Với bài bào chữa chi tiết, luận điểm, luận cứ rõ ràng, luật sư bào chữa cho Vũ Văn Tiến quyết cứu bị cáo này thoát khỏi án tử trong phiên tòa phúc thẩm vụ thảm sát Bình Phước sắp tới.
Ngày 18 – 19.7 tới TAND TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm vụ án “Thảm sát Bình Phước”. Trước đó vào ngày 17.12.2015, TAND tỉnh Bình Phước đã xét xử và tuyên phạt Nguyễn Hải Dương (SN 1991, quê An Giang), Vũ Văn Tiến (SN 1991, quê Bình Phước) án tử hình, Trần Đình Thoại (SN 1988, quê Vĩnh Long) 16 năm tù đều về tội Giết người và Cướp tài sản.
Nguyễn Hải Dương đã sớm chấp nhận án tử bị tuyên ở phiên sơ thẩm, chỉ có bị cáo Tiến và Thoại làm đơn kháng cáo. Đặc biệt phải kể đến Vũ Văn Tiến, gia đình bị cáo này đang làm mọi cách để giúp con mình thoát khỏi án tử.
Trước đó bà Vũ Thị Thi (mẹ bị cáo Tiến) đã góp góp được 20 triệu đồng để đền bù cho gia đình bị hại, song bị từ chối. Gia đình bị cáo này cũng xin được hơn 10.000 chữ ký với nội dung xin cho Tiến thoát án tử. Cùng với đó, ông Lê Văn Nam (đoàn luật sư Bình Phước – người bào chữa cho Vũ Văn Tiến) thông tin:
“Tôi đã chuẩn bị kỹ cho phiên tòa phúc thẩm sắp tới để bào chữa cho bị cáo Tiến. Trong phiên tòa này tôi sẽ nêu ra 5 quan điểm của mình và mong HĐXX xem xét, giảm án cho bị cáo Tiến.
Điều thứ nhất, Tiến đã bị Dương cưỡng bức về mặt tinh thần dẫn đến phạm tội. Trong biên bản khai nhận và cả tại phiên sơ thẩm, Dương đều thừa nhận có những hành động nhằm uy hiếp tinh thần đối với Tiến, buộc bị cáo này phải cùng mình phạm tội tới cùng.
Tiếp đó, TAND tỉnh Bình Phước xét xử phiên sơ thẩm đã việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng như hành vi phạm tội có tính chất man rợ, côn đồ. Tuy nhiên, việc ra tay sát hại cả 6 người là do bị cáo Dương làm, Tiến chỉ ở vai trò giúp sức. Nếu có thể làm rõ tình tiết này, cơ hội cho Tiến thoát án tử là khá lớn.
Điểm thứ 3 trong bài bào chữa của tôi làTòa án cấp sơ thẩm chưa thực sự quan tâm, xem xét đến tính chất, mức độ tham gia thực hiện tội phạm giữa người chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Tiến chỉ với vai trò đồng phạm, bị dồn vào thế buộc phải thực hiện việc phạm tội trong đó có nhiều lí do khách quan.
Thứ tư, về tình tiết giảm nhẹ, phiên tòa sơ thẩm chấp nhận bị cáo Tiến được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như phạm tội lần đầu, gia đình có công…nhưng chưa thực sự lưu tâm, cân nhắc mà vẫn áp dụng hình phạt cao nhất đối với Tiến.
Điều thứ năm, Tòa án cấp sơ thẩm chưa quan tâm, xem xét đến tính nhân đạo, nhân văn của pháp luật xã hội chủ nghĩa để giảm mức án cho bị cáo Tiến.
Tất nhiên, hành vi phạm tội và cấu thành tội danh của Tiến không cần bàn cãi. Nhưng theo quan điểm của tôi, mức án chung thân đối với bị cáo Tiến đã đủ sức răn đe, giáo dục, qua đó phòng ngừa chung với xã hội”.
Cũng theo luật sư Nam, Tiến trước lúc gây án đã có uống khá nhiều bia, trong khi đó Dương uống ít. Cùng việc đi một quãng đường xa trong đêm khuya xuống Bình Phước khiến đầu óc Tiến không hoàn toàn tỉnh táo. Khi đột nhập vào nhà ông Mỹ, không chế và làm cháu Vỹ xỉu, Tiến đã đòi bỏ về. Trong xuyên suốt quá trình phạm tội Tiến đều muốn dừng lại nhưng bị Dương hăm dọa bằng hành động. Đây là những tình tiết có lợi đối với bị cáo Tiến trong phiên tòa phúc thẩm sắp diễn ra.
Nghinh Phong