Trong tháng 5, Bộ Tài chính sẽ thanh tra các công ty chứng khoán. Điều này liệu có ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư?

Thanh tra công ty chứng khoán: Tâm lý nhà đầu tư?

Tuyết Nhung | 17/05/2022, 14:45

Trong tháng 5, Bộ Tài chính sẽ thanh tra các công ty chứng khoán. Điều này liệu có ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư?

Thanh tra các công ty chứng khoán

Như Một Thế Giới đã đưa tin, trong tháng 5 này, Bộ Tài chính sẽ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán được chấp thuận trên cơ sở kế hoạch đã được điều chỉnh; xử lý nghiêm vi phạm trên cơ sở kết quả giám sát.

9779-1649687370-chung-khoan.jpg
Thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm 6 tuần liên tiếp - Ảnh: BTC

Thông tin này liệu có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư vốn đang dao động mạnh? Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước vừa cho biết, theo báo cáo tài chính kinh doanh quý 1/2022, hiện có 86% các doanh nghiệp niêm yết báo cáo có lãi. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng này tương đối nhiều.

"Các nhà đầu tư hãy bình tĩnh, đầu tư vào giá trị doanh nghiệp chính là đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp mà mình nắm giữ, tránh bán tháo một cách không cần thiết. Chúng ta có nền tảng kinh tế vĩ mô tốt, khung pháp lý về chứng khoán hoàn chỉnh, chiến lược về phát triển chứng khoán đã phát triển lâu dài", ông Sơn khẳng định.

Theo ông Sơn, việc thanh tra, kiểm tra trên thị trường chứng khoán là hoạt động thường xuyên. Đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Quan điểm của cơ quan quản lý: đã là thị trường thì phải có kỷ cương, kỷ luật của thị trường. Việc xử lý vi phạm là tốt cho thị trường chứng khoán. Vì vậy, việc xử lý vi phạm hay thanh tra, kiểm tra các thành viên trong thị trường chứng khoán không phải là yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Những biện pháp xử phạt thời gian qua sẽ giúp tăng tính minh bạch của thị trường và không ảnh hưởng đến mục tiêu và định hướng phát triển thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của cơ quan quản lý.

Nguyên tắc của thị trường chứng khoán là đảm bảo công khai, minh bạch về thông tin. Quan điểm của cơ quan quản lý là thị trường càng công khai, minh bạch bao nhiêu thì sẽ càng phát triển bền vững.

Về mua bán, giao dịch lô lẻ, ông Sơn cho biết hiện Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đang thử nghiệm với các công ty chứng khoán về việc này, sang tuần tới sẽ hoàn tất. Khoảng đầu tháng 6 sẽ cho phép giao dịch chứng khoán lô lẻ này.

Còn về việc thay đổi, tính toán để tránh tác động của VN30 đến thị trường, ông Sơn cho rằng VN30 đã được đưa ra hơn 10 năm, hoạt động của VN30 cũng dựa trên thông lệ quốc tế. Trong VN30 hiện nay có 30 công ty chứng khoán đảm bảo trên 80% mức vốn hóa của thị trường, mức phổ quát tương đối lớn.

"Tôi nghĩ rằng sẽ bổ sung thêm một vài tiêu chí trong VN30, chứ không thay đổi gì, trong đó chúng tôi sẽ xem xét tỷ trọng về phân ngành trong VN30, xem xét tỷ trọng thanh khoản... Chúng tôi sẽ có ý kiến với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam để bổ sung thêm những tiêu chí sao cho phù hợp với thị trường chứng khoán hiện tại", ông Sơn cho hay.

6 tuần sụt giảm liên tiếp

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận 6 tuần sụt giảm liên tiếp kể từ đầu tháng 4 đến nay. Chỉ tính riêng trên sàn TP.HCM, vốn hóa thị trường đã giảm hơn 1,25 triệu tỉ đồng, tức hơn 52 tỉ USD. Hầu hết cổ phiếu đã giảm 40 - 50% khiến các nhà đầu tư lỗ lớn.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16.5, thị trường chứng khoán vẫn trên đà giảm, chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.171,95 điểm, giảm 0,91% so với phiên cuối tuần trước. Thanh khoản trên sàn HoSE tiếp tục ở mức thấp khi chỉ đạt 14.577 tỉ đồng.

Thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, trước tác động tổng hòa từ yếu tố tâm lý trong nước và đặc biệt là các rủi ro từ thị trường quốc tế như: Fed tăng lãi suất mạnh, căng thẳng địa chính trị chưa được giải quyết, áp lực lạm phát, giá cả đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là giá năng lượng...

Mặc dù thị trường vẫn được kỳ vọng rất lớn sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và các năm tiếp theo, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có thể còn có sự biến động mạnh, cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư.

Đối với các giải pháp trung và dài hạn, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết cơ quan quản lý đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển thị trường đến năm 2030 để định hình rõ mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển thị trường về dài hạn.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ rà soát, đánh giá tổng kết để kiến nghị những nội dung còn bất cập trong khuôn khổ pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán (kể cả Luật Chứng khoán, và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành), nhất là các quy định về minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của bên tham gia, các chế tài xử phạt vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư.

Đối với dòng vốn ngoại, bên cạnh các giải pháp để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng đang đẩy nhanh các giải pháp để rút ngắn tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.

"Dù việc nâng hạng sẽ phụ thuộc rất lớn vào các tổ chức xếp hạng thị trường, tuy nhiên, Ủy ban đang phối hợp với các cơ quan liên quan để thống nhất giải pháp, vạch lộ trình rõ ràng hơn, phấn đấu cao nhất để kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng sớm nhất, đạt mục tiêu Chính phủ đã đề ra", một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết.

Tại hội nghị "Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế", Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện ngay các biện pháp như bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ, không để một số vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đến việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu, cổ phiếu để phát triển kinh tế đất nước. Ai cố tình vi phạm thì phải cương quyết xử lý nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế.

Bài liên quan
Cựu Chủ tịch Công ty chứng khoán hầu tòa trong vụ lừa đảo gần 300 tỉ đồng
Cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán SMES bị đưa ra xét xử tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh tra công ty chứng khoán: Tâm lý nhà đầu tư?