Theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, đại dịch COVID-19 vừa qua cũng như việc phục hồi kinh tế hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu
Chuyển đổi số hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra tác động kép vừa góp phần phục hồi, tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện.
Đến nay, trên ứng dụng Mobile banking, ví điện tử và tạo lập hệ sinh thái số của các ngân hàng, trung gian thanh toán, người dân không chỉ đơn thuần chuyển tiền mà còn có thể thanh toán, chi trả cho hầu hết mọi nhu cầu mua sắm giao dịch hàng ngày cả trực tiếp lẫn trực tuyến.
Nhờ đó, thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng mạnh hàng năm 90% về số lượng và 150% về giá trị. Nhiều ngân hàng đạt trên 90% giá trị giao dịch trên kênh số.
Thực tế, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam được đưa ra từ năm 2006, khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg ngày 29.12.2006 phê duyệt “Đề án TTKDTM giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020”.
Theo đó, mục tiêu đến cuối năm 2010 phát hành 15 triệu thẻ, năm 2020, con số này là 30 triệu thẻ. Tuy nhiên, đề án này chỉ tập trung triển khai TTKDTM thông qua việc thúc đẩy phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng, bởi thời điểm này thẻ ngân hàng chủ yếu chỉ dùng để giao dịch rút tiền trên máy ATM, còn thanh toán trên máy POS là điều khá mới mẻ.
Từ năm 2008, khi thị trường xuất hiện hàng loạt công ty công nghệ tài chính (Fintech) tham gia TTKDTM dưới hình thức dịch vụ trung gian thanh toán, nhưng phương thức thanh toán này thời điểm đó mới chỉ tự phát và chưa được công nhận. Đến cuối năm 2015, Ngân hàng Nhà Nước bắt đầu cấp giấy phép hoạt động đối với các công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ trung gian thanh toán.
Sau này, các hình thức thanh toán khác đã liên tiếp xuất hiện. Các ngân hàng và công ty công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam đưa vào ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị điện thoại di động, sử dụng mã QR Code, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS… theo xu hướng giao dịch thanh toán điện tử. Điều này khiến những quy định trước đây để thúc đẩy TTKDTM trở nên lỗi thời, không đáp ứng được xu hướng mới.
Mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025 giá trị TTKDTM gấp 25 lần GDP; TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; tăng số lượng điểm chấp nhận TTKDTM lên trên 450.000 điểm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch đạt 20-25%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán này đạt 40%; đối với dịch vụ công, 90-100% cơ sở giáo dục, 60% cơ sở khám chữa bệnh, 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức không dùng tiền mặt…
Hướng đi hữu hiệu giúp phục hồi và phát triển kinh tế
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc dịch chuyển sang thanh toán điện tử góp phần làm cho các hoạt động gắn liền với nền kinh tế số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo ông Thịnh, hành vi tiêu dùng đã có nhiều thay đổi, nhất việc nộp phí các dịch vụ công, viện phí, học phí, tiền điện, nước... đã chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, việc phát triển thương mại điện tử cũng khiến thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến hơn trong nền kinh tế.
Chuyên gia này cho rằng việc áp dụng TTKDTM có ý nghĩa quan trọng bởi tiết kiệm chi phí cũng như thời gian cho tất cả đối tượng hoạt động trong nền kinh tế. Lý do là hình thức này có tốc độ chuyển tiền nhanh, không tốn chi phí bảo quản tiền; đồng thời nâng cao sự công khai minh bạch các khoản thu chi, tránh hiện tượng trốn thuế, gian lận tài chính. Qua đó, tạo động lực cho doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, cạnh tranh bình đẳng.
“Đại dịch vừa qua cũng như việc phục hồi kinh tế hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt có ý nghĩa quan trọng. Quá trình thanh toán không cần sự tiếp xúc giữa người mua, người bán, người nhận, người chuyển… đã góp phần đảm bảo công tác phòng chống dịch, thuận tiện, kịp thời trong công việc kinh doanh, buôn bán. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng đã thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người dân khi áp dụng công nghệ nhiều hơn, tạo động lực cho các ngân hàng đẩy mạnh TTKDTM”, ông Thịnh nêu.
Ông Phùng Duy Khương, Phó tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của VPBank cho rằng sự thay đổi trong hành vi và nhu cầu của người tiêu dùng được phản ánh rõ qua kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen. Theo đó, tỷ lệ người Việt Nam dùng mobile banking và internet banking ở thời điểm quý 4/2018 lần lượt là 22% và 28%. Gần 3 năm sau, quý 3/2021, tỉ lệ này đã tăng lên 68% và 75%.
Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy sự chuyển đổi nhanh hơn. Kết quả từ một cuộc khảo sát của Nielsen trong năm 2021 cho thấy, gần 40% người tiêu dùng tại Việt Nam đang dùng ngân hàng số cho biết họ sẽ sử dụng thường xuyên hơn ngay cả khi dịch được kiểm soát.
Giải pháp nào phát triển thanh toán không dùng tiền mặt?
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, TTKDTM hiện còn rất nhiều hạn chế từ thói quen, tâm lý của người dân, cơ sở hạ tầng và sự kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán; còn nhiều rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật thông tin khi thanh toán theo hình thức này…
Theo ông Đinh Trọng Thịnh, có nhiều rào cản để phát triển TTKDTM, trong đó có nguyên nhân từ chính là thói quen dùng tiền mặt của các chủ thể trong nền kinh tế.
“Ngoài ra, việc thiếu tính thuận lợi trong TTKDTM cũng là một rào cản. Chúng ta phát triển thanh toán không dùng tiền mặt không tương xứng so với nhu cầu và chậm so với nhiều quốc gia. Chúng ta cũng chưa phát triển được hạ tầng, dù tỷ lệ dùng điện thoại thông minh của Việt Nam thuộc loại cao của thế giới”, ông Thịnh nêu.
Để thúc đẩy việc TTKDTM, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng phía ngân hàng cần phát triển được hạ tầng đảm bảo cho hoạt động thanh toán tín dụng thông thoáng, trôi chảy, dễ dàng với nhiều đối tượng sử dụng; đồng thời tăng cường bảo mật để đảm bảo tài sản cho người sử dụng, tạo niềm tin cho người dân. Ngoài ra, người dân cũng cần nâng cao hiểu biết đối với vấn đề này để vừa thuận tiện, vừa an toàn cho tài sản của mình.
Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng trước hết cần xây dựng môi trường sinh thái thanh toán điện tử trong nền kinh tế quốc dân. Tham gia vào đó là rất nhiều chủ thể. Trong đó ngân hàng chỉ là 1 bộ phận trong hoạt động thanh toán này, ngoài ra còn những công ty Fintech với các công nghệ cao phục vụ hoạt động thanh toán.
“Việc kết hợp công nghệ cao với các chính sách, biện pháp, quy định của cơ quan quản lý tài chính là một trong những đòi hỏi quan trọng để chúng ta có thể đảm bảo yêu cầu về nâng cao vị thế thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế quốc dân”, ông Thịnh nói.
Song song với đó, ông Thịnh nhấn mạnh cần đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, đảm bảo sự lan tỏa của hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trên cơ sở ứng dụng công nghệ…
Được biết, Ngân hàng Nhà nước cũng đang hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech Sandbox); triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money)…
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”