Tưởng không thể tìm ra được cái nghề một thời vang danh này, bỗng một cụ già lên tiếng: “Vào sâu trong con đường nhỏ cách đây 1km có chỗ chà đồ đồng, không biết có phải cái làng nghề lư đồng An Hội mà anh tìm không”...

Thăng trầm nghề lư đồng An Hội

Một Thế Giới | 22/01/2015, 16:03

Tưởng không thể tìm ra được cái nghề một thời vang danh này, bỗng một cụ già lên tiếng: “Vào sâu trong con đường nhỏ cách đây 1km có chỗ chà đồ đồng, không biết có phải cái làng nghề lư đồng An Hội mà anh tìm không”...

Xóm thành làng…
Hớp ngụm trà, lão nghệ nhân Hai Thắng kể, làng An Hội được lập 1968, trước đây thuộc xã Hạnh Thông Tây (nay là Q.Gò Vấp, TP.HCM). Nghề đúc lư đồng được bác ruột tôi, cụ Trần Văn Kỉnh đi học ở Chợ Lớn (Q.5, TP.HCM) rồi về truyền cho con cháu và bà con trong làng. Thấy ăn nên làm ra từ nghề đúc lư đồng nên từ một gia đình có lò đúc, dần dần trong làng có hơn chục lò đúc lư đồng. Thời cực thịnh của lư đồng An Hội, đi khắp làng, đâu đâu cũng nghe người dân bàn tán về lư đồng. Thanh niên trai tráng đều mê nghề đúc lư đồng, trẻ con cũng râm ran về “chiến công” của mẻ đồng thành công ở lò nhà mình.
“Khi lũ trẻ biết phá là vọc với nghề đúc lư đồng ngay, cũng vì thế mà thợ trong làng rất đông. Hàng lúc nào cũng dồi dào, sẵn sàng cung cấp cho các thương lái” - nghệ nhân Sáu Bảnh nhớ lại. Thập niên 50 - 60 của thế kỷ trước, làng An Hội có hơn 60 chục lò của các họ Trần, Đinh, Ngô, Võ… Thời gian này, sản xuất không kịp bán, thương lái liên tục đặt cọc trước chờ nhận lư đồng mang đi phân phối. Lư đồng An Hội một thời đi khắp Bắc - Nam, hiện diện hầu hết ở các đình, chùa nổi tiếng, được đặt trang trọng trên các bàn thờ của địa chủ, phú hào. Nhờ danh tiếng, đông khách hàng mà từ một xóm nghèo, An Hội trở thành một làng sung túc.
Phải tốn rất nhiều giờ đồng hồ, trải qua nhiều công đoạn như làm khuôn sáp, đổ đồng, móc đồng, làm nguội, hàn thêm, chạm trổ, mài giũa, đánh bóng… mới cho ra được một cặp lư đồng ánh vàng trên bàn thờ. “Mỗi chiếc lư đồng An Hội đều có hồn riêng, người thợ phải thật sự yêu nghề, có tâm với nghề mới cho ra được những sản phẩm khách hàng ưng ý. Mỗi công đoạn đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, trau chuốt từng chi tiết thì mới cho ra những sản phẩm tinh xảo đáp ứng nhu cầu của khách hàng” - lão nghệ nhân Hai Thắng cho hay.
Ông cho biết thêm, trong các công đoạn, khâu đổ đồng vất vả và kỳ công nhất, người thợ đổ đồng cần chọn lọc được nguyên liệu đồng vàng sạch, nung chảy, canh chừng đến một độ sôi nhất định rồi đổ thật đều tay vào khuôn. Nếu người thợ không tập trung, đồng chưa tới, đổ không đều tay thì sản phẩm cho ra là những khối đồng vô hồn, bọt nổi rất nhiều. Những sản phẩm như vậy phải nung chảy lại làm nguyên liệu, rất hoang phí công sức và “lỗ vốn thấy trước mắt”.
nghe lu dong
Chủ lò, nghệ nhân Hai Thắng tham gia hàn đèn
… Và làng về xóm
Những năm 1975 - 1985, cuộc sống người dân khó khăn, lư đồng của làng bán không được, các lò đồng loạt bỏ nghề, chỉ lèo tèo vài lò đỏ lửa. Sau đó, nghề lư đồng phục hồi lại nhưng chỉ được 5 lò của anh em nhà họ Trần: Hai Thắng, Sáu Bảnh, Ba Cồ, Út Kiểng, Năm Toàn. Cũng từ đấy, làng đúc lư đồng truyền thống An Hội bị “xóa sổ” trên “bản đồ” làng nghề truyền thống Việt Nam và làng nghề trở lại xóm nhỏ đúc lư đồng. Đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về giá, mẫu mã của thời sản xuất lư đồng công nghiệp, lư đồng An Hội gặp rất nhiều khó khăn. “Cách đây hai năm, giá đồng nguyên liệu tăng tiên tục, giá đất sét tăng từ 1,2 triệu đồng lên 1,5 triệu đồng/một xe 6 khối” - chị Phạm Thị Liên, chủ lò Bà Cồ than thở.
Nghề lư đồng chủ yếu là lấy công làm lãi. Vì thế, đến thăm các lò, chúng tôi không nhận ra ai là chủ, người nào là thợ, tất cả đều tất bật với công việc không ngơi tay. Vất vả là vậy nhưng bán được một bộ lư đồng (giá từ 2 - 15 triệu đồng), chủ lò chỉ lời 60.000 đồng; thợ làm quần quật suốt ngày, tự lo cơm nước được trả công từ 50.000 - 70.000 đồng/ngày. Nhưng anh em họ Trần và hàng trăm thợ (vốn là nghề gia truyền theo kiểu cha dạy con, anh dạy em) ở cái xóm nghề truyền thống này vẫn cố giữ nghề cổ truyền với sự tự hào về làng nghề một thời vang tiếng. “Làm sao bỏ được nghề truyền thống của cha ông, cái nghề giúp mình sống qua bao cơn bão giá và nuôi đàn con ăn học thành tài”, nghệ nhân Hai Thắng vừa tươi cười nói vừa chuốt bộ chân đèn.
Nhờ nghề đúc lư đồng, các con của lão nghệ nhân Hai Thắng đều học hành đến nơi đến chốn, 5 trong 6 người con của ông đều tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định. Riêng người con trai út yêu nghề, đã được ông truyền nghề kế tục làm chủ lò Hai Thắng sau này. Chị Phạm Thị Liên, chủ lò Bà Cồ cũng nhờ làm nghề lư đồng mà nuôi con gái học xong Đại học Ngân hàng, hai con trai, một theo ba giao hàng, một thành thợ làm khuôn. “Muốn mở một lò phải có diện tích đất rộng (thường mỗi hộ phải có 700m2). Thời tấc đất tấc vàng hiện nay nếu bán thì kiếm bộn tiền những vì yêu nghề nên mới giữ lò” - chị Liên bộc bạch.
Những người thợ làm lư đồng như mắc nợ với nghề, sinh ra thấy nghề, lớn lên được cha, anh dạy nghề rồi theo nghề cho đến nay mặc dù tiền công thấp hơn rất nhiều nghề khác, ngay cả nghề phụ hồ. “Cha, anh tôi làm thợ lư đồng, hai vợ chồng cũng theo nghề này. Mỗi người cùng kiếm sống ở mỗi lò khác nhau” - thợ làm khuôn Trần Thị Kim Liên (lò Hai Thắng) cho biết. Nghề làm lư đồng khá vất vả, tay họ lúc nào cũng thoăn thoắt, mặt lấm tấm bụi đất, lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Mười người thợ, có đến chín người bị tróc tay, lột da do tiếp xúc nhiều với các loại nguyên liệu độc hại.
Những lúc kinh tế khó khăn, lư bán không được, nhiều thợ phải bỏ nghề đi làm kiếm sống. “Khi các lò khó khăn chúng tôi đi phụ hồ, rồi chạy xe ôm kiếm sống qua ngày” - anh Lê Hoàng Tuấn (14 năm tuổi nghề) tâm sự. Anh Thoại, con chủ lò Sáu Bảnh cũng một thời chinh chiến với đủ thứ nghề để “chữa lửa” qua các thời khốn khó rồi quay lại với nghề.
Hiện nay, chỉ có lò Ba Cồ với 30 thợ (trước đây là 100 thợ) sản xuất số lượng lớn, 50 - 100 bộ/tháng. Các lò khác phần lớn là sản xuất cầm chừng theo đơn đặt hàng của khách hàng. Quỹ đất lò của Hai Thắng từ 955m2 giảm còn 500m2, phần đất “cắt xén” đó được Hai Thắng xây một dãy nhà trọ cho sinh viên, công nhân thuê.
Nghề làm lư đồng ở An Hội như tiếng đàn, tiếng sáo, lúc thăng lúc trầm. Từ xóm nghèo thành làng nghề sung túc, giờ chỉ là xóm nhỏ sản xuất lư đồng. “Chừng nào hết người thờ cúng, làng lư đồng An Hội mới không còn” - chủ lò Út Kiểng tự tin nói.
Theo Bích Phượng (Đời sống & Tiêu dùng)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thăng trầm nghề lư đồng An Hội