Lớp học có 15 trò, thì hơn chục em đỗ đại học. Những em khác đều có mức điểm cao hơn điểm sàn. Thầy Đặng Văn Mười (giáo viên dạy Lý, Trung tâm Giáo dục từ xa quận Sơn Trà, Đà Nẵng) coi đấy là niềm vui để tiếp tục dạy miễn phí giúp trò nghèo có thể bước chân vào cổng trường đại học.

Thầy dạy miễn phí, trò vào hết đại học

Một Thế Giới | 06/09/2015, 17:38

Lớp học có 15 trò, thì hơn chục em đỗ đại học. Những em khác đều có mức điểm cao hơn điểm sàn. Thầy Đặng Văn Mười (giáo viên dạy Lý, Trung tâm Giáo dục từ xa quận Sơn Trà, Đà Nẵng) coi đấy là niềm vui để tiếp tục dạy miễn phí giúp trò nghèo có thể bước chân vào cổng trường đại học.

Vượt mục tiêu nhờ học miễn phí

Sau ngày công bố điểm chuẩn, thầy Mười liên tục nhận được tin nhắn của các học trò báo đã đỗ đại học. Trần Thị Tuyết Minh (trường THPT Hoàng Hoa Thám, quận Sơn Trà) được 23,75 điểm, trong đó điểm Lý lên đến 8,5. Minh chia sẻ: “Trước khi tới lớp học của thầy, em đặt mục tiêu được 6,5 điểm Lý thôi, nhưng khi học được thầy chỉ bảo tận tình nên em hoàn toàn tự tin, đề thi em giải khá nhanh, điểm môn Lý của em cao nhất trong ba môn khối A”. Với số điểm trên, Minh đã đỗ vào trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Còn Trương Thị Hoa (trường THPT Tôn Thất Tùng, quận Sơn Trà) được 21,75 điểm trúng tuyển vào ngành Quản trị khách sạn của trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Hoa bất ngờ khi đạt tới 7,25 điểm Lý, môn học mà trước đây em rất thiếu tự tin.

15 em học ở lớp học miễn phí của thầy Mười đều có điểm thi môn Lý trên 7 và tổng điểm ba môn thi đều từ 19 điểm trở lên. Một số bạn dù điểm khá cao song còn do dự nộp vào các trường cao đẳng gần nhà có ngành nghề phù hợp thay vì đại học. “Không riêng năm này, các năm trước học trò ở lớp mình đỗ đại học rất đông, trong số đó có nhiều em đạt tới 25 điểm, trước đó thi đề khó hơn bây giờ nhiều”, thầy Mười nói.

Lớp thi đại học năm nay bắt đầu từ tháng 6 năm trước, nửa thời gian đầu thầy dạy kiến thức cơ bản, ra tết bắt đầu giải đề, tập trung cho việc thi đại học. Nguyễn Thị Bích Vy, kể: “Giờ học nào của thầy cũng “khoái” cả, thầy không ra đề rồi để tụi em tự làm, mà đưa ra vấn đề, bắt cả lớp cùng đóng góp ý kiến tìm cách giải. Vì vậy tụi em học được cách tư duy làm bài rất nhanh. Bài tập hôm nào phải xong hôm ấy, học với thầy rất thoải mái nhưng cũng rất nghiêm”. Những bạn khác thì coi thầy Mười như một người anh, bởi thầy thân thiện, tận tình trong cách giảng dạy và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn của học trò.

Nhà kẹt quá, cứ nói với thầy!

Năm nào cũng vậy, cứ đầu tháng 6 là thầy Mười lại “chiêu sinh” trò nghèo về học môn Lý tại nhà của mình trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Sơn Trà) cho tới cuối tháng 6 năm sau, sát ngày thi đại học mới nghỉ. Ngày trước học trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cậu sinh viên Đặng Văn Mười đã từng đi dạy kèm, mỗi nhóm bốn trò nhưng thường chỉ có một, hai em gởi tiền học phí, số còn lại khó khăn nên anh chẳng bao giờ hỏi. Ra trường năm 2011, về công tác tại Trung tâm GDTX quận Sơn Trà, anh lại thu xếp mở lớp học nhỏ cho trò nghèo. Anh nói: “Ở đâu cũng có học sinh hiếu học gặp hoàn cảnh khó khăn phải gác lại con đường học vấn. Mình mở lớp dạy thêm để các em có điều kiện, môi trường học tập, ôn luyện tốt nhất mà không phải chịu áp lực học phí”.

Lớp học của thầy năm nào cũng chừng hai chục trò, trò nghèo có, trò có hoàn cảnh khá hơn cũng tìm tới đây. Buổi học đầu tiên thầy luôn thoải mái: “Em nào có điều kiện thì đóng học phí, em nào khó khăn thì thôi. Miễn sao tới đây là phải học, phải chăm”. Tuần 3 buổi, thầy vẫn dạy đều đặn, sau Tết tăng cường thêm một buổi để giải đề thi. Nhiều em không học thường xuyên ở lớp của thầy, nhưng những hôm giải đề cũng tìm tới.

Suốt 4 năm trời, bao lứa học trò đỗ đại học từ lớp học miễn phí ấy. Rồi một đồn mười, càng ngày học trò khắp thành phố tìm tới lớp học của thầy ngày càng đông. Những cô cậu học trò nhà nghèo hiếu học bước chân vào lớp của thầy Mười ngày một nhiều hơn. Thầy kể: “Bố mẹ các em phần lớn là ngư dân, buôn bán nhỏ lẻ hoặc nghề nghiệp không ổn định nên không có điều kiện cho các em học thêm. Có em mấy tháng đầu đóng học phí đều đặn, tháng sau cứ rụt rè vì không có tiền đóng tiếp, em thì học miễn phí suốt cả năm trời. Mình hiểu, nói với các em đừng lo, hễ nhà kẹt quá thì cứ nói với thầy”.
Trần Duy Thiên (trường THPT Tôn Thất Tùng, quận Sơn Trà) là một trong những học trò có gia cảnh khó khăn tìm đến lớp học của thầy Mười, cảm động: “Em học gần cả năm trời mà không mất một đồng học phí, lại được thầy dạy rất nhiệt tình. Nếu không có lớp học của thầy, chắc chắn kết quả thi của em không được như bây giờ”, Thiên nói.

Thanh Trần/Tiền Phong


Bài liên quan
Ngày Di sản văn hóa Việt Nam: Nhiều di tích ở Hà Nội mở cửa miễn phí
Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, hàng loạt di tích lịch sử ở Hà Nội thông báo mở cửa miễn phí đón tiếp du khách tới tham quan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy dạy miễn phí, trò vào hết đại học