Thế giới đang đối mặt với nạn đói do biến đổi khí hậu và Liên Hợp Quốc đã đặt năm 2023 là Năm Quốc tế về Kê. Kê cũng được mệnh danh là cây siêu lương thực.

Thế giới quay lại với cây 'siêu lương thực' để chống lại nạn đói

Anh Tú (theo Japan Times) | 20/08/2023, 21:55

Thế giới đang đối mặt với nạn đói do biến đổi khí hậu và Liên Hợp Quốc đã đặt năm 2023 là Năm Quốc tế về Kê. Kê cũng được mệnh danh là cây siêu lương thực.

Lái chiếc xe máy điện chạy trên những con đường quê ở miền đông Ấn Độ, Sanjulata Mahanta đã trở thành người quảng bá việc trồng kê. Từ ba năm trước, Mahanta đã khiến những người dân quê kinh ngạc khi thu lời từ trồng loại ngũ cốc này.

Mahanta, 35 tuổi nhớ lại: "Mọi người ban đầu cười nhạo và nói rằng tôi đang trồng cỏ". Còn giờ, Mahanta đã thành công và đang giúp khoảng chục thôn nữ gieo hạt kê, một loại cây lương thực lâu đời ở châu Á và châu Phi trước khi gạo, lúa mì và ngô bắt đầu xuất hiện.

Nhưng loại cây trồng bị lãng quên này đang quay trở lại toàn cầu nhờ vào giá trị dinh dưỡng cao và khả năng phát triển trên vùng đất khô cằn. Đó chính là yếu tố quan trọng giúp nó có giá trị khi biến đổi khí hậu gây ra hạn hán thường xuyên và khốc liệt hơn.

Khi Bhanumati Mahanta, 62 tuổi, lần đầu tiên gieo kê vào năm ngoái, bà không nghĩ làm thế là để đối phó các vấn đề khí hậu do mưa ngày càng nhiều trong vùng mà chỉ đơn giản giúp ông chồng có thực phẩm lành mạnh phòng bệnh tiểu đường.

Mahanta kể: “Ông ấy đã khuyến khích tôi trồng kê nhưng ông ấy lại không kịp sống lâu để chứng kiến vụ thu hoạch. Trong nhiều thập niên, chúng tôi trồng lúa lai bằng phân bón và thuốc trừ sâu. Chúng tôi cũng ăn loại gạo đó. Bây giờ tôi hiểu rằng tất cả đều không tốt".

Một cuộc cách mạng nông nghiệp vào những năm 1960 đã thúc đẩy các chính sách hỗ trợ lúa gạo và lúa mì cũng như bao tiêu đầu ra. Điều đó làm giảm tỷ trọng kê trong rổ ngũ cốc của Ấn Độ từ 20% trong những năm 1950 xuống còn khoảng 6% hiện nay.

Nhưng giờ kê đang được mệnh danh là cây trồng cứu tinh do các tác động của biến đổi khí hậu (mà hậu quả là nhiệt độ khắc nghiệt hơn, hạn hán và lũ lụt), có thể làm giảm thu hoạch, tăng sâu bệnh… trở thành mối đe dọa mới nghiêm trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu.

Cần có những nỗ lực để suy nghĩ lại về yếu tố thương mại lương thực với các cách thức để cân bằng giữa bảo vệ thiên nhiên bằng thay đổi canh tác và chế độ ăn uống phù hợp với biến đổi khí hậu trong một thế giới ngày càng có nhiều người phải đối mặt với nạn đói.

Năm của Kê

Với ý nghĩa đó, Liên Hợp Quốc đã đặt năm 2023 là Năm Quốc tế về Kê và loại ngũ cốc khiêm tốn này đã được đưa vào bữa tối chay của Nhà Trắng dành cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi ông đến thăm Mỹ vào tháng 6. Hơn ai hết, ông Modi hiểu tầm quan trọng của kê với an sinh của Ấn Độ.

Nằm trên bờ biển của Vịnh Bengal đầy biến động, bang Odisha thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy, lũ lụt và hạn hán đã ảnh hưởng đến cuộc sống và thu nhập, dẫn đến tình trạng di cư và nạn đói.

Chính phủ Ấn Độ đặt cược vào kê nhằm mục đích bảo đảm thu nhập cho nông dân, chống suy dinh dưỡng và thúc đẩy các lựa chọn thực phẩm thay thế lành mạnh. Các quan chức bang triển khai “Sứ mệnh kê” để thúc đẩy nhu cầu của thị trường nhằm giúp nông dân trồng kê một cách thiết thực.

Arabinda Kumar Padhee, người đứng đầu cơ quan nông nghiệp bang Odisha, cho biết: “Phải nói với thế hệ tương lai rằng điều đó tốt cho môi trường và cả nông dân. Chúng tôi muốn hồi sinh kê không chỉ ở các trang trại mà còn trên đĩa ăn của mọi người. Chúng tôi muốn nó có trong thực đơn của họ".

Odisha không phải là bang sản xuất kê hàng đầu ở Ấn Độ hay là bang tiêu thụ lớn như các bang miền tây và miền nam, nhưng sứ mệnh kê ở Odisha bắt đầu vào năm 2017 đang được lan rộng sang các vùng khác của Ấn Độ và được Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc ca ngợi là một "tấm gương truyền cảm hứng".

Những nỗ lực tương tự đang được khơi nguồn từ quốc gia sản xuất kê lớn nhất châu Phi: Nigeria. Quốc gia đông dân nhất châu Phi đã đưa biskin gero, một món ăn giống couscous ăn kèm với nước mắm cay, vào thực đơn học đường cho trẻ em ở khu vực phía bắc.

Ấn Độ, nhà sản xuất kê lớn nhất thế giới và Nigeria đã cùng nhau tổ chức lễ hội nấu ăn vào đầu năm nay tại thủ đô Abuja, giới thiệu việc sử dụng kê trong các công thức nấu ăn phổ biến của cả hai quốc gia có chung lịch sử ẩm thực với loại ngũ cốc này.

Tại Nigeria, chính phủ đang quảng bá kê như một loại cây trồng "khỏe mạnh, dẻo dai và kiên cường" để chống lại nạn đói và suy dinh dưỡng ở một quốc gia có ít nhất 25 triệu người đang đối mặt với khủng hoảng lương thực.

Olusegun Adekunle, giáo sư nông nghiệp tại Đại học Ilorin ở miền tây Nigeria cho biết: "Chúng ta đều biết loại cây trồng này giàu dinh dưỡng, dễ trồng và giá cả phải chăng. Mọi người nên biết giá trị của nó". Adekunle đưa một so sánh dễ hình dung: trong khi một món ăn làm từ gạo có giá khoảng 500 naira (0,65 USD) mỗi khẩu phần, thì một phần bột kê chỉ có giá 100 naira.

Thách thức thay đổi thói quen

Tuy nhiên, cuối cùng thì sự thành công của những sáng kiến như vậy phụ thuộc vào thái độ của người tiêu dùng trong việc chuyển ăn lúa mì hoặc gạo sang ăn kê. Dù sao, kê vẫn không được ưa chuộng ở phần lớn Ấn Độ, đôi khi bị coi là chỉ đáng làm thức ăn gia súc.

Tại một trường nội trú ở Odisha, trẻ em trông không mấy ấn tượng với những viên laddu ngọt ngào làm từ kê. Sreenath Dixit, nhà khoa học chính của Tổ chức Quốc tế thuộc Viện nghiên cứu cây trồng vùng nhiệt đới bán khô hạn, cho biết: "Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng ta cố gắng quay trở lại thói quen ăn uống cũ. Quả là một nhiệm vụ khó khăn khi cố gắng thay thế các ngũ cốc quen thuộc, gạo và lúa mì bằng kê".

Tại cửa hàng kê Select Fresh ở Bhubaneshwar, ông chủ quán Sidhartha Rout đã mở một quán cà phê để trưng bày bánh mì kê và mì ống kê để cải thiện doanh số bán hàng. Rout thừa nhận: "Thật khó để thuyết phục mọi người ăn kê. Cần một cuộc cách mạng mới thay đổi được".

Ở Nigeria cũng vậy, dù kê giữ một vị trí không phai trong lịch sử ẩm thực, nhưng việc sáng tạo lại các món ăn truyền thống để phù hợp với khẩu vị và lối sống hiện đại lại gặp khó khăn.

Tại một sự kiện quảng bá mùa màng ở thủ đô cũ Lagos, giáo viên Sekinat Lawal tỏ ra vui vẻ khi nhớ lại món cháo kê ngày xưa mẹ nấu với sữa tươi kèm xi-rô chà là và Kunu, một loại thức uống kê có kem được ủ từ ngũ cốc nguyên hạt.

Nhưng Lawal cho biết việc chuẩn bị những món tốn nhiều công sức như vậy sẽ là thách thức trong khi thiếu các lựa chọn làm từ kê ăn liền. Lawal nói: "Có quảng cáo trên truyền hình về mì ăn liền cho trẻ em. Tôi không thấy điều tương tự đối với các món kê”.

Cách Lagos khoảng 8.000 km, ở quận Keonjhar phía đông Ấn Độ, một quán cà phê kê do một nhóm các nữ tình nguyện viên điều hành đang cố gắng thu hẹp khoảng cách đó và tạo cảm giác thèm ăn với loại ngũ cốc này.

Sankarshan Khatua, một khách hàng cho biết: "Chúng tôi thích món ăn này. Tôi thậm chí còn đưa cả gia đình đến đây để thử chúng". Vừa thưởng thức một đĩa kê rán nóng với tương ớt, Khatua nói: “Nhưng tôi không thể tìm thấy kê trong cửa hàng để mua về nhà chế biến”.

Khi chính phủ thúc đẩy dự án tiêu thụ "siêu lương thực", nguồn cung ở Odisha đang phải vật lộn để theo kịp nhu cầu. Sản lượng kê của bang đã tăng gấp đôi, lên 208.000 tấn kể từ khi dự án khởi động. Điều đó nhờ chính quyền tài trợ 26.000 rupee (314 USD) trong thời gian 5 năm cho nông dân để khuyến khích trồng kê. Tuy nhiên, đối với nhiều nông dân chưa quen trồng kê, trồng lúa vẫn có vẻ an toàn hơn. Các quan chức cho biết sản xuất sẽ sớm bắt kịp với nhu cầu ngày càng tăng khi nông dân nhìn thấy nhu cầu thị trường kê chế biến sẵn.

Trở lại đầu bài viết, khi những giọt mưa cuối cùng bắt đầu rơi xuống trên Kaurikala, Bhanumati Mahanta cho biết bà quyết tâm tiếp tục trồng kê như người chồng quá cố mong mỏi. Bà nói: "Trồng kê là một công việc khó khăn. Nhưng tôi đang làm điều này để các con tôi học được rằng đây là cách phát triển những thực phẩm lành mạnh".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thế giới quay lại với cây 'siêu lương thực' để chống lại nạn đói