Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 vừa khép lại. Những đánh giá về kỳ thi này gắn với việc đổi mới phương thức thi còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết. Tuy có một vài ý kiến về đề thi môn Ngữ văn và môn Lịch Sử, nhưng nhìn chung, kỳ thi đã được tổ chức khá suôn sẻ. Thế nhưng không phải vì thế mà việc tổ chức thi theo phương thức trắc nghiệm được áp dụng khá triệt để đã làm những nhà giáo dục yên lòng!

Thay đổi cách thức thi THPT quốc gia: một góc nhìn

09/07/2017, 16:47

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 vừa khép lại. Những đánh giá về kỳ thi này gắn với việc đổi mới phương thức thi còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết. Tuy có một vài ý kiến về đề thi môn Ngữ văn và môn Lịch Sử, nhưng nhìn chung, kỳ thi đã được tổ chức khá suôn sẻ. Thế nhưng không phải vì thế mà việc tổ chức thi theo phương thức trắc nghiệm được áp dụng khá triệt để đã làm những nhà giáo dục yên lòng!

Những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho thấy dấu hiệu chuyển biến thực hiện mục tiêu

Từ khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm học 2016-2017, dư luận xã hội có nhiều ý kiến trái chiều. Người tán đồng với phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cho rằng, nó tiện cho khâu quản lý, đảm bảo khách quan trong đánh giá. Người không tán đồng thì cho rằng phương án thi như vậy vô hình trung làm cho kỳ thi mất đi tính khoa học và sư phạm.

Thiết nghĩ, việc bày tỏ ý kiến đánh giá phải dựa trên một quan điểm thống nhất. Nếu không, sẽ khó tránh khỏi tính chủ quan, dẫn đến không "thấu cảm" lẫn nhau và sẽ không đạt được sự đồng thuận!

Vậy thì, không còn cách nào khác là chúng ta trở về Nghị quyết 29-NQ/TW của BCHTW Đảng về "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo", mà sau đó là các chương trình hành động, các đề án và hệ thống các văn bản mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai để thực hiện. Trong đó, việc đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa; đổi mới phương pháp dạy, học; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá và đổi mới thi cử là những thành tố quan trọng trong một hệ thống, có mối quan hệ chặt chẽ, móc xích và ràng buộc lẫn nhau.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì đổi mới thi cử được xem như là khâu "đột phá" của đổi mới giáo dục, vì chỉ có đổi mới thi cử thì mới điều chỉnh ngược trở lại cách dạy của thầy và việc học của trò!

Vậy thì chúng ta hãy xem cách dạy của thầy và việc học của trò hiện nay có nhược điểm gì cần phải khắc phục? Điều này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ rõ trong rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổng kết đánh giá hàng năm: Đó là cách dạy, học chỉ coi trọng học thuộc kiến thức mà coi nhẹ rèn luyện kỹ năng thực hành! Đó là cách dạy, học coi trọng sự "đồng phục" về tư duy của học sinh mà coi nhẹ tính cá thể, tính sáng tạo và trải nghiệm của mỗi cá nhân! Đó là cách dạy của thầy, học của trò không đặt ra việc vận dụng lý thuyết vào giải quyết tình huống của cuộc sống đặt ra! Đó là cách dạy, học quá chú trọng phát triển tư duy logic, coi nhẹ phát triển tư duy hình tượng, tình cảm và cảm xúc thẩm mỹ. Trong việc dạy, học ngoại ngữ, thầy trò chỉ chú trọng nâng cao kiến thức về ngữ pháp, từ vựng mà coi nhẹ kỹ năng giao tiếp!

Bây giờ chúng ta thử đứng trên "quan điểm" của chính Bộ Giáo dục và Đào tạo để "soi xét" xem trong phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2016-2017 có thỏa mãn được yêu cầu nhằm điều chỉnh cách dạy của thầy, cách học của trò hay không?

Có thể nói rằng, qua một kỳ thi vừa diễn ra, với việc lạm dụng quá mức phương thức thi "trắc nghiệm", cho thấy giữa mục tiêu và giải pháp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện trong đổi mới thi cử là không thống nhất. Bởi lẽ:

- Một là, nếu các môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) được tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm, tức học sinh chỉ "tích" vào bài thi phương án lựa chọn đúng là đạt yêu cầu, thì thử hỏi trong quá trình dạy, học, thầy và trò có cần phải rèn luyện kỹ năng thực hành các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hay không? Những nơi dạy theo đúng sự chỉ đạo của Bộ (thí nghiệm, thực hành Lý- Hóa- Sinh) thì trong kỳ thi vừa rồi học sinh được thể hiện ở đâu? Có thể khẳng định rằng, trong nhiều năm qua, thực hiện sự chỉ đạo ráo riết của Bộ, các trường THPT cả nước đều phải đầu tư hàng trăm tỉ đồng để mua vật tư thiết bị, xây dựng phòng học bộ môn (Lý, Hóa, Sinh) đạt chuẩn; còn thầy trò thì hì hục, cặm cụi làm thí nghiệm, thực hành, nhưng rốt cuộc chẳng để làm gì!

- Hai là, trong việc dạy và học ngoại ngữ: Bộ cũng đánh giá việc dạy và học ngoại ngữ của thầy trò trong các trường rất yếu về các kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Cứ tưởng rằng, sắp tới Bộ sẽ "bắt" học trò phải thi "nghe" và thi cả "nói" nữa, để tạo động lực cho đổi mới cách dạy và học ngoại ngữ của thầy trò. Thậm chí, Bộ còn đặt ra mục tiêu là đến năm 2020, học sinh phải đạt yêu cầu về nghe, nói theo "chuẩn Châu Âu". Vậy mà lạ thay, trong kỳ thi vừa qua, thí sinh thi môn tiếng Anh chẳng cần thi nghe, thi nói...., mà chỉ cần "tích" vào bài thi tiếng Anh là "OK" rồi!

- Ba là, đối với môn Toán, ai cũng biết, việc giải ra đáp số không phải là thước đo duy nhất. Những học sinh giải cùng một đề toán có đáp số như nhau, nhưng phương pháp giải khác nhau, cách lập luận, trình bày... lại bộc lộ tính sáng tạo và kỹ năng của học sinh rất khác nhau. Vậy mà, giờ đây chúng bị cào bằng thì cái gọi là phát triển năng lực cá nhân người học được thể hiện thế nào?

- Bốn là, đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, mục tiêu của việc đổi mới chương trình đặt ra là học sinh không chỉ học thuộc kiến thức, mà còn phải biết vận dụng kiến thức đã học, kết hợp với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, trải nghiệm cuộc sống của mỗi cá nhân vào việc giải quyết vấn đề qua tình huống thực tiễn cuộc sống đặt ra. Vậy thì đề thi trắc nghiệm vừa rồi đã được thể hiện ở chỗ nào?

Xem thế đủ biết những gì thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chẳng những không có dấu hiệu chuyển biến thực hiện mục tiêu "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục" đã đề ra, mà còn thể hiện những dấu hiệu thụt lùi và làm ngược lại; đồng thời cũng thể hiện "nói" không đi đôi với "làm"!

Thiết nghĩ, với đổi mới cách thi như vừa rồi thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên "rút lại" những gì mà Bộ đã làm trong triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về đổi mới "căn bản, toàn diện giáo dục”. Nếu không thì, chả lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đang làm một việc "gậy ông đập lưng ông" đó sao?

Để lý giải về hiện tượng "bất thường" này, người viết bài này cứ vân vi với ý nghĩ: "Phải chăng lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đang là nạn nhân của một cơ chế quản lý tham mưu: Vụ Giáo dục trung học thì tham mưu phải đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học; còn Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thì lại không "thấu cảm" phải làm như thế để tạo "đột phá"; chỉ cần biết tổ chức làm sao để kỳ thi đơn giản, thuận tiện cho khâu quản lý của mình?

Câu hỏi này chỉ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mới trả lời được!

Cảnh Thụy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thay đổi cách thức thi THPT quốc gia: một góc nhìn