Không ai phủ nhận rằng những thành tựu của nền kinh tế số 2 thế giới là có thật. Nhưng chúng không nhất thiết phải đồng nghĩa với sự chứng minh rằng Trung Quốc đang vượt qua phần còn lại của thế giới.

Thế giới có đang quá thổi phồng Trung Quốc?

Nhàn Đàm | 05/12/2017, 08:58

Không ai phủ nhận rằng những thành tựu của nền kinh tế số 2 thế giới là có thật. Nhưng chúng không nhất thiết phải đồng nghĩa với sự chứng minh rằng Trung Quốc đang vượt qua phần còn lại của thế giới.

Gần như hằng ngày, các tờ báo ở Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc đều phát hành các bài báo dưới những tiêu đề bắt mắt về những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc hay sức mạnh kinh tế vượt trội của nước này. Không ai phủ nhận rằng những thành tựu của nền kinh tế số 2thế giới là có thật. Nhưng chúng không nhất thiết phải đồng nghĩa với một sự chứng minh rằng Trung Quốc đang vượt qua phần còn lại của thế giới.

Một trong những vấn đề cơ bản của những bài báo kiểu này, đó là các nhà bình luận thường chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài mà bỏ qua những yếu tố cấu trúc đã định hình ra chúng. Sự thật phía sau đôi khi có sự khác biệt rất lớn đối với những vẻ bề ngoài của chúng. Có thể kể đến rất nhiều những ví dụ như vậy. Chẳng hạn như lĩnh vực thanh toán di động – lĩnh vực Trung Quốc đang là quốc gia dẫn đầu thế giới một cách rõ ràng và không thể chối cãi. Theo thống kê, trong năm 2016 Trung Quốc đã chi khoảng hơn 5 ngàn tỉ USD chỉ tính riêng trong lĩnh vực thanh toán di động thông qua những chiếc điện thoại thông minh, cao hơn gấp 50 lần so với ở Mỹ. Mức này được dự kiến sẽ còn tăng mạnh ở Trung Quốc trong năm 2017 do sự phổ biến của các nền tảng thanh toán di động đơn giản và kết nối được ngày càng nhiều người mua và người bán trong nền kinh tế hơn. Hiện tại, ở nhiều thành phố Trung Quốc tiền mặt đã gần như trở thành lỗi thời.

Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn, thì sự thúc đẩy việc áp dụng thanh toán di động này ở Trung Quốc chủ yếu dựa trên hai yếu tố. Thứ nhất, là hệ thống ngân hàng vẫn còn tương đối lạc hậu của nước này, vốn chủ yếu chỉ phục vụ cho các công ty lớn (thường là doanh nghiệp nhà nước) chứ không phải người tiêu dùng trong xã hội. Chính điều này đã làm đình trệ sự phát triển của lĩnh vực thanh toán thông qua thẻ tín dụng trong nền kinh tế. Ở nhiều thành phố Trung Quốc hiện nay, ngay cả thẻ tín dụng của các ngân hàng Trung Quốc cũng bị từ chối bởi các chủ cửa hàng ưa thích tiền mặt hơn.

Lý do thứ hai, đó là các công ty chủ chốt trong lĩnh vực thanh toán di động (điển hình như Tencent Holdings Ltd – công ty quản lý ứng dụng WeChat, và Alibaba Group Holding Ltd – nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu Trung Quốc) được hưởng những đặc quyền lớn, thường được gọi với cái tên: độc quyền ảo. Người dân Trung Quốc thường mất khoảng 30% thời gian sử dụng điện thoại thông minh của mình cho ứng dụng WeChat, không chỉ nhắn tin cho nhau mà gọi taxi, trao đổi thông tin kinh doanh, và đặt hàng các sản phẩm cần mua. Trong khi đó, Alibaba chiếm khoảng 60% thị trường thương mại điện tử vào năm 2016 và trên 50% vào năm 2017. Không có bất cứ hai công ty nào khác có thể đạt mức kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại thông minh của khách hàng như thế trên toàn thế giới.

Ngược lại với Trung Quốc, người tiêu dùng phương Tây có rất nhiều sự lựa chọn khi thanh toán mua sắm. Họ có thể sử dụng tiền mặt, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ với các mạng lưới thanh toán rất lớn, séc, Palpay hay gần đây hơn là các hệ thống thanh toán di động như Apple Pay. Mặc dù các khoản thanh toán di động ở phương Tây cũng đang tăng lên gần đây, nhưng các nhà cung cấp những dịch vụ thanh toán khác cũng đang đổi mới để tăng cạnh tranh đáng kể.

Các ví dụ tương tự cũng có thể tìm thấy ở những lĩnh vực khác. Alibaba đã thành công một phần lớn là vì việc bán lẻ hàng hóa tại thị trường đại lục gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn các thành phố ở Trung Quốc đều có dân số từ 500.000 người trở lên, và việc thuê các cửa hiệu hay thiết lập các chuỗi bán lẻ tại các thành phố này sẽ gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng cũng như giá cả thuê mượn. Chính điều đó đã khiến các nền tảng thương mại trực tuyến như Alibaba hay JD.com trở nên hấp dẫn hơn. Những người mua hàng chỉ việc đặt hàng thông qua ứng dụng di động, còn người bán sẽ nhận đơn hàng và xuất hàng trực tiếp từ kho của họ đến tận tay người mua. Điều này sẽ giúp giảm các gánh nặng chi phí về mặt bằng. Và đó là lý do vì sao các nhà bán lẻ trực tuyến như Alibaba lại phát triển mạnh mẽ đến vậy.

Thậm chí ngay cả những cơn sốt về chia sẻ xe đạp đã thu hút rất nhiều sự chú ý của truyền thông phương Tây thời gian vừa qua, một phần lớn cũng xuất phát từ tình trạng đặc thù của riêng Trung Quốc. Một phần lớn người Trung Quốc hiện vẫn đang có thu nhập tương đối thấp và vì thế nhu cầu sử dụng các phương tiện rẻ tiền từ các ga tàu điện ngầm hoặc các nút giao thông công cộng là rất lớn. Đó là lý do cơn sốt xe đạp chia sẻ này đã không diễn ra ở châu Âu, dù nó cũng đã khá thịnh hành cách đây ít lâu.

Không thể phủ nhận rằng các công ty Trung Quốc đã đạt được không ít những thành tựu công nghệ khá nổi bật, như trí tuệ nhân tạo hay các dây chuyền sản xuất tự động hóa cao hơn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là khả năng ứng dụng của chúng trên thực tế, cũng như khả năng của chúng trong việc giúp nền kinh tế Trung Quốc cải thiện ra sao. Một trong những vấn đề lớn nhất của kinh tế Trung Quốc hiện nay là hiện tượng đầu tư ra nước ngoài ồ ạt của các công ty nước này. Ngoài các lý do kinh tế khác, thì còn vì các giải pháp và công nghệ của những công ty này dường như đang không tương thích với nền kinh tế trong nước với những dị biệt đáng kể.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thế giới có đang quá thổi phồng Trung Quốc?