Trong ký ức xa mờ của tôi, tết miền Tây đến rất sớm. Mới đầu tháng chạp, khi ngọn gió bấc lao xao thổi là nhà nhà chuẩn bị đắp lò, đan vỉ, gặt nếp mới, xay bột để tráng bánh và quết bánh phồng. Từ đầu làng đến cuối xóm đâu đâu cũng rộn lên tiếng cười rôm rả, nhà làm bánh mứt, nhà ép chuối phơi khô. Càng cận tết không khí càng nhộn nhịp khác thường, hấp dẫn nhất là cảnh tát mương, tát đìa và dỡ chà bắt cá, trong đó xôm tụ nhất là dỡ chà.
Chất chà - chiêu dụ cá độc đáo ở miền Tây
Ngày nay, hoạt động tát mương, tát đìa ăn Tết dần dần lùi vào quá khứ, nhưng chất chà thì vẫn tồn tại ở nhiều nơi. Và khi chính quyền thông báo không cho bà con chất chà cá dọc theo hai bên bờ sông, gây trở ngại cho giao thông thủy thì người dân lại tìm cách chất ở những nơi an toàn, không gây ảnh hưởng đến tàu ghe qua lại. Chất chà cá là một trong những cách đánh bắt phổ biến ở vùng sông nước Cửu Long. Ngày nay, nếu có dịp đi dọc theo các tuyến sông thuộc địa phận Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… nhất là từ Long Xuyên đến Châu Đốc và con kênh Vĩnh Tế, chúng ta sẽ chứng kiến rất nhiều đống chà lớn nhỏ chất dọc theo hai bên bờ sông và hầu như con nước kém nào cũng có người dỡ chà, rộn ràng nhất là tháng Chạp và những ngày cận Tết.
Kĩ thuật chất chà là chọn nơi mặt nước yên tĩnh, độ sâu vừa phải, dòng chảy thích hợp để dọn nền chất chà. Muốn có một đống chà đúng quy cách, người chất phải biết xem địa hình, phương hướng, sau đó chuẩn bị thật nhiều nhánh cây (gọi là chà) như bần, xoài, mít, ổi, tre… Tất cả những nhánh chà phải được gom lại, nhấn chìm xuống nước một cách ngay ngắn, dè dặt thành từng thớt. Xung quanh đống chà được cắm một hàng cọc vững chắc để giữ cho chà không bị trôi. Ông Trần Văn Học, một người có bề dầy kinh nghiệm chất chà và dỡ chà trên 20 năm ở quận Ô Môn, Cần Thơ cho biết, đóng chà lớn nhất thường có chiều dài 17m và rộng 10m. Nếu lớn quá sẽ dỡ không kịp con nước. Chi phí đầu tư cho một đống chà từ 6 triệu đến 10 triệu đồng, tùy đống chà lớn hay nhỏ. Chà chất xong, bà con thường thả lục bình hoặc rau muống để tạo sự yên tĩnh. Ông Học chia sẻ, muốn cá về nhiều chủ chà phải thường xuyên rải mồi cho cá ăn. Tùy nơi, tùy lúc có người cho cá ăn bằng mồi cơm nguội, lúa, cám...; có người lại rải rau muống, mắm sống. Điều cần chú ý là gần đến ngày dỡ chà phải giữ cho môi trường yên tĩnh, tránh tàu bè qua lại nhiều.
Dỡ chà cũng là một nghệ thuật
Chà thường dỡ quanh năm, bình quân cứ hai tháng dỡ một lần vào con nước kém. Tuy nhiên, mùa dỡ chà trúng nhất là tháng 11 và tháng Chạp vì mùa này là mùa cá từ ruộng vườn đổ ra sông (cá ra), nhiều nhất là cá linh, cá lăng, cá mề vinh, cá sóc sọc… Không khí dỡ chà ở miền Tây lúc nào cũng thật náo nức, nhất là thời điểm cận Tết. Khi lưới vừa bao xong, mọi người phân công nhau, kẻ nhổ cọc, tháo rượng, người dỡ chà. Lúc miệng lưới thu hẹp dần cũng là lúc các con cá to nhỏ đua nhau phóng lên loạn xạ, táo bạo nhất là cá cốc, cá chài, mề vinh, cá ngựa… một số con bạt mạng rơi trúng vào lưới hoặc xuồng, vùng vẫy lung tung.
Ông Năm Tân, quê ở phường Thới An, quận Ô Môn, một người chất chà hơn 10 năm nay bộc bạch: “Cách nay vài năm, cá tôm còn nhiều, mỗi đống chà bắt vài ba tấn cá, nay giảm nhiều nhưng cũng tạo được công ăn việc làm cho người dân sống ở miền sông nước”. Tại một số nơi, bà con đã hình thành Tổ dịch vụ chuyên dỡ chà, mỗi tổ từ 10 - 15 người, họ có đủ đồ nghề như lưới, xuồng, ghe, dụng cụ bắt cá… Chủ chà chỉ cần hợp đồng với họ ngày, giờ là họ sẽ kéo đến phục vụ nhiệt tình. Thường tiền công cho một đống chà từ 2 - 4 triệu đồng, tùy chà lớn nhỏ.
Ông Trần Văn Hạp, Tổ trưởng dỡ chà ở Ô Môn chia sẻ, hàng năm, kể từ tháng 11 âm lịch đến Tết, ngày nào tổ của ông cũng có người thuê dỡ chà, không có ngày nghỉ. Theo ông, chất chà đã khó, dỡ chà càng khó hơn vì mỗi công đoạn đòi hỏi phải có người thạo nghề, lặn giỏi, thuần thục các kĩ năng dời nọc, gom lưới, nếu không cá sẽ thoát ra ngoài. Ông Trần Văn Hùng, một người dỡ chà chuyên nghiệp ở Ô Môn cũng cho biết, ông đã làm nghề hơn 30 năm, nay đã 68 tuổi nhưng tài lặn xuống đáy sông để gom lưới không thua gì thanh niên. Tuy cá sông hiện nay không còn dồi dào như xưa, nhưng tại các huyện đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu, nhờ sông sâu, nước chảy, dòng sông lại không bị ô nhiễm nên người chất chà thường bắt được nhiều cá. Bình quân một đống chà chất đúng kĩ thuật mỗi lần dỡ có thể kiếm cả tấn cá, nhiều nhất là cá trắng.
Nghề nào cũng có cái đạo của nó, ông Trần Văn Học, người chuyên sống bằng nghề chất chà tâm sự: “Làm nghề sông nước mình phải tin tưởng Bà Cậu, hàng năm vào mùng 3 Tết hoặc mỗi lần sau khi dỡ chà tôi đều cúng vái cầu xin cho anh em hành nghề trên sông nước được bình yên vô sự, cuộc sống an cư lạc nghiệp”. Cũng theo ông, người tham gia dỡ chà trước khi xuống nước không được uống rượu vì rượu sẽ làm cho cơ thể suy yếu không thể ngâm mình dưới nước được lâu. Thông thường dỡ xong một đống chà ít nhất cũng phải mất 2 tiếng đồng hồ. Nhớ lại, trước kia dỡ chà được coi là một thú vui dân dã, một hoạt động mang đậm ý nghĩa tình làng nghĩa xóm.
Không khí dỡ chà lúc nào cũng nhộn nhịp, tưng bừng. Sau khi dỡ xong, chủ chà thường chọn những con cá ngon để tặng cho những anh em đồng cam cộng khổ, sau đó mọi người quây quần bên nhau, kẻ nướng cá, người xuống bếp chuẩn bị cho tiệc liên hoan. Mọi người tha hồ trò chuyện, bàn việc mùa màng và chuyện sắm Tết. Hình ảnh đó mãi cho đến nay vẫn còn đọng lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên.
Thời gian cứ vô tình trôi mải miết nhưng mỗi lần về quê, nhìn cảnh dỡ chà ăn Tết tôi lại miên man nhớ đến một thời bơi xuồng ra sông dùng vợt hứng cá, mỗi lần cá từ đống chà nhảy ra rớt ngay vào vợt, mọi người reo mừng hò vui như pháo nổ. Chỉ có thế thôi mà sao trong tôi lại nhớ mãi, nhớ hoài những kỉ niệm êm đềm của một thời thơ ấu. Ngày nay, do tác động của kinh tế thị trường, chà dỡ xong, nhiều ghe xuồng đã đến tận nơi cân cá, ai nấy cũng đều vội vàng hối hả theo dòng xoáy của thị trường, ít có dịp ngồi lại vừa ăn vừa chuyền tay nhau những li rượu tình rượu nghĩa như thuở nào.
Hoài Phương / Duyên dáng Việt Nam