Trong tháng 1 năm nay có 25.752 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 1, hơn 25 nghìn DN tạm ngừng, tăng 36,4% so với cùng kỳ

Lam Thanh | 29/01/2021, 14:21

Trong tháng 1 năm nay có 25.752 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 1, hơn 25 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1.2021 của Tổng cục Thống kê, Bộ KH-ĐT, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 1.2021 có nhiều khởi sắc khi doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước và tăng ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động.

tam-ngung-dn.jpg
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng so với cùng kỳ

Tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung của các doanh nghiệp vào nền kinh tế trong tháng 1.2021 là 395,1 nghìn tỉ đồng, tăng 10,5% so với tháng 1.2020.

Trong tháng 1.2021, cả nước có gần 10,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 155,1 nghìn tỉ đồng và số lao động đăng ký là 115,9 nghìn lao động, tăng 21,9% về số doanh nghiệp, tăng 25,9% về vốn đăng ký và tăng 37,2% về số lao động so với cùng kỳ năm 2020.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 15,4 tỉ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 240 nghìn tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 4.015 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1/2021 là 395,1 nghìn tỉ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, còn có 6.503 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2021 lên 16.594 nghìn doanh nghiệp, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo khu vực kinh tế, tháng 1.2021 có 174 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; 2.747 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 13,8%; 7.170 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 25,5%.

Hầu hết các ngành hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới tăng: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 3.366 doanh nghiệp, tăng 65,2% so với cùng kỳ năm 2020; công nghiệp chế biến, chế tạo 1.265 doanh nghiệp, tăng 4%; xây dựng 1.220 doanh nghiệp, tăng 14,6%; khoa học công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác 874 doanh nghiệp, tăng 5,8%...

Có 4 ngành có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Dịch vụ lưu trú và ăn uống 396 doanh nghiệp, giảm 20,8%; giáo dục và đào tạo 299 doanh nghiệp, giảm 1%; thông tin và truyền thông 289 doanh nghiệp, giảm 10,5%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí 72 doanh nghiệp, giảm 15,3%.

Cũng trong tháng 1 năm nay có 25.752 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước.

Bao gồm: 18.055 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 54,3%; 5.602 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,8%; 2.095 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 29,2%, trong đó có 1.883 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng, tăng 29,8%; 21 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỉ đồng, giảm 4,5%.

Vốn FDI thực hiện tháng 1 ước đạt 1,5 tỉ USD

Hoạt động đầu tư trong tháng 1.2021 tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước, hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành của năm 2020.

Đối với các công trình mới được bố trí vốn năm 2021 chủ yếu đang trong trong thời gian hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên chưa có khối lượng thực hiện.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 1.2021 đạt thấp so với kế hoạch năm (5,1%) nhưng tăng cao 24,5% so với cùng kỳ năm 2020 do tháng Một năm trước trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 1.2021 ước tính đạt 23.233 tỉ đồng, bằng 5,1% kế hoạch năm và tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 3,6% và tăng 8,2%).

Vốn địa phương quản lý đạt 20.188 tỉ đồng, bằng 5,4% kế hoạch năm và tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 13.470 tỉ đồng, bằng 5,1% và tăng 25,9%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 5.725 tỉ đồng, bằng 5,9% và tăng 22,6%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 1 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 3.364 tỉ đồng, bằng 6,6% kế hoạch năm và tăng 52,1% so với cùng kỳ năm trước; Quảng Ninh 802 tỉ đồng, bằng 4,8% và tăng 90,4%; Bà Rịa - Vũng Tàu 634 tỉ đồng, bằng 5,9% và tăng 13,5%; TP.HCM 629 tỉ đồng, bằng 1,8% và tăng 15,1%...

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20.1.2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 2 tỉ USD, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó có 47 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 1,3 tỉ USD, giảm 81,8% về số dự án và giảm 70,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 46 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 0,5 tỉ USD, tăng 41,4%; 194 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 0,2 tỉ USD, giảm 58,7%.

Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần có 52 lượt làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp 0,13 tỉ USD và 142 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 0,09 tỉ USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng 1 ước tính đạt 1,5 tỉ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 1,1 tỉ USD, chiếm 71,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 235 triệu USD, chiếm 15,6%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 93,4 triệu USD, chiếm 6,2%.

Trong tháng 1, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 1,1 tỉ USD, chiếm 79,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 149,1 triệu USD, chiếm 11,3%; ngành vận tải, kho bãi đạt 107,5 triệu USD, chiếm 8,1%; các ngành còn lại đạt 10 triệu USD, chiếm 0,7%.

Trong số 12 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong tháng 1, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 544,7 triệu USD, chiếm 41,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 270,6 triệu USD, chiếm 20,4%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 210,9 triệu USD, chiếm 15,9%; Mỹ 110,8 triệu USD, chiếm 8,4%...

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 1 năm nay có 1 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam sang Trung Quốc vào ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 3,2 triệu USD, không có lượt dự án điều chỉnh vốn, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Bài liên quan
Đà Nẵng: Khởi tố Tổng giám đốc Công ty GFDI cùng thuộc cấp về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng đã khởi tố 5 bị can là lãnh đạo và nhân viên Công ty GFDI về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháng 1, hơn 25 nghìn DN tạm ngừng, tăng 36,4% so với cùng kỳ