Vâng, thật đáng tự hào, nhưng để thành tích này của Hoàng Xuân Vinh không lẻ loi, mai một, đột xuất, chắc là phải còn một chặng đường rất dài, rất xa khi mà từng có những VĐV đem lại thành tích xuất sắc cho quốc gia nhanh chóng bị lãng quên, sống đời nghèo khổ.

Thành tích thể thao: Phấn khích và lãng quên

11/08/2016, 16:17

Vâng, thật đáng tự hào, nhưng để thành tích này của Hoàng Xuân Vinh không lẻ loi, mai một, đột xuất, chắc là phải còn một chặng đường rất dài, rất xa khi mà từng có những VĐV đem lại thành tích xuất sắc cho quốc gia nhanh chóng bị lãng quên, sống đời nghèo khổ.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh vừa xuất sắc đoạt Huy chương vàng và Huy chương bạc Olympic Brazil 2016

Phát súng đoạt huy chương vàng của VĐV Hoàng Xuân Vinh như tiêm một liều phấn khích vào tinh thần thể thao tưởng chừng như đã nguội lạnh từ lâu của người Việt.

Những lời khen có cánh, kể cả MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên của Thúy Nga Paris cũng tung ra liên tục các status trên mạng xã hội chúc mừng Hoàng Xuân Vinh và mới đây nhất cô chia sẻ clip tập bắn súng và xin làm “đệ tử” của xạ thủ bách phát bách trúng Hoàng Xuân Vinh.

Mạng xã hội Weibo TQ cũng không tiếc lời ca ngợi Hoàng Xuân Vinh: Có lẽ do đoàn Việt Nam không nghĩ tới việc giành HCV nên sau khi đoạt HCV Olympic môn bắn súng 10m nam, Hoàng Xuân Vinh không có xe đưa đón, lặng lẽ trở về trung tâm thành phố bằng chuyến xe chuyên dụng cuối cùng. Đến khi anh xuống xe các phóng viên mới nhận ra và dành cho anh một tràng vỗ tay tán thưởng.

Ngoài một số bình luận mang tính công kích, đa số bình luận khen ngợi Hoàng Xuân Vinh tử tế kiểu: Nỗ lực không phân biệt quốc gia, nỗ lực đáng được tôn trọng! Đây mới là quán quân thực sự, thật lòng chúc phúc cho anh! Vỗ tay cho những "chiến binh" đã nỗ lực trên sàn đấu của Olympic. Chúc phúc, cố lên!

Vâng, thật đáng tự hào, nhưng để thành tích này không lẻ loi, mai một, đột xuất, chắc là phải còn một chặng đường rất dài, rất xa khi mà từng có những VĐV đem lại thành tích xuất sắc cho quốc gia nhanh chóng bị lãng quên, sống đời nghèo khổ.

Xin đơn cử một số phận khác cũng trong môn bắn súng: siêu xạ thủ Trần Oanh.

Năm 1963, Trần Oanh phá kỷ lục thế giới môn bắn súng ổ quay ở Olympic Tiệp Khắc. Tủ kệ của Trần Oanh đầy ắp huy chương và những chứng nhận xưng tụng.

Tiếng tăm của ông lừng lẫy, nói đến ông lúc ấy hầu như ai cũng biết, ai cũng tự hào, nhưng ông đi cả năm trời, chỉ cuối năm mới về ăn Tết cùng gia đình. Bà ở nhà một mình lo cho đàn con, cày cấy cho hợp tác xã, chăm lo ruộng vườn, ăn khoai ăn sắn thay cơm để ông đi "lập chiến công".

Báo chí kể lại, con dâu ông nước mắt rưng rưng khi nhắc lại câu chuyện về người bố chồng, rằng cuối đời, ông hay nhắc lại rằng cả cuộc đời ông có tiếng mà không có miếng, chẳng phải hờn trách hay oán thán, mà như xót xa thanh minh với vợ với con về những gì họ phải trải qua.

Năm 1974, ông nghỉ hưu về quê, ngày ngày lên núi lấy củi, xuống biển hớt tép, cào ngao đổi lấy cái ăn cho gia đình và... có tiền mua rượu. Nghỉ hưu rồi, ông vẫn vừa thi đấu giải ở tỉnh, vừa huấn luyện. Một năm đi chừng vài đợt, tiêu chuẩn gạo 13,5 cân và lương hưu ít ỏi cũng chẳng thể trang trải nổi gia đình.

Những năm cuối đời, cố xạ thủ Trần Oanh vẫn đau đáu nỗi đau về cảnh nghèo khó của gia đình, có lỗi với người vợ tảo tần hôm sớm để nuôi đàn con thơ. Thứ duy nhất ông để lại cho con là những tấm huân, huy chương, được mấy anh em dùng để đánh đáo, rồi mất gần hết.

Năm 2000, cố xạ thủ Trần Oanh được Ủy ban Olympic Quốc tế công nhận là Vận động viên xuất sắc nhất thế kỷ 20 của Việt Nam. Tỉnh Thanh Hóa cũng xây nhà bắn súng lưu niệm mang tên Trần Oanh. Nghe thì rất hoành tráng.

Nhưng rồi sau nữa, tất cả nhanh chóng rơi vào lãng quên.

Con cháu ông Trần Oanh cũng rất khó khăn, có lúc phải mang huy chương vàng ra tiệm vàng bán nhưng tiệm vàng “khò” xong thì chê không mua.

Câu chuyện của Trần Oanh thật ra mang mẫu số chung của những vận động viên thành tích cao và đau đớn hơn nó nói lên mặt trái của xã hội, khi mà thành tích và nỗ lực cá nhân xưng tụng là nhằm mục đích lấy thành tích cho tổ chức, tranh công chứ không phải vì một nền thể thao nước nhà lành mạnh.

Câu chuyện VĐV Hoàng Hà Giang cũng vậy, 15 tuổi là Á quân ASIAD ở nội dung 49kg nữ môn taekwondo. 15 tuổi HCV Đại hội võ thuật trẻ thế giới. Đến năm 17 tuổi, Hà Giang giành thêm 1 HCV trẻ thế giới nữa, cộng với suất dự Olympic Bắc Kinh 2008.

Nhưng cũng ở tuổi ấy, cánh cửa sự nghiệp đã sớm đóng chặt với ngôi sao tài hoa nhưng bạc mệnh này. Suất tham dự Olympic vừa giành được phải nhường cho đồng đội khác, khi căn bệnh lupus ban đỏ bắt đầu hình thành trong cơ thể cô gái tội nghiệp.

Ngoài việc được ngành TDTT TP.HCM cưu mang bằng cách cho hưởng chế độ VĐV cấp thành phố, cùng công việc vừa sức ở Hiệp hội Taekwondo TP.HCM, Hoàng Hà Giang không có thêm bất cứ chế độ nào khác xứng với đẳng cấp và xứng với những chiến tích chói lọi mà cô từng đoạt được.

Cô bị lãng quên đến mức có giai đoạn bao nhiêu tiền dành dụm của cựu ngôi sao tầm châu Á này tưởng như cạn sạch. Đó là thời điểm Giang phải dồn tiền để mua một căn hộ chung cư nho nhỏ. Nhưng tiền đã đóng hơn 50% mà nhà vẫn chưa thấy đâu, do dự án xây dựng chung cư không hoàn thành. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc đầy mạnh mẽ, chủ đầu tư của dự án nọ mới hoàn trả lại số tiền mà Hoàng Hà Giang đã đóng vào đấy. Rồi cũng thông qua báo chí, đã có một trận đấu bóng đá và một buổi đồng diễn taekwondo gây quỹ ủng hộ Hoàng Hà Giang hồi cuối năm 2013, giúp cô vơi bớt khó khăn, trong khi vai trò của các cấp có thẩm quyền của ngành TDTT lại khá mờ nhạt.

Hoàng Hà Giang cũng không phải là trường hợp duy nhất liên quan đến các tài năng thể thao bị quên lãng sau ánh hào quang. Ít năm trở lại đây, người ta cũng bắt gặp trường hợp của nữ hoàng một thời của điền kinh Việt Nam Vũ Bích Hường vất vả mưu sinh sau khi giải nghệ. Từng có thời mỗi khi người ta nhắc đến Vũ Bích Hường là nhắc đến thế hệ tiên phong, giúp cho điền kinh Việt Nam có được sức mạnh như ngày nay.

Hoặc như Vũ Thị Nguyệt Ánh (karatedo) phải nén đau thi đấu thêm mấy năm dù bị chấn thương, mới đủ tiền ra nước ngoài phẫu thuật cho chính chấn thương ấy, hay Văn Ngọc Tú (judo) gần như không có đối thủ trên võ đài khu vực, nhưng giờ vẫn phải vật lộn giữa cuộc chiến mưu sinh.

Rồi có ai còn nhớ đến niềm hy vọng vàng Trần Thanh Ngời (judo) đã vĩnh viễn ra đi vì chấn thương đốt sống cổ, khi đang tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003 trên sân nhà?

Đời VĐV đỉnh cao ngắn ngủi tựa như cái chớp mắt, vinh quang trong thể thao đỉnh cao vụt chớp rồi vụt tắt như ngôi sao băng lao qua bầu trời. Ấy vậy mà, đằng sau những ánh hào quang đấy, rất, rất nhiều tài năng thể thao chưa được quan tâm và đãi ngộ tương xứng với sự tận hiến của họ.

Không giải gấp bài toán ấy, e rằng khó khuyến khích được những VĐV triển vọng quyết liệt theo đuổi nghiệp VĐV đỉnh cao, khi chính các em sẽ nhìn thấy sự đắng cay, vất vả mà các bậc đàn anh đàn chị phải chịu, lúc bước qua bên kia sườn dốc của sự nghiệp.

Ở các nước dân chủ văn minh, lòng tự hào dân tộc không bị lạm phát, thành tích không trở thành món hàng đầu cơ trong tay giới lãnh đạo thể thao, đầu cơ xong rồi thôi. Lòng tự hào tùy thuộc vào mỗi cá nhân, có người nhắc đến niềm hãnh diện cho dân tộc, và có nhiều người hơn chỉ giản dị xem đấy là hãnh diện cho cá nhân, hoặc cho trường học, gia đình. Điều này cũng tương tự trong thành tích thi đấu về học tập như các giải Olympic toán, lý… quốc tế.

Quan trọng vẫn là thành tích cá nhân cho dù là ở lĩnh vực thể thao hay học tập, khoa học… phải là kết quả tất yếu của một nền thể thao có nền móng vững chắc, nền giáo dục quốc dân lành mạnh, bền vững.

Như vậy nguyên khí quốc gia mới được bồi đắp, bền vững.

Hoàng Linh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thành tích thể thao: Phấn khích và lãng quên