rằng các quyền cá nhân được bảo vệ”, Scarlett Johansson cho biết.

Trong một tuyên bố được chia sẻ với trang Insider, Sam Altman đã xin lỗi Scarlett Johansson vì không giao tiếp tốt hơn, nhưng khẳng định rằng giọng Sky không nhằm bắt chước giọng của cô. OpenAI cho biết đã hợp tác với các diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp để tạo ra một loạt giọng nói AI, gồm Breeze, Cove, Ember, Juniper và Sky.

the-washington-post-openai-khong-co-y-dinh-sao-chep-giong-noi-cua-nu-dien-vien-scarlett-johansson.png
Scarlett Johansson cáo buộc OpenAI sử dụng giọng nói cho ChatGPT giống giọng cô - Ảnh: Internet

Nếu đang thắc mắc liệu giọng Sky có thực sự giống Scarlett Johansson hay không, bạn có thể mở video bên dưới để tự đánh giá.

Đó là bản ghi âm lời phát biểu của Scarlett Johansson do Sky đọc, được tài khoản Victor Mochere đăng trên YouTube. Các ý kiến ​​​​trong phần bình luận khác nhau. Một số người nói rằng giọng nói đó sẽ giống Scarlett Johansson nếu cô là người máy. Những người khác nói rằng giọng này giống nữ diễn viên Rashida Jones hơn.

Hôm 21.5, Elon Musk không thể cưỡng lại việc cạnh khóe đối thủ công nghệ của mình khi tham gia bình luận về cuộc tranh cãi giữa Scarlett Johansson với OpenAI.

Elon Musk ví von việc OpenAI sử dụng giọng nói cho ChatGPT giống Scarlett Johansson tương tự thứ gì đó trong loạt phim truyền hình Black Mirror (Gương đen).

"Black Mirror ngoài đời thực", Elon Musk viết trên mạng xã hội X để phản hồi một bài đăng về cuộc tranh cãi.

Black Mirror là loạt phim truyền hình khoa học viễn tưởng của tác giả Charlie Brooker, ra mắt năm 2011. Phim khai thác những khía cạnh đen tối của xã hội hiện đại, tập trung vào các tác động tiêu cực tiềm ẩn của công nghệ. Mỗi tập phim là một câu chuyện riêng biệt, thường lấy bối cảnh trong tương lai gần, nơi công nghệ phát triển vượt bậc và tác động đến cuộc sống của con người theo nhiều cách khác nhau.

Một số chủ đề thường được đề cập trong Black Mirror gồm:

- Tác động của mạng xã hội đến các mối quan hệ và nhận thức.

- AI và khả năng công nghệ này vượt qua tầm kiểm soát của con người.

- Thực tế ảo (VR) và nguy cơ nó bị lạm dụng.

- Công nghệ giám sát và sự xâm phạm quyền riêng tư.

- Ảnh hưởng của công nghệ đến bản sắc và ý thức.

Black Mirror nhận được sự khen ngợi của giới phê bình vì sự sáng tạo, diễn xuất và khả năng dự đoán những xu hướng công nghệ tiềm ẩn. Tuy nhiên, Black Mirror cũng gây tranh cãi vì những miêu tả ảm đạm về tương lai và hàng loạt câu hỏi về đạo đức mà phim đặt ra.

Thời gian qua, Elon Musk công khai bày tỏ sự không hài lòng với OpenAI và giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp này là Sam Altman. Elon Musk cùng Sam Altman và những người khác thành lập OpenAI dưới dạng tổ chức phi lợi nhuận năm 2015, tập trung vào sự phát triển an toàn và minh bạch của AI. Elon Musk rời hội đồng quản trị OpenAI vào năm 2018 với lý do xung đột lợi ích. Cụ thể hơn, tỷ phú này muốn làm Giám đốc điều hành OpenAI nhưng Sam Altman và các nhà đồng sáng lập còn lại không đồng ý.

Kể từ đó, Elon Musk thường xuyên chỉ trích OpenAI lẫn Sam Altman và đã đệ đơn kiện cả hai hồi cuối tháng 2.2024, cáo buộc công ty phản bội sứ mệnh ban đầu là phát triển trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) một cách có trách nhiệm. AGI là AI siêu thông minh, tiên tiến đến mức có thể làm được nhiều việc ngang bằng hoặc tốt hơn con người.

Hồi tháng 7.2023, Elon Musk thành lập công ty AI riêng mang tên xAI và ra mắt chatbot Grok vào tháng 11.2023 để cạnh tranh với ChatGPT.

Bài liên quan
Sam Altman bị chế giễu vì đăng ảnh so sánh sự kiện ra mắt sản phẩm AI mới của OpenAI và Google
Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, không ngại khuấy động cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) và bài đăng mới nhất của ông trên mạng xã hội X nhắm vào Google.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
The Washington Post: OpenAI không có ý định sao chép giọng nói của Scarlett Johansson cho ChatGPT