Làn sóng phản đối bạo lực học đường đã tạm lắng. Nhưng với cách xử lý vấn đề, nhiều người tỏ ra lo lắng về sự bùng phát trở lại. Nguyên nhân có nhiều, nhưng còn đó nỗi lo từ chính nhận thức của thầy cô...
Tác giả Tạ Lương, từ TP.HCM gửi đến Tòa soạn những băn khoăn quanh vấn nạn bạo lực học đường. Đây là quan điểm, nhận thức riêng của tác giả, trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Tình cờ vào một diễn đàn Giáo Viên trên facebook có tên “Chúng Tôi Là…” đọc được các dòng bình luận và bức xúc của các thầy cô về chuyện em gái bị đánh ở Trà Vinh mà tôi thực sự đau xót, đau xót vì giáo viên chỉ lo bảo vệ bản thân mà đổ trách nhiệm cho học sinh, đau xót vì thầy cô bất mãn và không còn tâm huyết với chính nghề giáo của mình... xin trích lại Status của admin fanpage như sau:
“Vụ kỷ luật Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm và Tổng phụ trách đội nặng hơn so với kỷ luật học sinh cho thấy rằng: Xã hội đang bao che thái quá và đùn đẩy hoàn toàn trách nhiệm giáo dục lên vai Các thầy cô giáo.
Đành rằng Nhà trường có trách nhiệm vì những gì đã xảy ra, nhưng còn gia đình và xã hội thì sao?
Nếu vụ việc diễn ra ngoài Nhà trường, gia đình (cụ thể là bố mẹ học sinh) có phải chịu trách nhiệm và bị xử lý hay không? Và sau này, những học sinh sẽ học được những gì từ điều đó? Các em sẽ hiểu rằng: Đánh nhau trong trường thì Nhà trường phải chịu trách nhiệm, giáo viên sẽ bị kỷ luật! Vì thế, đừng ai dại dột mà đụng và bắt tôi phải làm những cái mình muốn! Nếu ép quá là tôi đánh nhau với thằng bên cạnh cho ông bà nghỉ việc luôn.
Đã đến lúc cần dạy Kỹ năng sống cho học sinh! Đã đến lúc thôi đổ lỗi để học sinh phải chịu trách nhiệm đúng với việc mình làm thay vì bao bọc và kỷ luật những người xung quanh”.
|
Ảnh chụp màn hình |
Tiếp theo đó là rất nhiều các bình luận và chia sẻ mà tôi nghĩ của rất nhiều các thầy các cô đang trực tiếp giảng dạy các em trên ghế nhà trường, đa số các lời bình luận đều nặng tính chỉ trích các em học sinh và than vãn về “ thân phận” làm nghề giáo của mình.
Khi một vấn đề xảy ra, chúng ta nên xét ở nhiều góc độ khác nhau thì vấn đề sẽ mang tính khách quan nhiều hơn, trong trường hợp của các em tại Trà Vinh chúng ta cần phải nhìn ở góc độ nào để rõ ràng? Ai đúng ai sai? Ai là người phải chịu trách nghiệm chính? Giáo viên thì đổ lỗi cho học sinh hư, cá biệt, do sự dạy dỗ của gia đình, xã hội không tốt. Phụ huynh thì trông cậy vào nhà trường và giờ xảy ra chuyện thì nhà trường phải chịu trách nghiệm…cái vòng quay luẩn quẩn này biết bao giờ mới hết được?
Rồi cuối cùng cái án kỷ luật cũng được đưa ra và giáo viên thì giãy nảy lên như những người vô can và than trách rằng xã hội đùn đẩy trách nhiệm giáo dục lên hoàn toàn lên vai các thầy cô.
Từ xưa đến nay nghề giáo vẫn luôn được coi là một nghề cao quý, vì là người trực tiếp giảng dạy đạo đức và tri thức cho học sinh, xã hội càng phát triển, thời gian lên trường của các em có khi còn nhiều hơn ở nhà, thời gian tiếp xúc của các em với thầy cô giáo có khi còn nhiều hơn tiếp xúc với cha mẹ.
Trách nhiệm giáo dục vì thế được đè nặng lên vai các thầy cô giáo. Chính trách nhiệm nặng nề và sự khó khăn đó cho nên các thầy các cô luôn được xã hội tôn quý và kính ngưỡng, thậm chí người xưa còn có câu “một ngày làm thầy cả đời làm cha” điều đó đủ nói lên tầm quan trọng của thầy cô và giáo dục như thế nào.
Giáo dục cao quý là thế nhưng hiện nay một số bộ phận thầy cô lại xem đây là một gánh nặng, là một sự đùn đẩy trách nhiệm…Nếu các em đủ lớn đủ khôn, đủ nhận thức được mọi việc thì các em đâu cần đến trường, đâu cần các thầy các cô dạy dỗ, đâu cần phải gọi hai tiếng thầy cô?
Trách nhiệm của các thầy các cô là rèn giũa về đạo đức và tri thức cho học sinh, giống như 100 thanh sắt để rèn gươm thì chẳng thanh nào giống thanh nào cả, người thợ rèn giỏi là người biết lựa từng thanh sắt khác nhau, biết đặc tính của mỗi thanh sắt mà mỗi nhát búa mỗi lần trui đút đều khác nhau để cho ra một thanh gươm tốt. chứ không phải là dập chung một quy trình từ trên xuống dưới ai cũng giống ai rồi muốn ra sao thì ra.
Khoan đổ lỗi cho ai trong trường hợp trên, trước tiên các thầy cô giáo phải cảm thấy hổ thẹn khi để học sinh của mình hằng ngày dạy dỗ làm những điều như thế. Chúng ta phải biết hổ thẹn, phải biết nhận lỗi, nhận trách nhiệm chứ không phải tìm cách đổ lỗi cho gia đình hay xã hội.
Chưa kể sự công bằng ở đâu khi học sinh dũng cảm quay lại clip, lẽ ra phải được thưởng thì cũng bị phạt?
Tại sao lại so đo tính toán với các em, trong khi các em còn rất nhỏ bé, tôi nhận được câu phản hồi rằng các em đã lớn rồi, đã “12 tuổi” rồi, và phải tự chịu trách nhiệm cho việc làm của mình. Tôi trả lời rằng dù các em có 20 tuổi đi chăng nữa, một khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, vẫn còn gọi các thầy các cô bằng 2 tiếng thầy cô thì các thầy các cô vẫn phải thấy hổ thẹn và chịu một phần trách nhiệm với các em.
Tại sao chúng ta là người lớn, lại là thầy cô giáo mà lại đi so đo tính toán với các em, trong khi các em vừa nhỏ lại vừa là học sinh của mình. Đạo đức nằm ở tình thương, lòng bao dung, tha thứ, các thầy các cô là người truyền dạy các em về đạo đức mà lại không có những điều trên thử hỏi thầy cô truyền dạy được điều gì? Lòng đố kỵ, sự so đo tính toán hay trốn tránh trách nhiệm…Pháp luật, xã hội cũng có tính nhân văn khi trẻ chưa vị thành niên thì phạm tội không bị truy tố. Vậy các thầy các cô cũng nên có tính nhân văn nhiều hơn khi các em còn nhỏ, đừng chỉ trích, đổ tội cho các em nhiều quá vì các em còn rất bé nhỏ và còn có nhiều lỗi lầm.
Lại có ý kiến cho rằng những lời nói của tôi như trên mây và các em sẽ ngày càng hư hỏng và trèo lên đầu, lên cổ giáo viên. Tôi nghĩ rằng người thầy cô giáo giỏi là người biết dùng cái đức của mình để cảm hóa dạy dỗ học sinh làm cho học sinh biết nghe lời, chứ không phải bằng lời quát mắng, giận dữ và bạo lực, điều đó chỉ đem lại phản tác dụng mà thôi.
Bằng chứng thời đi học lớp tôi cũng có rất nhiều thành phần ngỗ ngược, thậm chí có thầy cô không chịu nổi phải tức giận mà khóc lên vì sự ngỗ ngược ấy, nhưng duy chỉ có 1 người thầy chưa bao giờ quát mắng chúng tôi, thầy chỉ nói lời nhỏ nhẹ để giảng giải về đạo đức và dạy cách làm người, trong tiết học của thầy học sinh không nói chuyện, nghe lời thầy răm rắp và rất kính nể thầy. Kính nể thầy vì các thầy thương yêu học sinh, cách dạy học của thầy luôn tôn trọng học sinh dù đó là người ngỗ ngược và dùng lòng bao dung độ lượng để hóa giải những chuyện lỗi lầm của bất cứ ai….
Thiết nghĩ các thầy các cô cũng nên như vậy, muốn làm người thầy cô giỏi hãy khoan đòi hỏi, phải biết chấp nhận hy sinh và hơn ai hết phải yêu thương và hiểu rõ học sinh như những đứa con của mình vậy. Chỉ có yêu thương chúng ta mới dễ dàng tha thứ và bao dung những lỗi lầm cho con trẻ, mới đem hết tâm huyết của mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, một nghề cao quý và đáng trân trọng.
Theo Tạ Lương (Giáo dục Việt Nam)