Tại sa mạc Sahara, một trong những môi trường khắc nghiệt nhất thế giới, người ta đang phát triển một giải pháp tự nhiên đối phó cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Sa mạc bỗng trở thành cứu tinh giải quyết biến đổi khí hậu

Anh Tú | 20/08/2023, 15:29

Tại sa mạc Sahara, một trong những môi trường khắc nghiệt nhất thế giới, người ta đang phát triển một giải pháp tự nhiên đối phó cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Công ty khởi nghiệp Brilliant Planet có trụ sở tại London đã thuê 6.100ha biển ngoài thị trấn ven biển Akhfenir ở miền Nam Morocco, nằm giữa Đại Tây Dương ở phía bắc và sa mạc Sahara ở phía nam, để nuôi tảo.

Tảo hấp thụ carbon dioxide trong khí quyển và thải ra oxy thông qua quá trình quang hợp. Chúng đã làm như vậy từ trước khi các loài thực vật trên cạn đầu tiên xuất hiện.

Giám đốc điều hành của Brilliant Planet, Adam Taylor, cho biết công ty đã phát triển một phương pháp phát triển tảo với tốc độ cấp số nhân, bắt đầu chỉ từ cốc thủy tinh trong phòng thí nghiệm rồi bao phủ bể mặt biển rộng 12.000 mét vuông. Taylor cho biết quá trình này mô phỏng sự nở hoa của tảo trong tự nhiên và một ống nghiệm tảo sau 30 ngày có thể nhân rộng lấp đầy 16 bể bơi khổng lồ, tương đương với 77 bể bơi cỡ Olympic.

Sau đó, tảo được lấy ra khỏi mặt nước và được bơm lên một tòa tháp 10 tầng rồi phun vào không khí sa mạc. Trong khoảng 30 giây cần thiết để tiếp đất, không khí nóng làm khô tảo, để lại các xác tảo siêu mặn trong lớp cát sa mạc, đó là cách cô lập carbon hàng nghìn năm.

Taylor đánh giá cao phương pháp cô lập carbon này, đồng thời cho rằng sa mạc là một môi trường chưa được sử dụng đúng mức. Ông khẳng định: “Không tốn nhiều tiền để thuê sa mạc và các chính phủ rất nhiệt tình với bất kỳ hoạt động kinh tế nào ở đây. Hơn nữa, chúng ta không gây ảnh hưởng tới rừng và các trang trại, không cản trở giao thông, không làm phiền mọi người”.

Loại bỏ carbon dioxide

Hội đồng về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc - IPCC ước tính rằng hàng trăm tỉ tấn carbon dioxide sẽ phải được loại bỏ khỏi khí quyển vào năm 2100 để khống chế nhiệt độ toàn cầu nóng lên dưới ngưỡng 1,5 độ C.

Cách tốt nhất để làm điều đó đang được tranh luận sôi nổi. Nhiều giải pháp thu giữ carbon đã được đề xuất, trong đó nổi bật nhất là thu giữ trực tiếp từ không khí. Công nghệ đó đã nhận được sự hỗ trợ nhiều tỉ USD của Bộ Năng lượng Mỹ, sử dụng máy móc có bộ lọc để thu carbon dioxide từ khí quyển, sau đó có thể được lưu trữ dưới lòng đất hoặc được sử dụng trong các vật liệu như bê tông. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn ở quy mô nhỏ, trong khi giới phê bình nói rằng nó đắt tiền, tốn nhiều năng lượng và hiệu quả chưa được chứng minh.

Taylor tuyên bố rằng giải pháp của Brilliant Planet có thể loại bỏ vĩnh viễn lượng carbon dioxide trong khí quyển gấp 30 lần so với một khu rừng điển hình ở châu Âu có cùng diện tích.

Bà Fatna Ikrame El Fanne, một kỹ sư môi trường và là người đồng sáng lập phong trào cơ sở Thanh niên vì khí hậu Morocco, đã mô tả việc sử dụng tảo là “một chiến lược mới và đầy hứa hẹn”, “thể hiện việc sử dụng sáng tạo quy trình tự nhiên để giải quyết một vấn đề cấp bách toàn cầu”.

Theo bà El Fanne, đặc điểm địa lý của Morocco giúp nơi đây trở thành một môi trường phù hợp. Bà nói thêm: “Có những vùng sa mạc rộng lớn ở Morocco có thể chuyển đổi thành các dự án thu hồi và lưu trữ carbon”.

Tuy nhiên, El Fanne cũng bày tỏ sự thận trọng. Bà nói: “Việc nuôi trồng tảo trên quy mô lớn có thể gây hại cho hệ sinh thái địa phương, làm cạn kiệt nguồn nước và thay đổi môi trường sống. Các phương pháp quản lý đất bền vững, tiêu thụ nước hiệu quả, phục hồi sinh thái, tuân thủ quy định, sự tham gia của cộng đồng và giám sát liên tục là điều bắt buộc”.

Địa điểm thí điểm của Brilliant Planet có diện tích 3ha và sẽ mở rộng thành 30ha tại Akhfenir vào năm tới. Công ty còn có kế hoạch xây dựng một trang trại rộng 200ha, sau đó là 1.000ha tại địa điểm này.

Brilliant Planet có kế hoạch bán tín chỉ carbon để có kinh phí duy trì và phát triển hoạt động. Vào tháng 7, họ đã công bố thỏa thuận lớn đầu tiên với công ty công nghệ toàn cầu Block, để loại bỏ 1.500 tấn carbon dioxide vào năm 2027.

Việc mua bán tín chỉ carbon đang ngày càng phổ biến nhưng ngành công nghiệp này đã bị cáo buộc là thiếu minh bạch và thiếu quy định, với hiệu quả đáng ngờ.

Robert Hoglund, một cố vấn khí hậu độc lập cho biết hầu hết các khoản tín chỉ carbon được mua đều ở dạng tránh (chẳng hạn như tránh phá rừng) hơn là loại bỏ carbon. Trong số hơn 4 triệu tấn CO2 được mua bởi các công ty niêm yết cho đến nay, chỉ hơn 2% tín chỉ ở dạng loại bỏ carbon dioxit.

Taylor hy vọng những mảng tảo hữu hình, có thể cân đo đong đếm được sẽ khiến mô hình của Brilliant Planet trở nên hấp dẫn. Brilliant Planet cho đến nay đã nhận được hơn 26 triệu USD đầu tư và chuẩn bị nhận tiếp đợt tài trợ khác vào cuối năm nay.

Mục tiêu của Brilliant Planet là loại bỏ một triệu tấn carbon dioxide mỗi năm tương đương lượng khí thải hằng năm của 217.000 xe ô tô, vào cuối thập niên này. Taylor cho biết để đạt con số đó sẽ cần 10.000ha nuôi trồng tảo trên nhiều địa điểm và khoản đầu tư khoảng 1 tỉ USD.

Con số đó có vẻ lớn nhưng, Taylor phân tích: “Trên toàn cầu, chúng tôi đã xác định được khoảng nửa triệu cây số vuông đất sa mạc-đại dương phù hợp, đồng thời cho biết công ty hy vọng sẽ thành lập dự án tiếp theo ở Namibia.

Liệu nuôi trồng tảo có phải là giải pháp mà thế giới cần hay không vẫn còn phải xem. Nhưng ý tưởng đang phát triển cho thấy con người đang nghĩ mọi cách để cứu Trái đất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sa mạc bỗng trở thành cứu tinh giải quyết biến đổi khí hậu