Đây là lần thứ 11 liên tiếp kỉ lục nhiệt độ toàn cầu bị phá, theo The Independent
Theo số liệu của Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ NASA, năm 2015 đang giữ kỉ lục là năm nóng nhất từ trước đến nay, và tháng có nền nhiệt trung bình toàn cầu nóng nhất trong 100 năm qua là tháng 3.2016.
Cụ thể, nhiệt độ toàn cầu trong tháng 3 đã cao hơn 1,28 độ C so với nhiệt độ trung bình của các tháng ở thế kỷ 20.
Đây là lần thứ 11 liên tiếp kỉ lục nhiệt độ toàn cầu bị phá khi nhiệt độ của tháng sau luôn cao hơn tháng trước.
Lý giải cho việc này, một số nhà khoa học cho rằng nhiệt độ toàn cầu tăng cao là do hiện tượng El Nino, một hiện tượng thời tiết bất thường khiến một số khu vực trên trái đất có nhiệt độ cao bất thường trong khi một số khu vực khác lại mưa nhiều hơn bình thường, đang tác oai tác quái. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng đây là hệ quả của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trước khi số liệu của NASA được công bố, một nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng băng ở Greenland đã tan sớm hơn thường lệ đến 3 tháng. 12% diện tích bề mặt băng ở Greenland, tương đương 1,7 triệu km2, đã có dấu hiệu tan chảy, ông Peter Langen thuộc Viện nghiên cứu khí hậu Đan Mạch, cho biết.
Mặc dù băng tan là một hiện tượng thời kiết có chu kì, nhưng theo đánh giá của ông Langen, sự thay đổi của khí hậu toàn cầu đã khiến hiện tượng này nghiêm trọng hơn.
Còn theo nhà nghiên cứu Walt Meler thuộc NASA, “mọi thứ đang trở nên cực đoan và phổ biến hơn”.
Cẩm Bình (theo The Independent)