Ở 2 xã Đại Hợp và Lập Lễ (Hải Phòng), các cô gái vừa lớn đã vội vàng theo nhau đi lấy chồng ngoại khiến nhiều thanh niên trai tráng đứng trước nguy cơ ế vợ. Nhiều người ngậm ngùi chịu cảnh độc thân. Thực trạng nhức nhối này đã khiến không ít thanh niên tìm  bắt đền Chủ tịch xã vì đã để trai làng... ế vợ.

Thanh niên kéo nhau bắt đền Chủ tịch xã vì bị... ế vợ

Một Thế Giới | 28/07/2015, 10:15

Ở 2 xã Đại Hợp và Lập Lễ (Hải Phòng), các cô gái vừa lớn đã vội vàng theo nhau đi lấy chồng ngoại khiến nhiều thanh niên trai tráng đứng trước nguy cơ ế vợ. Nhiều người ngậm ngùi chịu cảnh độc thân. Thực trạng nhức nhối này đã khiến không ít thanh niên tìm  bắt đền Chủ tịch xã vì đã để trai làng... ế vợ.

Làng "xuất khẩu cô dâu"

Xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng vốn được mệnh danh là "làng xuất khẩu cô dâu" bởi trong số 12 ngàn nhân khẩu của xã đã có 1.000 cô gái đi lấy chồng ngoại quốc. Cho đến nay, con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều gia đình ở Đại Hợp ấp ủ giấc mộng cho con gái đi lấy chồng ngoại để có ngày được đổi đời, đem vinh hoa phú quý về cho gia đình, con cháu, họ hàng. Nhiều gia đình có không chỉ một mà đến hai, ba, bốn cô dâu đi lấy chồng nước ngoài. Con số thống kê mới nhất mà chính quyền xã Đại Hợp đã làm rõ trong tổng số các hộ gia đình có con gái đi lấy chồng ngoại quốc ở địa phương thì đã có tới 6% gia đình có 2 con lấy chồng nước ngoài, trên 1,4% có 3 con lấy chồng nước ngoài, và trên 1,4% có 4 con lấy chồng nuớc ngoài.
Thanh nien bat den Chu tich xa… vi “xuat khau het co dau”-hinh-anh-1
 Tranh minh họa

Thực trạng "xuất khẩu" cô dâu đáng báo động tại Đại Hợp đã xảy ra từ rất nhiều năm nay nhưng chính quyền xã bó tay vì việc này chẳng vi phạm đến pháp luật. Việc có quá nhiều người đi lấy chồng nước ngoài gây nên không ít phiền toái cho nhân dân trong xã. Bà Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch UBND xã Đại Hợp, một người đã chứng kiến thay đổi đến chóng mặt của địa phương từ khi có phong trào lấy chồng ngoại xuất hiện. Con số mà chính quyền xã đã thống kê chưa thật sự đầy đủ là đã có gần 1.000 cô gái đã và chuẩn bị đi lấy chồng ngoại. Bà Thúy cũng như các cán bộ chính quyền xã cũng đã có nhiều biện pháp nhưng vì việc đi lấy chồng ngoại không vi phạm pháp luật nên cũng chẳng thế nào giải quyết được.

Từ nhu cầu lấy chồng Tây của nhiều cô gái trong xã, ở Đại Hợp nở rộ ồ ạt những lớp học ngôn ngữ, những lớp "kỹ nghệ" lấy chồng Tây, mai mối khiến đời sống ngày một thêm phức tạp. Trước đây, đa số con gái Đại Hợp đi lấy chồng người Trung Quốc. Nhưng dạo gần đây nhiều người có xu hướng lấy chồng Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc... Những đám cưới lấy chồng ngoại quốc ở xã thường chỉ có độc một bên nhà gái, nhà trai chỉ có duy nhất chú rể và người phiên dịch. Ở những đám cưới kiểu này, khách khứa cũng chỉ có bạn bè, họ hàng bên nhà gái và cái phần mà người ta mong đợi nhất chẳng phải lúc mà cô dâu, chú rể trao nhẫn cưới cho nhau mà là lúc nhà gái mừng rỡ nhận... phong bì từ tay chú rể. Những hình ảnh chú rể hói đầu, tóc hai màu, chân đi không vững,... chẳng hiếm gặp ở đây. Nhưng dân xã Đại Hợp coi đó là chuyện thường tình.

2.000 thanh niên ế vợ

Không chỉ ở Đại Hợp mà ở Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên), chuyện con gái đi lấy chồng nước ngoài cũng không còn gì xa lạ. Đại Hợp và Lập Lễ là hai xã đứng đầu thành phố Hải Phòng về tình trạng "xuất khẩu cô dâu". Riêng ở xã Lập Lễ có tới gần 90% số hộ gia  đình làm nghề biển. Chuyện ế vợ đã trở nên nhức nhối tới mức mà người dân còn cấm con trai đi biển để ở nhà đi... tán gái. Có những lúc cao điểm Lập Lễ có tới 2.000 thanh niên nam chưa lấy được vợ. Rất nhiều thanh niên do không lấy được vợ làng đã phải tìm ra các tỉnh khác như: Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nam Định... để tìm vợ, thậm chí là đến cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Khi những cô gái làng đến tuổi cập kê đua nhau đi lấy chồng ngoại quốc, trong làng chỉ còn lại những thanh niên trai tráng ngậm ngùi vì không tán được vợ. Nhiều người vì thế mà sống cô đơn cho đến khi lớn tuổi. Ở Đại Hợp cũng như Lập Lễ, chuyện thanh niên trai tráng và trung niên sống một mình nhiều như nấm sau mưa. Bởi thế mà người dân ở đây có một nỗi sợ vô hình nhưng rất mạnh mẽ cho những thanh niên tuổi đôi mươi - nỗi sợ không lấy được vợ. Chính từ việc các thiếu nữ nô nức kéo nhau đi lấy chồng ngoại mà đã dẫn đến nhiều hệ lụy bất thường ở Đại Hợp, thậm chí còn cả hộ dân kéo nhau lên bắt đền chính quyền xã vì cậu con trai độc đinh đến 40 tuổi vẫn chưa có vợ.

Câu chuyện này xảy ra vào năm 2013, khi đó gia đình ông Nguyễn Văn Hiếu (ngụ thôn Quần Mục, xã Đại Hợp) đã lên trụ sở UBND xã "bắt đền" chủ tịch vì cậu con trai độc đinh năm nay U.40 mà vẫn ế vợ. Con trai ông Hiếu vốn có một mối tình 2 năm sâu đậm với cô gái xinh đẹp trong làng. Yêu nhau đã lâu, tình cảm đã đượm, hai gia đình đã tính chuyện cưới xin, chỉ còn chờ đến ngày lành tổ chức cho hai người. Ngày cưới gần kề, anh con trai cố thêm một chuyến đi biển những mong kiếm thêm tiền gom góp cho đám cưới. Một tháng trước ngày cưới, cô dâu đột nhiên lên xe hoa theo chồng sang nước ngoài trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Người con trai mang tiền trở về trong háo hức rồi đau đớn phát hiện người yêu đã đi lấy chồng ở nơi xa xôi ngàn dặm. Từ đó, anh sống chìm trong đau khổ và nước mắt, ôm mộng tình xưa cho đến năm 40 tuổi. Gia đình ông Hiếu trước nguy cơ tuyệt tự, xót xa kéo nhau lên Chủ tịch xã bắt đền. Được cán bộ xã giảng giải, cô gái kia đi lấy chồng là hoàn toàn tự nguyện và không phạm pháp, xã cũng chẳng thể giúp gì, gia đình lại lũ lượt kéo nhau về trong bẽ bàng.

Trước nguy cơ ế vợ vì các cô gái kéo nhau ra nước ngoài lấy chồng, nhiều thanh niên Đại Hợp và Lập Lễ phải rủ nhau đi kén vợ ở các tỉnh lân cận, thậm chí có người phải lên rừng lên bản để mong tìm cho được một cô theo về làm vợ. Nỗi lo ế vợ đã nhức nhối tới mức mà nhiều gia đình đã phải thúc giục con hoãn nghề đi biển để tập trung kiếm vợ.

Trai làng quyết giữ gái làng

Thanh nien bat den Chu tich xa… vi “xuat khau het co dau”-hinh-anh-2
 Ảnh minh họa

Bởi đa số các cô gái trong làng Đại Hợp và Lập Lễ đều đã kéo nhau đi lấy chồng ngoại quốc gần hết, nên số còn lại được trai làng giữ gìn "như báu vật". Những cô gái còn sót lại trong làng không những được nhiều chàng trai dòm ngó, đưa đón mà còn được "bảo vệ" một cách nghiêm ngặt.

Ở làng Đại Hợp có phong trào "trai làng quyết giữ lấy làng" do các thanh niên trai tráng lập ra. Những thanh niên ở làng khác đến làng Đại Hợp với ý định tìm người yêu đều sẽ bị "no đòn" không thương tiếc. Từ lâu trai làng Đại Hợp nổi tiếng là "bức tường thép" kiên quyết giữ lấy những cô gái làng. Từ đây đã xảy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười khi nhiều cô gái Đại Hợp đâ đem lòng yêu người ngoài xã.

Ông Mai Xuân Thanh, Giám đốc Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Thủy Nguyên cho biết tất cả huyện có 37 xã, thị trấn trên địa bàn thì đều có phụ nữ xuất ngoại lấy chồng. Trong đó, tập trung đông ở 3 xã là Lập Lễ, Phả Lễ, Dương Quan. Những địa phương này được mệnh danh là "trắng" gái xuân tuổi dậy thì. Bà Chủ tịch xã Đại Hợp cho biết vài năm gần đây, địa phương có nhà máy sản xuất da giày nên đã thu được một số lượng nhất định lao động nữ. Tuy nhiên, phong trào đi lấy chồng ngoại vẫn chưa "giảm nhiệt" vì thực tế làm công nhân thì cuộc sống cũng chẳng thay đổi được nhiều...

Với thực trạng những cô dâu xuất ngoại đi lấy chồng nước ngoài chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, chính quyền các xã đau đầu giải quyết, thanh niên trai tráng cũng đau đầu đi kiếm vợ. Chưa kể, cuộc sống nhiều gia đình thiếu vắng bàn tay phụ nữ cũng trở nên ảm đạm và tối tăm. Chẳng biết sang trời Tây có sung sướng hơn chăng?

Theo Phụ Nữ Thủ Đô


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh niên kéo nhau bắt đền Chủ tịch xã vì bị... ế vợ