Hãng sản xuất chip Fujian Jinhua Integrated Circuit (Trung Quốc) đã được thẩm phán Mỹ xóa khỏi cáo buộc gián điệp kinh tế. Đây là một thất bại cho chiến dịch của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm chống lại việc nước ngoài đánh cắp tài sản trí tuệ.
Thế giới số

Thẩm phán tuyên bố công ty Trung Quốc không trộm dữ liệu độc quyền của hãng chip nhớ số 1 Mỹ

Sơn Vân 28/02/2024 10:53

Hãng sản xuất chip Fujian Jinhua Integrated Circuit (Trung Quốc) đã được thẩm phán Mỹ xóa khỏi cáo buộc gián điệp kinh tế. Đây là một thất bại cho chiến dịch của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm chống lại việc nước ngoài đánh cắp tài sản trí tuệ.

Hơn 5 năm sau khi Bộ Thương mại Mỹ đưa Fujian Jinhua Integrated Circuit vào danh sách đen vì là mối đe dọa với an ninh quốc gia, nữ thẩm phán Maxine M. Chesney ở thành phố San Francisco (Mỹ) tuyên bố công ty Trung Quốc này không có tội sau một phiên tòa không có bồi thẩm đoàn, theo hãng tin Bloomberg.

Fujian Jinhua Integrated Circuit là hãng chip được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.

Phán quyết từ Maxine M. Chesney hôm 27.2 có thể làm giảm nhiệt việc chính phủ Biden theo đuổi quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự để bảo vệ công nghệ Mỹ.

Maxine M. Chesney kết luận các công tố viên Mỹ đã không chứng minh được rằng Fujian Jinhua Integrated Circuit đánh cắp dữ liệu độc quyền từ Micron Technology (hãng sản xuất chip nhớ số 1 Mỹ) thông qua United Microelectronics Corp (Đài Loan) trong một thỏa thuận sản xuất chip với Fujian Jinhua Integrated Circuit.

United Microelectronics Corp đã hỗ trợ Bộ Tư pháp Mỹ trong vụ kiện Fujian Jinhua Integrated Circuit sau khi nhận tội trộm bí mật thương mại vào năm 2020 và nộp phạt 60 triệu USD.

Theo tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ khi vụ việc lần đầu tiên được đệ trình, nếu bị kết án, Fujian Jinhua Integrated Circuit có thể phải đối mặt với án phạt cũng như lệnh yêu cầu công ty này từ bỏ chip và thu nhập có từ công nghệ được cho đánh cắp của Micron Technology.

Đại diện Fujian Jinhua Integrated Circuit và Micron Technology không trả lời ngay lập tức các câu nỏi của trang SCMP. Văn phòng Công tố viên Mỹ ở San Francisco và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cũng không trả lời.

tham-phan-tuyen-bo-hang-chip-trung-quoc-khong-trom-du-lieu-doc-quyen-cua-hang-chip-nho-so-1-my.jpg
Fujian Jinhua Integrated Circuit được phán quyết không đánh cắp dữ liệu độc quyền từ Micron Technology thông qua United Microelectronics Corp - Ảnh: Internet

Vụ kiện nêu trên từng được coi là có ý nghĩa quan trọng vì trong khi Mỹ theo đuổi và đạt được nhiều án phạt với cá nhân vì chuyển giao tài sản trí tuệ trái phép sang Trung Quốc thì Bộ Tư pháp hiếm khi đòi truy tố các công ty Trung Quốc tại tòa án Mỹ.

Vụ kiện chống lại Fujian Jinhua Integrated Circuit được đệ trình vào năm 2018 trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của chính quyền Donald Trump lúc bấy giờ với Trung Quốc và là nỗ lực nhằm trấn áp hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại các công ty lẫn trường đại học nghiên cứu Mỹ.

Vào năm 2022, Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã chấm dứt Sáng kiến Trung Quốc của ông Trump sau khi nó bị chỉ trích dữ dội vì kích động sự phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Á, ngay cả khi đang thúc đẩy việc truy tố Fujian Jinhua Integrated Circuit.

Dù Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đang tìm cách ổn định mối quan hệ vốn đã xấu đi do lo ngại về gián điệp kinh tế cùng các vấn đề khác, gồm cả cuộc gặp trực tiếp tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 11.2023 ở San Francisco, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục cạnh tranh để giành ưu thế về công nghệ.

Micron Technology dường như đã cố gắng xoa dịu Trung Quốc, gồm cả việc hứa đầu tư thêm 4,3 tỉ nhân dân tệ vào nhà máy đóng gói chip ở thành phố Tây An (Trung Quốc) và cử Giám đốc điều hành Sanjay Mehrotra đến thăm cường quốc châu Á.

Micron Technology và Fujian Jinhua Integrated Circuit vào tháng 12.2023 đã đạt được thỏa thuận dàn xếp toàn cầu, trong đó họ đồng ý hủy bỏ mọi khiếu nại chống lại nhau, gồm cả vụ kiện dân sự do hãng chip nhớ số 1 Mỹ đệ trình một năm trước khi Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra cáo buộc hình sự với công ty Trung Quốc.

Thỏa thuận dàn xếp đạt được vài tháng sau khi chính phủ Trung Quốc hồi tháng 5.2023 cấm sử dụng chip nhớ của Micron Technology trong “cơ sở hạ tầng quan trọng” vì lo ngại về an ninh mạng. Động thái của Trung Quốc chống lại Micron Technology thời điểm đó là sự trả đũa cho những nỗ lực của chính quyền Biden nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận các công nghệ quan trọng.

Vài năm qua, Mỹ đã hợp tác với các đồng minh để ngăn chặn Trung Quốc có được chất bán dẫn tiên tiến nhất và công nghệ sản xuất chip mới nhất.

Hồi tháng 6.2023, Micron Technology đã cảnh báo rằng khoảng một nửa doanh số bán chip nhớ của hãng gắn liền với các khách hàng tại Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi động thái từ Bắc Kinh, chiếm “tỷ lệ phần trăm hai con số” trong doanh thu toàn cầu của họ.

Hãng chip nhớ số 1 Mỹ cho biết khoảng 1/4 doanh thu toàn cầu của họ đến từ các doanh nghiệp tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.

Trung Quốc từng là thị trường lớn nhất của Micron Technology, tạo ra một nửa doanh thu 20 tỉ USD trong năm tài chính 2017. Thị phần đó giảm xuống còn 16% vào 2022, năm mà Micron Technology đóng cửa hoạt động DRAM ở thành phố Thượng Hải, đồng thời đề nghị chuyển phần lớn trong số 150 kỹ sư Trung Quốc đến các cơ sở ở Mỹ và Ấn Độ. Thời điểm này, Micron Technology có khoảng 3.000 nhân viên trên toàn Trung Quốc.

Năm 2017, Micron Technology đã kiện Fujian Jinhua Integrated Circuit và United Microelectronics Corp ở Mỹ, cáo buộc cả hai đã đánh cắp bí mật thương mại chip nhớ của công ty có trụ sở tại thành phố Boise (bang Idaho, Mỹ).

Được thành lập năm 2016, Fujian Jinhua Integrated Circuit đã nhận khoản đầu tư 3 tỉ nhân dân tệ từ chính phủ Trung Quốc để xây dựng dây chuyền sản xuất với sự hỗ trợ công nghệ từ United Microelectronics Corp.

Năm 2018, Fujian Jinhua Integrated Circuit và United Microelectronics Corp bị cáo buộc âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ Micron Technology khi Bộ Tư pháp Mỹ tăng cường hành động chống lại Trung Quốc trong các trường hợp bị nghi ngờ là gián điệp kinh tế.

Chính quyền Trump đã thêm Fujian Jinhua Integrated Circuit vào danh sách đen thương mại, ngăn chặn việc bán linh kiện của Mỹ cho nhà sản xuất chip Trung Quốc.

Cũng năm 2018, Fujian Jinhua và United Microelectronics Corp kiện ngược Micron Technology, tố công ty chip Mỹ vi phạm sáng chế về module DRAM. 4 tháng sau, Cơ quan giám sát chống độc quyền và Cục quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc bắt đầu điều tra Micron Technology. Lúc này, Samsung và SK Hynix cũng bị điều tra với lý do tương tự.

Tháng 7.2018, Tòa án Phúc Kiến (Trung Quốc) ra phán quyết yêu cầu Micron Technology phải ngừng bán 26 sản phẩm bán dẫn gồm DRAM, NAND flash tại Trung Quốc. Hãng chip số 1 Mỹ sau đó tỏ ra bất bình, đồng thời khẳng định các sản phẩm của mình không vi phạm sáng chế.

Đầu năm 2020, United Microelectronics Corp đã giải quyết vụ kiện với Micron Technology, nộp phạt 60 triệu USD và nhận tội trong một thỏa thuận với các công tố viên Mỹ, những người đã đồng ý hủy bỏ các cáo buộc nghiêm trọng về gián điệp kinh tế và âm mưu đánh cắp tài sản trí tuệ.

Hãng chip nhớ số 1 Trung Quốc kiện Micron Technology vi phạm 8 bằng sáng chế

Giữa tháng 11.2023, YMTC (hãng chip nhớ số 1 Trung Quốc) đệ đơn kiện Micron Technology với cáo buộc vi phạm 8 bằng sáng chế của họ.

Hãng tin Reuters cho biết YMTC đã đệ đơn kiện Micron Technology và đơn vị Micron Consumer Products Group tại tòa án cấp quận ở bang Bắc California (Mỹ).

Theo vụ kiện, Micron Technology sử dụng công nghệ đã được cấp bằng sáng chế của YMTC để đối phó với sự cạnh tranh từ hãng sản xuất chip nhớ số 1 Trung Quốc, đồng thời giành và bảo vệ thị phần. YMTC cáo buộc Micron Technology không thanh toán một khoản tiền phù hợp để sử dụng các phát minh đã được cấp bằng sáng chế.

Micron Technology sản xuất chip nhớ DRAM và NAND flash, cạnh tranh với Samsung Electronics và SK Hynix (hai hãng chip nhớ số 1 thế giới của Hàn Quốc) cũng như Kioxia (Nhật Bản), một đơn vị của Toshiba.

YMTC là đối thủ nhỏ hơn nhiều so với Samsung Electronics và SK Hynix, năm 2022 đã bị Mỹ cấm mua một số linh kiện từ nước này.

Hồi tháng 7.2023, Micron Technology đã công bố các mẫu HBM3 (bộ nhớ băng thông cao 3) Gen2 để hỗ trợ các ứng dụng AI tạo sinh.

HBM, một loại DRAM tiên tiến được tối ưu hóa cho AI tạo sinh, chỉ được sản xuất bởi Micron Technology, Samsung Electronics và SK Hynix.

Trong khi YMTC tạo được bước đột phá công nghệ bất ngờ. Cụ thể hơn, YMTC đã sản xuất chip nhớ 3D NAND flash “tiên tiến nhất thế giới” được sử dụng trong một thiết bị tiêu dùng, theo báo cáo của hãng phân tích chất bán dẫn TechInights (Canada).

Theo Bộ Thương mại Mỹ, chip nhớ của YMTC được tìm thấy trong một ổ cứng thể rắn (SSD) ra mắt lặng lẽ vào tháng 7.2023. Điều này cho thấy YMTC đã tiếp tục phát triển được công nghệ tiên tiến dù bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt sau khi nằm trong danh sách thực thể của Bộ Thương mại Mỹ từ tháng 12.2022, theo TechInights.

Bộ nhớ 3D NAND luôn đi đầu trong thiết kế chip nhớ và là thành phần quan trọng cho điện toán hiệu năng cao trong các ứng dụng như AI và học máy.

Bài liên quan
Các hãng hàng đầu Trung Quốc cố thu hẹp khoảng cách về chip nhớ với Hàn Quốc, Mỹ
CXMT, công ty bán dẫn hàng đầu Trung Quốc, đã sản xuất chip nhớ di động tiên tiến thế hệ mới đầu tiên của nước này, đạt được bước tiến quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách với các đối thủ Hàn Quốc và Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thẩm phán tuyên bố công ty Trung Quốc không trộm dữ liệu độc quyền của hãng chip nhớ số 1 Mỹ